Đắk Lắk: Sản xuất rau công nghệ cao nhìn từ Hợp tác xã Hòa Hiệp
Ông Nguyễn Hoàng Nam (thôn Mới, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) cho biết, năm 2020, sau khi gia nhập HTX Rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp, ông được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn và tham quan nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Nhờ đó, ông đã nắm vững kỹ thuật canh tác để áp dụng cho hơn 1 ha đất trồng rau màu của gia đình.
Với diện tích này, tùy từng thời điểm, gia đình ông gieo trồng các giống cây có năng suất cao, chất lượng tốt như: cà chua, bí xanh, dưa hấu... Trong suốt quá trình sản xuất, các giai đoạn từ gieo hạt đến thu hoạch đều được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm giá trị dinh dưỡng và năng suất tối ưu cho vườn rau.
Ông Nguyễn Hoàng Nam (thôn Mới, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) thu hoạch cà chua áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. |
Với phương châm sản xuất rau hữu cơ an toàn, vườn rau của gia đình ông Nam luôn sử dụng phân bò ủ vi sinh, phân bón hữu cơ và thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc hữu cơ, an toàn cho cây trồng và người tiêu dùng. Đồng thời, gia đình ông cũng thực hiện ghi chép nhật ký gieo trồng để bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. “Trồng rau ứng dụng công nghệ cao giúp gia đình tôi kiểm soát được độ ẩm, phân bón, rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng sức đề kháng với sâu bệnh và giảm tác động của biến đổi khí hậu. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, giúp gia đình tôi thu lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trước”, ông Nam bộc bạch.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Kim Thoa, Phó Giám đốc HTX, được thành lập từ năm 2017 đến nay HTX có 16 thành viên, với 16 ha đất trồng rau, củ, quả các loại theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước tính đạt khoảng 600 tấn/năm. Nhờ sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, các sản phẩm của HTX đã hình thành được chuỗi cung ứng trên địa bàn huyện và được phân phối ở nhiều tỉnh lân cận. Với giá bán ổn định, thu nhập của các thành viên trong HTX ngày càng được cải thiện, trung bình khoảng 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng (tùy thời điểm).
Là nhân công gắn bó lâu dài với HTX, bà H'Ya Byă (buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk) cho biết, công việc cắt tỉa cành lá dư thừa và thu hoạch các loại rau, củ, quả nhàn hạ hơn so với những việc lao động tay chân nặng nhọc. Mỗi ngày làm việc, bà được trả 220.000 đồng, trung bình mỗi tháng thu nhập trên 5 triệu đồng, đủ để lo cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống gia đình. Công việc tại HTX không chỉ giúp bà có thu nhập ổn định mà còn mang đến cơ hội tiếp cận với các kỹ thuật canh tác hiện đại, từ đó nâng cao tay nghề và sản xuất ra những sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Nhân công tại Hợp tác xã Rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp chăm sóc rau màu cung ứng cho thị trường Tết dương lịch 2025. |
Hiện nay, các thành viên HTX đang tập trung chăm sóc dưa hấu để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Mặc dù tình hình thời tiết có những diễn biến thất thường, nhưng với kinh nghiệm và quy trình canh tác hiện tại, các thành viên vẫn tin tưởng sẽ có được một mùa vụ thắng lợi. “Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng, ban chức năng tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho các thành viên”, bà Thoa chia sẻ.
Nguồn: Sản xuất rau công nghệ cao: Nhìn từ Hợp tác xã Hòa Hiệp