Đắk Lắk: Huy động nguồn lực xây dựng tỉnh phát triển thành trung tâm vùng Tây Nguyên
Đắk Lắk: Giữ "dáng dấp" xanh cho Buôn Ma Thuột Đắk Lắk: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch |
Bước vào năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định đây là năm tập trung nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để tạo bứt phá trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu trong hành trình xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Vững vàng vị thế
Năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt; kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tổng sản phẩm xã hội hiện ước đạt 58.355 tỷ đồng, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm 2021; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35.735 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.500 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ; GRDP đầu người ước đạt 56,7 triệu đồng/người; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.152 tỷ đồng, tăng 11,53% so với cùng kỳ; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,75%...
Công nghiệp có bước phát triển mới, tiềm năng, lợi thế của địa phương về năng lượng tái tạo được quan tâm, phát triển nhanh.
Nông nghiệp tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp đang được triển khai theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến.
Đặc biệt, năm 2022 khi những container sầu riêng, mắc ca đầu tiên vươn ra thế giới bằng con đường chính ngạch đã ghi dấu thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp trong xây dựng nền nông nghiệp chất lượng, minh bạch, trách nhiệm.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm trang trại sản xuất cà chua trái cây Nova của Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm ở xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp |
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, chăm lo đời sống người dân luôn được quan tâm. Lĩnh vực y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo đạt được những kết quả rõ nét. Công tác tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng nông thôn mới có những bước tiến bộ đáng ghi nhận. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều nhiệm vụ, biện pháp quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc... càng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.
Với những thành tựu đã đạt được sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, cùng với việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 9/7/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tạo tiền đề để TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung bước vào giai đoạn phát triển mới, bứt phá đi lên mạnh mẽ, hướng đến là trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, thể dục - thể thao của vùng Tây Nguyên. Sức ảnh hưởng của Đắk Lắk đối với vùng Tây Nguyên vì vậy ngày càng thể hiện rõ nét, trên một số lĩnh vực đã vươn ra tầm khu vực, quốc gia, quốc tế. Những thành quả đó tạo dấu ấn và động lực rất quan trọng để tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tự tin trong phát triển, bứt phá đi lên.
Cực tăng trưởng hấp dẫn của vùng và cả nước
Năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định đây là năm bứt phá để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, điều đó càng đặt ra yêu cầu quyết tâm cao đối với toàn Đảng bộ, đặc biệt là các cấp ủy đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tối đa mọi nguồn lực, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,8 - 8% nhưng vẫn bảo đảm chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp đột phá để đổi mới cách thức tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang tăng trưởng chủ yếu dựa vào năng suất, chất lượng của các ngành kinh tế, tạo ra của cải vật chất dồi dào cho xã hội; không ngừng đổi mới, sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, chất lượng và hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cụ thể: Về kinh tế, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và chăn nuôi đại gia súc theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến các loại sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Đắk Lắk, Tây Nguyên như cây công nghiệp, cây ăn quả; đặc biệt chú trọng phát triển năng lượng tái tạo như điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối tại các địa bàn có tiềm năng. Tập trung phát triển khoa học - công nghệ gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về du lịch, tập trung, ưu tiên phát triển du lịch, gắn với đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đắk Lắk trên hành trình phát triển hiện đại, văn minh, bản sắc. Ảnh: Hoàng Gia |
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện ngành giáo dục, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tập trung chỉ đạo xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ.
Với việc xác định tăng cường liên kết vùng là một trong những giải pháp quan trọng, tỉnh đã phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan cùng Bộ Giao thông vận tải tập trung cho dự án tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo tỉnh đã rà soát, thống kê các công việc, gói thầu được áp dụng chỉ định thầu phải hoàn thành trong năm 2022 và 2023 để có kế hoạch triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ dự án; xây dựng kế hoạch và tập trung, ưu tiên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ khởi công trước ngày 30/6/2023. Đây là dự án động lực nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện đại, an toàn, hiệu quả, là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Bên cạnh những giải pháp mang tính cấp bách, tỉnh cũng đang tập trung cho những giải pháp dài hạn, trong đó đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Công văn số 1285/TTg-CN, ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Y tế để triển khai Dự án Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nguyên; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo của Trường Đại học Tây Nguyên.
Tháng 11/2022, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2023, áp dụng trong 5 năm. Đây là khung chính sách ưu đãi tương đối toàn diện để Buôn Ma Thuột phát triển thành cực tăng trưởng, kích hoạt cho cả vùng phát triển. Điều đó càng đặt ra yêu cầu rất cao đối với toàn Đảng bộ, đặc biệt Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ thời cơ, phát huy hiệu quả các nguồn lực để TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung bước vào giai đoạn phát triển mới, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa theo tinh thần Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.
Với nền tảng vững chắc là tỉnh có truyền thống anh hùng cách mạng, với tinh thần đoàn kết cao, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, cùng những thành tựu quan trọng đạt được trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk vững tin rằng tỉnh sẽ tiếp tục đạt được những thành công to lớn hơn nữa trong những năm 2023 và những năm tiếp theo, sớm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra: xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, là trung tâm vùng Tây Nguyên, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong khu vực cũng như cả nước.
Nguồn: Huy động nguồn lực xây dựng Đắk Lắk phát triển thành trung tâm vùng Tây Nguyên