Đắk Lắk: Miên man du xuân cùng lễ hội
Đắk Lắk: Đi tìm hương vị mới lạ cho cà phê… Đắk Lắk: Những bước chân dựng xây, kiến thiết |
Với hơn 100 lễ hội lớn của cộng đồng các dân tộc trên cao nguyên Đắk Lắk, trong đó chủ yếu được tổ chức vào mùa xuân, bắt đầu từ tháng 1 cho đến hết tháng 3 dương lịch hằng năm cũng đủ để du khách say say, lâng lâng đến… quên lối về! Say do men rượu cần vương vít, say bởi tình người quyến luyến không thôi.
Chẳng nói ngoa đâu, bạn hãy thử tham dự, đắm mình vào không khí lễ hội của Tết cơm mới người Sê đăng; lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng; các lễ hội mừng xuân của người Mông, người Thái, lễ Khai hạ của người Mường ở khắp buôn xa làng gần trên địa bàn tỉnh; hoặc hò reo, cổ vũ trong tiếng trống thúc tại các ngày hội đua thuyền, đấu vật, chọi trâu truyền thống… Nếu phần lễ đầy nghi thức tâm linh, kết nối giữa người và trời đất, thiên nhiên, cây cỏ thì phần hội là giao hòa giữa người và người.
Ngắm nhìn những nụ cười rạng rỡ, những hoa văn tươi thắm trên từng bộ trang phục; cùng nhau thưởng thức ẩm thực, tay nắm tay trong vòng xoang, dân vũ, nhịp cồng chiêng rộn rã, ngân vang… càng cảm nhận rõ nét về cốt cách nhân sinh, về thẳm sâu văn hóa nơi xứ sở đại ngàn này.
Điệu múa xoang trong Tết cơm mới của người Sê đăng ở buôn Kon Hring (xã Ea H'đing, huyện Cư M'gar). |
Chẳng có gì lạ nếu gần những buôn của người dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa lại xen kẽ những bản làng của người Thái, người Mường, người Mông, người Dao, người Tày, người Nùng…
Bởi nơi đây là nơi tụ hợp của 49 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, trong cái chung lại chứa đựng những nét riêng độc đáo: Đó là mảng màu nổi bật về văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên – Trường Sơn; là văn hóa các DTTS phía Bắc và đủ sắc thái ba miền Bắc – Trung – Nam của văn hóa người Kinh…
Và những nét văn hóa độc đáo ấy đều được hiển hiện mồn một ở lễ hội: từ nhận thức, quan niệm, tín ngưỡng, cách đối nhân xử thế, cho đến thẩm mĩ, nghệ thuật…
Cứ nghe lời rì rầm cầu khấn của người chủ lễ mà xem, ấy là ý nguyện chung của người dân buôn làng muốn vọng đến các thần để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà yên vui, no đủ, mạnh khỏe.
Cứ để ý những điệu múa, lời ca dân gian đầy mộc mạc mà xem, ấy là sự thể hiện sức mạnh cường tráng của các chàng trai trong đấu tranh với kẻ thù, cái xấu, cái ác; là sự duyên dáng, e ấp của các cô gái trước chàng trai mình thầm yêu thương. Hãy nhấp môi thưởng thức hương rượu cần, sự dân dã, đậm đà của các món ăn truyền thống sẽ thấy được bao tinh hoa ẩm thực trong từng dư vị…
Và hơn cả, có lẽ ấn tượng nhất là những sắc màu thổ cẩm, những họa tiết, hoa văn trang trí trên từng chiếc yếm, váy áo, khăn đội đầu của các mẹ, các chị, các em xúng xính về dự hội – cũng thể hiện tâm hồn, tình yêu thiên nhiên, giá trị thế giới quan, nhân sinh quan đã lắng sâu, hòa tan vào tâm thức của mỗi cộng đồng người…
Du khách cùng người dân thưởng thức ẩm thực truyền thống trong lễ hội. |
Là người gắn bó với mảnh đất này cũng đã 40 năm, nhưng tôi vẫn chưa đi hết những cung đường ràn rạt dã quỳ, chưa đủ sức - dù lòng thì thừa thãi - để khám phá hết mọi lễ hội của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Và vì thế, những tầng lớp trầm tích văn hóa của miền cao nguyên lộng gió này vẫn luôn đầy bí ẩn, hấp dẫn, cuốn hút.
Đến nỗi, có nơi đã đến rồi lại thêm nhiều lần đến nữa; có khi chỉ bước vòng quanh trong nhịp xoang hay trò chuyện tâm tình bên ánh lửa bập bùng, vậy mà bàn chân cứ như lạc lối, miên man.
Dường như khi hòa mình vào lễ hội, con người trở nên khoáng đạt hơn, sẵn sàng trải lòng mình hơn, cùng cộng cảm, kết nối với cõi thinh không bao la, với tình người để hướng đến cái chân – thiện – mĩ vừa thuần khiết, vừa nguyên sơ, trong trẻo như dòng sông, con suối đầu nguồn…
Nguồn: Miên man du xuân cùng lễ hội