Đắk Lắk: Huyện Krông Ana "Lực đẩy" phát triển du lịch từ một quyết sách
Nhiều tiềm năng
So với các địa phương khác của tỉnh, huyện Krông Ana được đánh giá có nhiều tiềm năng để xây dựng, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, như: du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
Điểm nhấn nổi bật là thắng cảnh thác Dray Sáp Thượng (thác Gia Long), thác Dray Nur đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Vẻ đẹp hoang sơ, ấn tượng của hai thác nước này hằng năm thu hút khoảng 100.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, địa phương còn có Khu vui chơi giải trí Hồ Sen nằm ngay trung tâm huyện, có diện tích lên đến gần 52 ha, đã nằm trong phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; “Trang trại Ca cao” xã Ea Na đã được công nhận điểm du lịch. Đây là những tiềm năng để phát triển du lịch của huyện trong thời gian tới.
Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng tại buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana). |
Cùng với lợi thế sẵn có về tự nhiên, huyện Krông Ana còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa đậm nét của đồng bào dân tộc Êđê, như: nhà dài truyền thống, diễn tấu cồng chiêng, chế tác và sử dụng các nhạc cụ dân tộc, dệt thổ cẩm, đan gùi, tạc tượng, làm rượu cần... Đặc biệt, ở buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp) có cộng đồng người Êđê Bih với truyền thống văn hóa độc đáo, trong đó có đội chiêng Êđê Bih. Đây là buôn duy nhất ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung có đội chiêng nữ.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Thành Huế, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Ana, dù sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch, song do hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch, dịch vụ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao; chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu… nên huyện vẫn chưa thể khai thác hết thế mạnh từ hoạt động du lịch.
Sức bật từ chính sách
Theo Nghị quyết 05-NQ/HU của Huyện ủy Krông Ana, địa phương tập trung hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa, sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng, các nguồn tài nguyên du lịch và bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn huyện; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu; tăng cường liên kết vùng và hình thành chuỗi liên kết sản phẩm du lịch kết nối trong và ngoài huyện...
Cụ thể hóa chủ trương trên, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện kịp thời nhiều kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện; triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Krông Ana đến năm 2025, định hướng đến năm 2035…
Du khách thích thú tham gia chèo thuyền vượt thác tại cụm thác Dray Nur - Dray sáp Thượng. |
Nhờ vậy, từ năm 2021 đến nay, lĩnh vực du lịch được quan tâm và có sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí để từng bước xây dựng hạ tầng du lịch; hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch được nâng cấp.
Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng, như: Bờ kè mái thượng Hồ Sen (kinh phí 6,4 tỷ đồng); Dự án đường vành đai Hồ Sen giai đoạn 1 (1,5 tỷ đồng)... Tuyến đường giao thông từ buôn Kuốp đến Khu du lịch cụm thác Dray Nur - Dray Sáp Thượng (thuộc địa bàn xã Dray Sáp) cũng được đầu tư xây dựng thông suốt để phục vụ du lịch.
Đặc biệt, buôn Kuốp (xã Dray Sáp) là một trong những buôn của tỉnh được ưu tiên đầu tư để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Tính đến nay, buôn đã được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để xây dựng và hoàn thiện các hạng mục, như: hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống thu gom, xử lý rác thải; nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, cải tạo cảnh quan môi trường; lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn du lịch, bảng thông tin, nội dung thuyết minh điểm đến… để du khách thuận tiện đi lại, tìm hiểu thông tin.
Nhằm góp phần định hướng và cùng người dân ở buôn chung tay xây dựng, phát triển thành điểm đến du lịch cộng đồng, huyện đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ đầu tư khu vui chơi thể thao; khu bán các gian hàng lưu niệm, ẩm thực; khu biểu diễn giao lưu văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng; khôi phục một số nhà dài truyền thống; khôi phục một số nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần). Đồng thời, mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường… cho người dân buôn Kuốp.
Với những giải pháp đồng bộ, hoạt động du lịch ở huyện Krông Ana đang có chiều hướng phát triển tích cực. Năm 2023, huyện đón trên 170.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 15 tỷ đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua (từ mồng 1 đến mồng 5 Tết) đã có hơn 22.000 lượt khách đến địa phương tham quan, vui chơi, doanh thu du lịch đạt 1,6 tỷ đồng.
Nguồn: Huyện Krông Ana: "Lực đẩy" phát triển du lịch từ một quyết sách