Đắk Lắk: Tìm kiếm cơ hội cho trái cây
Đắk Lắk: Đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp bền vững Đắk Lắk: Kết nối nâng cao chuỗi giá trị cà phê |
Nhiều cơ hội
Ngoài thế mạnh về phát triển các loại cây công nghiệp như: cà phê, cao su, hồ tiêu..., những năm gần đây, các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Nếu như năm 2018, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh là 20.489 ha thì đến nay đã tăng lên hơn 43.000 ha. Trong đó chủ lực vẫn là sầu riêng với trên 15.000 ha, chiếm 35% diện tích cây ăn quả của tỉnh.
Phân loại sầu riêng để xuất khẩu tại một cơ sở kinh doanh ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc. Ảnh: Hoàng Gia |
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng trái cây thế giới trong thời gian qua tăng đáng kể. Các loại quả như: chanh dây, vải, sầu riêng... có nhu cầu tiêu thụ rất cao, thậm chí một số loại quả như chôm chôm, thanh long được coi là đặc sản ở thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây Việt Nam dự báo tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 đến 2025 và sẽ đạt tới 585,25 tỷ USD vào 2025. Đây là cơ hội để các nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam có thể mở rộng thị trường, chinh phục người tiêu dùng.
Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả, các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Đó là minh chứng rõ nét cho thấy cơ hội đang rộng mở để đưa trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới.
Tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp (DN) của tỉnh đã và đang chú trọng nâng chuẩn chất lượng, sản xuất theo hướng sản phẩm có chứng nhận, có mã số vùng trồng để xúc tiến xuất khẩu. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã 28 cơ sở đóng gói được cấp mã số và 47 mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 2.308 ha, trên các loại cây trồng như: Sầu riêng, vải, xoài, chuối, thanh long và ớt để xuất khẩu chính ngạch đi một số nước: Úc, New Zealand, Mỹ và Trung Quốc.
Một công đoạn chế biến mắc ca tại Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương. |
Toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản; trong đó 315 cơ sở chế biến cà phê, 185 cơ sở chế biến các sản phẩm mắc ca, ca cao, điều, gạo, trái cây sấy... Chế biến nông, lâm, thủy sản hiện chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và đóng vai trò khá quan trọng trong việc hỗ trợ ngành nông, lâm nghiệp và dịch vụ của tỉnh phát triển.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của chất lượng trái cây Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là phần lớn chưa đạt yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ngay cả thị trường vốn được cho là “dễ tính” như Trung Quốc hiện cũng đã siết chặt các quy định về nhập khẩu, kiểm dịch đối với mặt hàng nông sản; các tiêu chuẩn về kiểm soát an toàn thực phẩm, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ nhãn hàng hóa của thị trường này cũng gắt gao hơn chứ không còn thuận lợi như trước.
Phải sản xuất theo xu thế thị trường
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, để cạnh tranh vào thị trường này, DN phải có khả năng cung ứng các loại sản phẩm chất lượng cao, trong đó điều tiên quyết là tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất gây ô nhiễm; quan trọng hơn sản phẩm cần có vào các thời điểm trong năm và tìm được khách hàng ở các phân khúc thị trường. Bên cạnh đó, hình thức bên ngoài, mẫu mã đồng nhất của sản phẩm cũng là vấn đề các DN cần lưu ý.
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng, đưa hàng hóa đến tay nhiều người tiêu dùng hơn, các DN của tỉnh đã và đang đẩy mạnh nâng chuẩn chất lượng cho sản phẩm. Đơn cử như mắc ca sấy của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) đã được tiêu thụ tại Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, bước đầu được khách hàng đón nhận và đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, với mỗi đơn hàng, trước khi đặt hàng và trước khi xuất hàng, phía đối tác đều yêu cầu đến trực tiếp kiểm tra, đánh giá, test các chỉ tiêu, tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Do đó, đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm chất lượng và các chỉ tiêu về sản phẩm cũng như mẫu mã, bao bì đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Khi đã vượt qua các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, đơn vị tính toán phương án bảo đảm sản lượng nguồn hàng liên tục, ổn định để đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Bơ Đắk Lắk cũng là loại quả đang dần tạo vị thế ở thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh quả bơ ở Hợp tác xã (HTX) Bơ Đại Hùng Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đang từng bước chuyển đổi theo xu thế thị trường. Nhờ chọn lọc và nhân giống bơ chịu được thời tiết bất lợi, kháng sâu bệnh và chăm sóc cho quả trái vụ, đơn vị đã có sản phẩm bơ chín sớm, mẫu mã đa dạng và bảo đảm cung ứng gần như quanh năm. Bơ trái vụ có giá cao gấp 5 - 7 lần so với bình thường.
Thu hoạch bơ tại Hợp tác xã Bơ Đại Hùng Đắk Lắk. |
Ông Đặng Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết, năm nay từ mồng 4 Tết, HTX đã có bơ trái vụ để bán ra thị trường, thay vì phải chờ đến vụ thu hoạch vào tháng 3 - 4 dương lịch như mọi năm. Không chỉ từng bước giải quyết được vấn đề bảo đảm cung ứng quanh năm, HTX Bơ Đại Hùng Đắk Lắk cũng chú trọng nâng cao chất lượng, độ đồng đều cho sản phẩm. Hiện, 40% diện tích trồng bơ của HTX đang sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. Đơn vị đang hướng đến phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn, bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Về lâu dài, để mặt hàng trái cây của tỉnh gia tăng cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường thì cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương thì cần tập trung cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Các giải pháp bền vững là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi, đầu tư cho ngành chế biến, bảo quản trái cây; cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tiến đến số hóa canh tác nông nghiệp, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người làm nông nghiệp về canh tác bền vững, chú trọng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Nguồn: Tìm kiếm cơ hội cho trái cây Đắk Lắk