Đắk Lắk: Sấy thăng hoa - thêm giải pháp nâng tầm nông sản
Đắk Lắk: Tô sắc xanh từ “Vườn ươm thanh niên” Đắk Lắk: Tiềm năng phát triển gạo hữu cơ |
Trong đại dịch COVID-19, nhiều loại nông sản ứ đọng, nông dân rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng là một trong những nguyên nhân khiến việc chế biến sâu nông sản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là vấn đề chế biến để giãn thời gian chờ tiêu thụ mà còn giúp đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị của nông sản. Trong số các giải pháp, sấy được xem là một trong những phương án được áp dụng nhiều cho các sản phẩm nông sản. Có nhiều phương pháp sấy như: Sấy khô tự nhiên, sấy khô bằng nhiệt độ cao, sấy lạnh, sấy thăng hoa… Trong đó, sấy lạnh và sấy thăng hoa đang được nhiều nhà sản xuất nông sản lựa chọn.
Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến nông sản sấy số 1 chuẩn bị đưa sản phẩm vào sấy thăng hoa. |
Sấy lạnh và sấy thăng hoa đều giúp việc giữ thành phẩm có hương vị, màu sắc và giá trị dinh dưỡng như ban đầu. Tuy nhiên, sấy lạnh không giữ được hình dạng ban đầu của sản phẩm, trong khi sấy thăng hoa lại làm được điều đó.
Sấy thăng hoa được xử lý qua các giai đoạn, gồm: Giai đoạn cấp đông nhanh sản phẩm ở nhiệt độ từ âm 30oC đến âm 50oC. Khi sản phẩm đông đá hoàn toàn sẽ chuyển sang buồng hút chân không để hút hết không khí bên trong buồng sấy, tạo môi trường chân không, điện trở sẽ gia nhiệt để thực hiện quá trình thăng hoa, chuyển hóa nước đá có trong sản phẩm thành dạng khí. Sau đó, sản phẩm phẩm được chuyển sang làm khô, loại bỏ triệt để phần nước còn sót lại. Thời gian sấy thăng hoa thường được kéo dài đến vài chục giờ. Các sản phẩm sấy thăng hoa có độ giòn, không bị dai. Đặc biệt những sản phẩm này khi ngâm trở lại nước có thể quay về hiện trạng ban đầu khoảng 90%. Trung bình 100 kg sản phẩm tươi sau khi chế biến sẽ cho ra 30 kg sản phẩm sấy thăng hoa.
Trước khi đưa vào máy để hút chân không, sản phẩm phải được cấp đông nhanh ở nhiệt độ từ âm 30oC đến âm 50oC. |
Công ty Cổ phần Chế biến nông sản sấy số 1 (huyện Krông Pắc) là một trong những đơn vị chế biến sấy thăng hoa các sản phẩm tại địa phương, như: sầu riêng, tiêu, bắp... Theo ông Tống Văn Hiếu, cổ đông sáng lập công ty, tất cả những sản phẩm mang giá trị cao đều phù hợp để chế biến sấy thăng hoa, như: yến sào, tiêu, đông trùng hạ thảo, các loại hoa quả... Đây là một hướng đi mới trong chế biến nông sản để tạo nên những sản phẩm tiện lợi, dễ sử dụng. Những sản phẩm sấy thăng hoa hầu hết đều có giá thành cao. Hiện nay, tại Công ty Cổ phần Chế biến nông sản sấy số 1, sầu riêng được bán với các mức giá từ 1,8 triệu đồng - 2,4 triệu đồng/kg, bắp được bán với giá 1,2 triệu đồng/kg...
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nông sản N&H (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa từ năm 2021 để chế biến nông sản địa phương. Nhiều năm qua, các sản phẩm sấy thăng hoa của công ty như sầu riêng, măng cụt, mít, tiêu… luôn nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Hiện nay, mỗi tháng công ty xuất đều đặn khoảng 10 tấn nông sản sấy đến khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản N&H cho biết, mặc dù đầu tư máy móc chế biến theo công nghệ sấy thăng hoa có chi phí cao, nhưng sản phẩm đạt chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. “Công nghệ sấy thăng hoa đã được sử dụng từ lâu, phổ biến với chế biến thực phẩm cho các phi hành gia. Tại Việt Nam những năm gần đây, công nghệ này được áp dụng để chế biến nông sản, từ đó tạo điều kiện để sản vật địa phương được phân loại, chế biến sâu, tạo nên những sản phẩm giá trị, dinh dưỡng cao”, bà Hường nói.
Ngoài ra, khi những sản phẩm có chất lượng đạt, nhưng hình thức chưa đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu ở một số thị trường trong và ngoài nước thì công nghệ sấy thăng hoa sẽ giúp tiêu thụ lượng lớn các sản phẩm ấy. Có thể thấy, sấy thăng hoa phù hợp với rất nhiều loại nông sản tại địa phương và giúp nâng cao giá trị.
Nguồn: Sấy thăng hoa - thêm giải pháp nâng tầm nông sản