Đắk Lắk: Nâng cao giá trị nông sản: Câu chuyện ổn định vùng trồng, tuân thủ quy hoạch
Đắk Lắk: Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường Đắk Lắk: Tìm kiếm cơ hội cho trái cây |
Các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân cần hết sức tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi cây trồng. Diễn biến này, theo ghi nhận xã hội, đã xảy ra hơn nửa tháng nay, tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và có xu hướng lan rộng ra cả nước.
Giá lên, cơ hội tới?
Một đại diện thu mua sầu riêng của thương lái Nam Ninh (Trung Quốc) ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) tiết lộ, ngay từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thông tin giá mua sầu riêng đã được đề cập rất lạc quan. Tại các vùng trồng sầu riêng có mã số, được cấp chứng nhận, thương lái sẵn sàng thu mua với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cho bà con nông dân để tập trung được lượng hàng lớn xuất chính ngạch. Ở Krông Pắc, giá sầu riêng sau Tết và dự đoán những ngày tới sẽ còn tăng, bởi đa số thương lái đánh giá cao chất lượng trái cây thu hoạch được. Năm nay, dự đoán Krông Pắc xuất bán sầu riêng ra thị trường tăng mạnh, có thể vượt mức 15 nghìn tấn. Giá lên, cơ hội thực sự tới với người nông dân!
Tuy nhiên, theo một số chủ trại chuyên canh, diễn biến giá sầu riêng tăng vọt qua thông tin truyền thông gần đây, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, thì nên thận trọng hơn là lập tức vui mừng. Người nông dân, nhất là các chủ trang trại nông sản, cần suy xét và cân nhắc trước khi quyết định chuyển đổi cây trồng.
Rất nhiều nông dân từng ồ ạt chuyển sang trồng hồ tiêu khi giá loại nông sản này tăng cao. Ảnh minh họa: Hoàng Gia |
“Dĩ nhiên giá cả lên, ai cũng mừng, cũng hy vọng chuyển biến tốt. Nhưng tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa ở nông sản lâu nay, nhất là ở vùng chuyên canh sầu riêng, bơ, hồ tiêu… như ở Tây Nguyên đã từng diễn ra nhiều lần. Liệu diễn biến giá tăng hiện nay có ổn định không, có thực sự bền lâu không, thị trường chắc chắn không, là cả một vấn đề”, ông Nguyễn Văn Xuân, nông dân chuyên canh hồ tiêu ở thôn Lô 13, xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) nhận định. Ông Xuân tâm tư, các hộ nông dân như ông đã mấy năm nay đối diện bệnh của cây hồ tiêu khiến năng suất giảm, giá thị trường lại quá thấp nên đã rất nản lòng, muốn có cơ hội chuyển đổi sang giống cây trồng khác. Thời gian qua, với Lễ hội Sầu riêng ở Krông Pắc, một số nông hộ ở địa phương của ông Xuân đã tính đến việc chuyển diện tích chuyên canh hồ tiêu sang trồng sầu riêng. Đến nay, lựa chọn ấy càng được nhiều người quan tâm hơn, song ông Xuân vẫn cho rằng nên cẩn thận trước khi quyết định.
Cần cẩn trọng
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng đang theo dõi thông tin giá cả nông sản, cùng thiên hướng chuyển đổi cây nông nghiệp giá trị cao tại các vùng chuyên canh với góc nhìn tương đồng. Hết sức cẩn thận với hướng chuyển đổi cây trồng, là lời cảnh báo được các chuyên gia đưa ra.
Cùng quan điểm, Hội Nông dân Đắk Lắk thông tin, có ít nhất ba lý do cần vận động nông dân cẩn trọng với việc đổi giống cây nông nghiệp giá trị cao.
Thứ nhất, cho đến nay việc quy hoạch, phân định vùng trồng cây nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn ra và cần được tổ chức nghiêm túc. Nếu nông dân tùy ý thay đổi cây trồng, “chạy theo” giá thị trường, quy hoạch ngành sẽ bị phá vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy về đầu tư giống, chiến lược năng suất… thì cuộc sống của nông dân cũng khó được cải thiện.
Giá sầu riêng có xu hướng tăng cao, nông dân cần thận trọng, không nên ồ ạt tăng thêm diện tích, phá vỡ quy hoạch. Ảnh minh họa: Minh Thuận |
Thứ hai, nếu chỉ dựa vào giá thị trường để chuyển đổi cây trồng, nông dân sẽ “vướng bẫy” thời vụ. Mất công trồng để đến khi thu hoạch, bởi sự thao túng của “đầu nậu” thương lái, giá bán nông sản sẽ có thể giảm một cách thảm hại. Toàn bộ công cán đầu tư của nông dân sẽ mất trắng, ảnh hưởng đến đời sống và tác động xấu cả thị trường. Câu chuyện “giải cứu nông sản” vẫn diễn ra đây đó hằng năm là hệ quả phổ biến, phải được cảnh báo ngăn chặn từ đầu.
Thứ ba, chiến lược canh tác, phát triển một giống cây trồng nông nghiệp không thể tổ chức tùy tiện, ngẫu hứng, mà phải tuân theo lịch trình dài hơi. Đây là lý do để nhiều năm qua, các vùng chuyên canh nông nghiệp ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng vẫn thiếu ổn định. Bởi nông sản vẫn chủ yếu xuất thô, bán rong, sẽ không bao giờ đảm bảo được con số tiêu thụ ổn định, sẽ không thể có những đơn hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa quy mô lớn.
Những nỗ lực gần đây của ngành nông nghiệp và công thương là xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng các tiêu chí nông sản xuất khẩu chính ngạch… đều nhằm tạo lập những vùng trồng ổn định và có tính toán sản lượng đầu ra, chất lượng bền vững. Hoạt động kinh doanh nông sản từ đó sẽ có kế hoạch bao tiêu chắc chắn, cân đối chi phí hợp lý cho người nông dân, tạo thế mạnh canh tác cho các vùng nông nghiệp đã quy hoạch.
Quan trọng hơn, khi đã có được những vùng nguyên liệu nông sản sạch và chất lượng, xúc tiến đầu tư địa phương mới tính đến được các dự án sản xuất, đầu tư công nghiệp chế biến chuyên sâu, làm ra hàng hóa chất lượng cao, giải quyết tốt đầu ra nông sản, xử lý rác thải sau thu hoạch… Nông sản sẽ càng tăng giá trị, khi việc tiêu thụ tươi, bán thô trái cây, củ quả chuyển đổi thành cung ứng nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy đóng hộp, chế biến thực phẩm, nước uống… Người nông dân sẽ có cơ hội trở thành người công nhân của nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng tự động hóa…
Rõ ràng cả ba vấn đề trên đều thiết thực liên quan đến nhận thức, quyết định từ chính người nông dân, về vùng trồng ổn định, bền vững và tuân thủ quy hoạch!
Nguồn: Nâng cao giá trị nông sản: Câu chuyện ổn định vùng trồng, tuân thủ quy hoạch