Đắk Lắk: Động lực phát triển từ giá trị truyền thống
Điều đó dễ dàng nhận ra qua nhịp sống sôi động ở TP. Buôn Ma Thuột hiện nay. Ví như hàng quán cà phê, khu vui chơi giải trí, hay trong hoạt động du lịch, nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh đã nhanh nhạy vận dụng hài hòa các giá trị truyền thống để tạo ra sự khác biệt và độc đáo nhằm thu hút “thượng đế” tìm đến thưởng lãm, trải nghiệm.
Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm về với bản sắc văn hóa truyền thống của khách hàng, nhiều quán cà phê kết hợp với ẩm thực như: Không gian xưa, Rêu phong (đường Y Ngông), Nét xưa (đường Mai Hắc Đế), hay Làng Cà phê Trung Nguyên (đường Lý Thái Tổ), Uyên Phương (đường Nguyễn Tất Thành)... đã đầu tư một khoản kinh phí đáng kể để xây dựng những ngôi nhà rường bằng gỗ trong không gian hết sức thuần Việt. Nhiều người thích tìm đến những địa chỉ trên vì khung cảnh ở đó - từ ngôi nhà rường thuần Việt cho đến bộ bàn ghế, cách bài trí nội thất... đã gợi lên nhiều hoài niệm. Và cũng chính vì sự “gợi” này là một cách quảng bá, hấp dẫn khách hàng hữu hiệu nhất, bởi trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, những giá trị truyền thống mới thực sự tạo ra sức hút mạnh mẽ và đem lại hiệu quả kinh doanh vượt trội.
Với người dân tộc thiểu số tại chỗ, trong việc kinh doanh của họ cũng đã cho thấy sự quan tâm, đề cao các giá trị truyền thống của mình như một lợi thế cạnh tranh đặc thù. Quán cà phê kết hợp ẩm thực Arul (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi) là một dẫn chứng sinh động cho ý tưởng này. Ở đó cộng đồng người Êđê đã biết kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của mình để hấp dẫn du khách gần xa. Từ nét kiến trúc nhà dài, ẩm thực cho đến nhiều yếu tố khác đã được chủ nhân của điểm đến ấy khai thác và vận dụng một cách hiệu quả trong hoạt động kinh doanh cà phê, ẩm thực cũng như du lịch cộng đồng.
Có thể nói, trong đời sống hiện đại ngày nay, những giá trị truyền thống đang được cộng đồng các dân tộc khơi nguồn và làm sống lại nhằm phục vụ mục tiêu phát triển trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Hướng đi và nỗ lực ấy chính là lời giải cho “bài toán” giữa bảo tồn và phát triển. Ở đó, việc bảo tồn các giá trị truyền thống, hay rộng hơn là bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc đã được vận dụng, phát huy tích cực và sáng tạo trong môi trường mới của đời sống xã hội, tạo động lực để cho mỗi cá nhân, cộng đồng và địa phương phát triển.
Nguồn: Động lực phát triển từ giá trị truyền thống