Đắk Lắk: Những phụ nữ làm kinh tế giỏi ở Krông Năng
Đắk Lắk: Để Buôn Ma Thuột hiện đại, giàu bản sắc Đắk Lắk: Biên cương thắm tình hữu nghị |
Giỏi làm kinh tế, chăm làm việc thiện
Bà Trần Thị Nhung, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Dliê Ya được biết đến là một cán bộ Hội trách nhiệm, nhiệt huyết, làm kinh tế giỏi, được hội viên và người dân trong xã quý mến.
Tuổi đã cao nhưng bà Nhung vẫn hăng say lao động, cùng gia đình trồng cà phê, sầu riêng, bơ… trên diện tích 5 ha, kinh doanh khách sạn và một số lĩnh vực khác. Bà Nhung cho biết, trước đây khi còn trẻ, cuộc sống khó khăn do nhà đông con và công việc thu nhập không cao. Vợ chồng bà cố gắng dành dụm mua thêm rẫy để tăng gia sản xuất. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp được bà gom góp đầu tư kinh doanh thêm khách sạn, mở cơ sở đào tạo kỹ năng cho trẻ... Nhờ siêng năng, chịu khó học hỏi, vợ chồng bà Nhung đã vươn lên phát triển kinh tế, được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Bà Trần Thị Nhung chăm sóc bơ trong vườn nhà. |
Gia đình bà Nhung còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm bà Nhung dành 50 triệu đồng cho công tác thiện nguyện, giúp đỡ các hộ nghèo, không nơi nương tựa và gia đình chính sách trên địa bàn xã, huyện... Nhiều năm liền, bà Nhung được UBND huyện Krông Năng khen thưởng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội và xây dựng các quỹ từ thiện.
Khởi nghiệp thành công với hạt dinh dưỡng
Nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư, chị Lê Thị Kiều Lành (SN 1987, thôn Tân Bắc, xã Ea Toh) đã khởi nghiệp thành công với cơ sở sản xuất hạt dinh dưỡng, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn.
Chị Lành chia sẻ, nhận thấy vấn đề về sức khỏe được rất nhiều người quan tâm, thị trường có nhu cầu ngày càng cao về các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, trong đó có sản phẩm từ các loại hạt, đặc biệt là hạt mắc ca đã được chế biến, năm 2022, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc; tận dụng nguồn nguyên liệu mắc ca tại địa phương để sản xuất hạt mắc ca sấy. Thời gian đầu, chị sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chỉ khoảng 3 tấn/năm. Đến nay, khi đã quen với mặt hàng, khách hàng, chị mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng lên khoảng 20 tấn hạt/năm. Ngoài sản xuất mắc ca sấy, chị còn nhập những loại hạt như hạnh nhân, óc chó… để làm sản phẩm hạt dinh dưỡng.
Chị Lê Thị Kiều Lành kiểm tra quả mắc ca trước khi đưa vào chế biến. |
Nhờ sản xuất ổn định, chị Lành đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện nay, cơ sở sản xuất hạt Kiều Lành có khoảng 10 công nhân làm việc thường xuyên với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với tạo việc làm cho lao động nữ trực tiếp ở cơ sở, chị Lành còn tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ trên địa bàn xã tăng thêm thu nhập bằng cách nhận hạt óc chó về đập vỏ, tiền công từ 700 - 800 nghìn đồng/tuần/người.
Có thể nói, những tấm gương nêu trên chỉ là một trong rất nhiều điển hình phụ nữ huyện Krông Năng tiêu biểu trong hoạt động phong trào, làm kinh tế giỏi. Mỗi người có cách làm kinh tế khác nhau nhưng đều có chung ý chí, nghị lực, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội; đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn: Những phụ nữ làm kinh tế giỏi ở Krông Năng