Đắk Lắk: Hòa cùng “Nhịp điệu Cao nguyên”
Đắk Lắk: Có một mùa hoa bơ... Đắk Lắk: Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch TP. Buôn Ma Thuột |
Chương trình do Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp với Công ty Truyền thông Sự kiện Pro tổ chức vào sáng 13/3 đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự. Từ vũ điệu hát múa dân gian cùng thanh âm mộc mạc và gần gũi của nhiều nhạc cụ tre nứa được các diễn viên, nghệ sĩ Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk cùng một số nghệ nhân người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trình diễn trong không gian cộng cảm, cộng đồng đã thật sự để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dự khán.
Nói như Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân - nguyên Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, dù không chuẩn bị bản phối kịch bản từ trước, nhưng với sự ngẫu hứng của các nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia trình diễn cũng đã mang lại xúc cảm đa chiều và đầy sắc màu cho Chương trình nghệ thuật “Nhịp điệu Cao nguyên” được tổ chức tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này.
Tiết mục múa trống do các nghệ nhân buôn Wieo, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) thực hiện. Ảnh: Nam Phương |
Từ những nhạc cụ truyền thống của người Êđê (như trống, chiêng, tù và, đàn đá, đing pơng, t’rưng, ching kram) đến sáo trúc, hát then, đàn tính của người Tày, Nùng vùng núi phía Bắc về đây tụ hội đã vẽ nên bức tranh âm nhạc, văn hóa dân gian đa sắc màu trên cao nguyên Đắk Lắk. Trong dòng chảy văn hóa ấy, bản sắc và sự lan tỏa của mỗi cộng đồng dân tộc được thể hiện hết sức rõ nét, sinh động giữa hai chiều truyền thống và hiện đại trong chương trình nghệ thuật nói trên. Từ cây sáo của người Mông truyền thống (một ống) có âm vang dìu dặt, thiết tha như mời gọi, trao gửi lời yêu thương của bao chàng trai, cô gái trên cao nguyên đá Hà Giang, hay đồi núi trập trùng lũng dốc vùng Cao - Bắc - Lạng… đã được nhóm nghệ nhân trẻ sáo trúc dân tộc Nùng xã Ea Siên (TX. Buôn Hồ) sáng tạo nên bằng cách ghép thêm một ống nứa song song nữa, có gắn lưỡi gà trên thân sáo để hòa tấu một cách rộn rã, vang lừng hơn trong mọi không gian diễn xướng, khiến người nghe mê đắm thêm. Hay cây đàn tính của người Tày - Nùng ở phía Bắc, vốn là nhạc cụ chỉ có mặt trong các lễ nghi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thuần túy, giờ đây được các thành viên Câu lạc bộ Hát then, đàn tính xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) trình diễn ngẫu hứng, điệu mộ và duyên dáng hơn với những điệu thức mới qua nhiều bài hát có ca từ hiện đại, ca ngợi cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên quê hương Đắk Lắk hôm nay.
Đoàn nghệ nhân buôn Weo (thị trấn Krông Năng) trình diễn tại Chương trình nghệ thuật "Nhịp điệu Cao nguyên". |
Đặc biệt, hầu hết những người đến với Chương trình nghệ thuật “Nhịp điệu Cao nguyên” đều cảm nhận được rằng, mạch nguồn và sức sống vốn âm nhạc dân gian ở đây là vô tận nhờ sự kế thừa và sáng tạo không ngừng của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân sống và cống hiến hết mình cho đời sống văn hóa, tinh thần trên vùng đất giàu bản sắc này. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân chia sẻ: Khi đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình nghệ thuật trên, ông đã lên ý tưởng và cố gắng mang lại cho người thưởng lãm góc nhìn chân thật, sinh động về “đời sống” mới của âm nhạc dân gian đương đại, trong đó gần gũi và tiêu biểu nhất là vốn nhạc cụ được chế tác từ tre nứa. Trong số 37 nhạc cụ tre nứa truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm từ đời sống của các cộng đồng dân tộc tại chỗ, đến nay đã có không ít nhạc cụ có sức sống mạnh mẽ và lan tỏa hơn trong đời sống xã hội. Ví như ching kram (chiêng tre), sáo vỗ hay đàn đá đã được nghệ sĩ Vũ Lân, Trương Ân, anh em nhà Nguyễn Trường và Nguyễn Đức kế thừa và sáng tạo không ngừng nhằm mở rộng biên độ, không gian diễn xướng cùng tầm mức đặc sắc và độc đáo của nó.
Quả đúng như vậy, công chúng yêu âm nhạc khi được mục sở thị những nghệ sĩ trên trình diễn trong chương trình nghệ thuật này đã không ngớt trầm trồ và tán thưởng. Nghệ sĩ Vũ Lân tương tác với du khách qua nhạc cụ chiêng ống (ching đing); Nguyễn Đức cùng vợ là Nguyễn Thị Diệu hòa tấu sáo vỗ với ching kram cầm tay; Trương Ân, Y Hoát Niê cùng hòa nhịp đàn đá với dàn chiêng, trống của đoàn nghệ nhân dân gian buôn Wiao, huyện Krông Năng; đặc biệt nghệ sĩ Nguyễn Trường đã cuốn hút mọi người bằng cây violon tre lạ lẫm. Tất cả những nhạc cụ ấy là sự cách điệu, sáng tạo từ vốn âm nhạc tre nứa mộc mạc, gần gũi trong đời sống của người Tây Nguyên - và chắc chắn âm vang, nhịp điệu kia sẽ mãi đọng lại trong lòng du khách khi đến với Đắk Lắk dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 và những lần tiếp theo.
Nguồn: Hòa cùng “Nhịp điệu Cao nguyên”