Đắk Lắk: Trợ thêm lực cho các công ty nông, lâm nghiệp
Đắk Lắk: Thận trọng trong “cơn sốt” sầu riêng Đắk Lắk: Những thông điệp từ “miền hương vị” cà phê |
Sau sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị, hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung; việc quản lý đất đai đã được chấn chỉnh một bước; một phần diện tích đất đã giao lại cho chính quyền địa phương quản lý và giao cho dân, góp phần giải quyết việc thiếu đất sản xuất, đất ở tại địa phương. Tuy nhiên, qua thực tế thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua tại các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những khó khăn, bất cập.
Vẫn khó chồng khó
Thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động từ năm 2016, Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Phước An được bàn giao hơn 4.900 ha đất rừng sản xuất nhưng hiện trạng đã có 2.152 ha đất đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm từ 15 - 20 năm qua.
Theo ông Nguyễn Tiến Tý, đại diện phần vốn của Nhà nước tại Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Phước An, từ khi chuyển đổi đến nay, công ty vẫn không thể tiến hành đo đạc, cắm mốc ranh giới làm cơ sở để đề nghị Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đã có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng xâm canh, lấn chiếm phức tạp khi đối tượng lấn chiếm rất đa dạng, diện tích nhỏ lẻ nằm đan xen trong tổng thể diện tích công ty được giao quyền quản lý. Năm 2018, công ty đã triển khai mô hình trồng chuối xuất khẩu trên phần diện tích đơn vị quản lý tại xã Vụ Bổn và lập dự án chăn nuôi công nghệ cao nằm trong quy hoạch chung của địa phương.
Đến nay, mô hình chuối đã phát triển lên hơn 300 ha, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động với thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Duy Tiến |
Từ hiệu quả của mô hình sản xuất, giải quyết việc làm kết hợp với công tác dân vận, công ty đã từng bước thu nhỏ diện tích bị xâm canh, lấn chiếm bằng cách thỏa thuận với nhiều hộ dân trả lại đất, bàn giao mặt bằng để công ty tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, diện tích đất “sạch”, tập trung trong vùng công ty quy hoạch chuyển đổi sản xuất đã được 630 ha. Tuy nhiên, theo các quy định pháp luật hiện hành, công ty chỉ có thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại phải được cấp trên tổng thể hơn 4.900 ha được giao và cho thuê chứ không thể cấp riêng lẻ cho từng phần diện tích. Như vậy, dự án nông nghiệp công nghệ cao đã “treo” 6 năm qua, chưa thể tiến hành kêu gọi đầu tư. “Ngay những năm đầu khi chuyển đổi mô hình hoạt động, doanh nghiệp đã đề nghị các cơ quan chức năng xác định rõ hiện trạng đất đai, chỉ giao cho doanh nghiệp quản lý những diện tích có thể đầu tư tổ chức sản xuất được. Còn những phần đất đã bị xâm canh, lấn chiếm có thể giao lại cho địa phương quản lý. Vướng mắc về đất đai của công ty đã được các cơ quan chức năng xem xét nhiều năm qua, nhưng chưa tìm được giải pháp tháo gỡ khi còn vướng các quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Tiến Tý chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 công ty TNHH MTV, HTV Lâm nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê 202.943,5 ha rừng và đất lâm nghiệp để quản lý, sử dụng và phát triển rừng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các công ty lâm nghiệp chưa có thay đổi cơ bản về cơ chế quản lý, nội dung và phương thức hoạt động nên hiệu quả hoạt động chưa cao, các đơn vị chủ yếu vẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, còn các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác không đáng kể.
Cần đồng bộ, thống nhất trong chính sách
Một trong những điểm mới được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi để khơi nguồn lực đất nông nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các công ty nông, lâm nghiệp, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – lấy ý kiến lần 2 đã quy định cụ thể về các trường hợp, điều kiện, tiêu chí giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại các Điều 118, 120, 121. Đáng chú ý, tại Điều 122 quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, đặc dụng. Điều này được xem là bước “đột phá” về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho địa phương trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai.
Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra thực địa công tác quản lý, bảo vệ rừng tại buôn Lách Ló, xã Nam Ka, huyện Lắk. Ảnh: Duy Tiến |
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để các quy định pháp luật về quyền sử dụng đất lâm nghiệp đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả như mong muốn thì phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai, các luật liên quan, trong đó có Luật Lâm nghiệp. Đơn cử như tại Điều 16 Luật Lâm nghiệp không có quy định giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức kinh tế để quản lý, bảo vệ rừng mà chỉ có áp dụng hình thức thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng trả tiền thuê rừng một lần hoặc hằng năm, trong khi đó tại Điều 54 Luật Đất đai 2013 lại quy định giao đất không thu tiền đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Quy định này cũng được giữ nguyên trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại khoản 3 Điều 118 (giao đất không thu tiền sử dụng đất cho người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên). Hay như tại Điều 20 Luật Lâm nghiệp quy định “thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác gồm: (1). Quốc hội, (2). Thủ tướng Chính phủ, (3). Hội đồng nhân dân cấp tỉnh"; trong khi tại khoản 1 Điều 122 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thông qua. Như vậy, trong quy định về thẩm quyền giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất giữa Luật Đất đai và thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (Luật Lâm nghiệp) là không đồng bộ, thống nhất, cho nên cần có sự rà soát, điều chỉnh lại Luật Lâm nghiệp cũng như các quy định liên quan để bảo đảm các luật không “vênh” nhau trong quá trình triển khai thực hiện.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến cho biết, sau khi sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết 30-NQ/TW, huyện Krông Pắc có 6 công ty nông, lâm nghiệp đóng chân trên địa bàn được UBND tỉnh giao và cho thuê đất với tổng diện tích gần 10.000 ha. Trên thực tế, sau chuyển đổi, việc đầu tư sản xuất trên các diện tích được cho thuê chưa thực sự hiệu quả. Việc quản lý yếu kém, không có hợp đồng rõ ràng, thống nhất giữa các công ty nông nghiệp với người nhận khoán về việc đầu tư tài sản trên đất, phương thức tái canh, định giá cây trồng trên đất từ nhiều năm trước đã trở thành nguyên nhân tranh chấp khi thực hiện cổ phần hóa. Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách của Nhà nước về các diện tích đất liên kết trước đây trên địa bàn đã khiến việc thực thi pháp luật khác nhau qua từng giai đoạn, làm nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện đông người, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.
Từ những thực tiễn tại địa phương, ông Trần Hồng Tiến cũng cho rằng, khi sửa đổi Luật Đất đai phải làm sao có tính hệ thống lâu dài, tạo sự đồng bộ giữa các luật có liên quan, giảm thiểu việc ban hành các văn bản dưới luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người dân và doanh nghiệp. Khi giao đất, cho thuê đất cũng cần có những quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của các tổ chức kinh tế trong việc đầu tư, tổ chức sản xuất hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích với các đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất, tránh tình trạng trục lợi chính sách từ đất đai.
Nguồn: Trợ thêm lực cho các công ty nông, lâm nghiệp