Đắk Lắk: Huyện Krông Búk phát triển bền vững cây sầu riêng
Đắk Lắk: Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột trao Bằng tốt nghiệp cho 277 tân dược sĩ, bác sĩ Đắk Lắk: Đưa hơi thở cuộc sống lên sân khấu |
Thận trọng cấp mã số vùng trồng
Huyện Krông Búk đã được Hải quan Trung Quốc cấp 9 mã số vùng trồng sầu riêng, với tổng diện tích là 147,73 ha. Giá thu mua từ đầu vụ đến nay giao động từ 70.000 - 85.000 đồng/kg nên người trồng sầu riêng rất phấn khởi, mong muốn mở rộng mã vùng trồng.
Bà Phạm Thị Lan, đại diện Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Ea Sin (xã Ea Sin) cho biết, các thành viên HTX đã thu hoạch và bán được 50% sản lượng trong tổng số gần 100 ha sầu riêng với mức giá khá cao. Song để sản phẩm sầu riêng được bền vững và hướng đến xuất khẩu, HTX đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký mã vùng trồng cho toàn bộ số diện tích sầu riêng hiện có.
“Chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ mã vùng trồng nhưng chúng tôi cũng đề nghị UBND huyện và ngành nông nghiệp cần xem xét việc cấp mã vùng trồng sầu riêng cho các trường hợp đủ tiêu chuẩn, nhằm mở rộng diện tích đăng ký, để người dân yên tâm sản xuất”, bà Lan đề nghị.
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (xã Tân Lập) phấn khởi khi sầu riêng được mùa, được giá. |
Cùng chung mong muốn, anh Nguyễn Hữu Chiến, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (xã Tân Lập) cho rằng, xây dựng mã số vùng trồng là một trong những khâu then chốt quyết định đến việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng. Diện tích sầu riêng của huyện chưa được cấp mã vùng trồng còn rất lớn (khoảng 80%). Việc này dẫn đến không công bằng trong cạnh tranh chất lượng giữa nơi đã đăng ký mã vùng và nơi chưa đăng ký mã vùng trồng sầu riêng. Bởi khi đăng ký mã vùng trồng sầu riêng, phải đầu tư chi phí cao cho quy trình chăm sóc, kỹ thuật, phân bón sinh học... nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo Nghị định thư. Một số thương lái vào huyện Krông Búk thu mua sầu riêng, họ chọn vườn đẹp (không có mã vùng trồng) đẩy giá lên cao, khiến người nông dân cũng “ôm mộng” về giá, phá vỡ liên kết giữa đơn vị thu - nông dân đăng ký mã vùng trồng.
UBND huyện đã phê duyệt Đề án Xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Sầu riêng Krông Búk” cho sản phẩm sầu riêng được trồng trên địa bàn; dự kiến công bố vào vụ thu hoạch năm 2024. |
Nhu cầu mở rộng mã vùng trồng sầu riêng tăng mạnh nhưng theo ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, sự tăng trưởng quá “nóng” về quy mô, diện tích mã vùng trồng cần phải hết sức thận trọng. Thực tế, còn quá nhiều nỗi lo khi nông dân trồng sầu riêng chưa đồng bộ về chất lượng mà đang chạy theo lợi nhuận quá nhiều. Do đó, về phía chính quyền địa phương vẫn hỗ trợ nông dân đề xuất cấp mã vùng trồng nhưng phải đúng quy trình của Nghị định thư và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Theo Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn huyện Krông Búk, đối với cây sầu riêng đến năm 2025, địa phương tiếp tục ổn định diện tích 3.592 ha; đồng thời, sản xuất sầu riêng theo hướng mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý, thương hiệu.
Cuối tháng 8 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với người trồng sầu riêng, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn huyện. Tại hội nghị, người dân, đại diện các HTX, doanh nghiệp, đơn vị thu mua sầu riêng đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc cũng như hướng phát triển ngành sầu riêng bền vững trong thời gian tới. Ổn định diện tích trồng sầu riêng, tập trung nâng cao chất lượng vùng trồng, chất lượng sản phẩm, cấp mã vùng trồng, đẩy mạnh công nghệ chế biến, bảo quản và mở rộng thị trường xuất khẩu là những giải pháp quan trọng, cấp bách đối với ngành sầu riêng huyện hiện nay.
Đoàn kiểm tra do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hải Đông làm Trưởng đoàn nắm tình hình tại cơ sở thu mua sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Búk. |
Huyện Krông Búk cũng đã thành lập đoàn kiểm tra do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hải Đông làm Trưởng đoàn đến nắm tình hình tại 24 cơ sở thu mua sầu riêng đứng chân trên địa bàn huyện, đảm bảo các đơn vị thực hiện tốt việc hợp tác chặt chẽ giữa hộ dân trồng sầu riêng và các cơ sở kinh doanh cũng như liên kết sản xuất - thu mua - sơ chế - đóng gói tiêu thụ xuất khẩu sầu riêng theo đúng quy định về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về kế hoạch mở rộng mã vùng trồng sầu riêng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Hoàng Lâm thông tin, hiện nay huyện đang triển khai hỗ trợ đăng ký 62 mã số vùng trồng cho 18 công ty liên kết với các HTX, tổ hợp tác (THT) và hộ dân, tổng diện tích là 1.357 ha. Trong đó có 53 vùng trồng (1.047 ha) đã được đánh giá và đang chờ Cục bảo vệ thực vật, phía Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng; còn 9 mã (310 ha), có 191 hộ tham gia đang hoàn thiện hồ sơ gửi Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp mã vùng trồng.
Thời gian qua, UBND huyện đã kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sầu riêng; thường xuyên tham gia các chương trình hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá nông sản... nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX, THT tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Địa phương cũng sẽ hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm sầu riêng huyện Krông Búk lên sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị…
Nguồn: Huyện Krông Búk phát triển bền vững cây sầu riêng