Đắk Lắk: Phát triển hệ sinh thái ngành hàng qua sản phẩm du lịch
“Đánh thức” tiềm năng
Tour du lịch trải nghiệm vườn và ăn sầu riêng miễn phí là một trong những điểm nhấn của Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc năm nay.
Để chuẩn bị chu đáo cho hoạt động này, từ những tháng đầu năm 2024, địa phương đã chỉ đạo, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) làm nông nghiệp sạch của địa phương về cơ sở vật chất, đường giao thông, xây dựng các điểm tham quan...
Riêng HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch (xã Ea Yông) đã chuẩn bị hơn 2 tấn cơm sầu riêng (tương đương 9 tấn trái tươi), với tổng giá trị trên 500 triệu đồng để “đãi” khách miễn phí. Tour du lịch này đã thu hút trên 10 nghìn lượt du khách đến trải nghiệm.
Du khách thưởng thức sầu riêng tươi tại vườn trong tour du lịch tham quan trải nghiệm. |
Là nhân viên điều hành của một công ty du lịch tại tỉnh Kiên Giang, chị Trần Ngọc My trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay đã về quê chồng ở huyện Krông Pắc để tham gia lễ hội.
Được trải nghiệm thực tế trong tour này, chị My cho rằng, đây là một hoạt động du lịch hấp dẫn du khách và riêng có của Krông Pắc, bởi không phải vùng nào cũng trồng chuyên canh được cây sầu riêng. Nếu nông dân, địa phương khai thác tốt lợi thế về nông nghiệp, văn hóa đa sắc màu trên vùng đất Tây Nguyên thì tour du lịch này sẽ rất “hút” du khách.
Vượt hàng nghìn cây số từ Thủ đô Hà Nội vào “trẩy” hội, gia đình chị Vũ Thị Hương đặc biệt ấn tượng với tour trải nghiệm tham quan vườn sầu riêng lần này. Chị Hương chia sẻ: “Tất cả các hoạt động đều tạo cảm giác thích thú, mới lạ cho bản thân tôi và gia đình. Lạ vì lần đầu tiên ngồi xe công nông hít gió trời và tận mắt chứng kiến cây sầu riêng, đặc biệt là những cây cổ thụ tuổi đời vài chục năm. Thích thú là cảm giác ăn sầu riêng tươi tại vườn với hương vị thơm ngon khác xa khi mua ở Hà Nội”.
Nhiều dư địa để phát triển
Theo ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch (xã Ea Yông), tour du lịch này không chỉ mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách mà còn là cơ hội để người nông dân giới thiệu trái sầu riêng trực tiếp đến người tiêu dùng.Hoạt động này cũng tạo ra nơi giao lưu kiến thức về sầu riêng, kinh nghiệm sản xuất giữa người nông dân với nhau.
Sau lễ hội, HTX sẽ khai thác du lịch tham quan trải nghiệm vườn sầu riêng quanh năm, từ lúc ra hoa, đậu quả cho đến mùa quả chín. Ở mỗi giai đoạn sẽ thiết kế một chương trình, truyền thông khai thác vẻ đẹp, cách chăm sóc sầu riêng để thu hút du khách, người dân đến tham quan. Tại mỗi điểm tham quan sẽ bố trí thêm các lán trại nhỏ phù hợp với hộ gia đình cần sinh hoạt, nghỉ ngơi trong ngày.
Ngoài ra, HTX hiện có 196 thành viên liên kết, trong đó có nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số như: Êđê, Tày, Nùng, nếu khai thác tốt sẽ tạo nên đa dạng sắc màu văn hóa thu hút du khách.
Du khách thích thú khi được di chuyển bằng phương tiện xe công nông vào vườn sầu riêng để trải nghiệm. |
Hào hứng với hướng đi mới nhưng ông Thọ cũng băn khoăn, với những người nông dân “chân lấm, tay bùn” lâu nay chỉ biết tập trung sản xuất nông nghiệp, việc làm du lịch còn rất xa lạ. Họ chỉ có "vốn liếng" là tình cảm và sự nhiệt huyết nên rất cần sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn về kiến thức du lịch, đáp ứng sự hài lòng không chỉ khách du lịch trong nước mà còn cả du khách quốc tế. Mặt khác, cơ quan nhà nước cần hỗ trợ thủ tục, phổ biến các điều kiện làm du lịch canh nông để nông dân hiểu và thực hiện.
Theo Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến, hoạt động tham quan, trải nghiệm lần này chính là “bước đệm” để lại bài học kinh nghiệm quý giá nhằm phát triển du lịch canh nông trong thời gian tới. Sau lễ hội, huyện sẽ mở rộng thêm tour du lịch từ trải nghiệm, tham quan Đồn điền cà phê CaDa, trang trại cà phê, vườn sầu riêng, thưởng thức văn hóa ẩm thực Tây Nguyên…
Nguồn: Phát triển hệ sinh thái ngành hàng qua sản phẩm du lịch