Đắk Lắk: Những thông điệp từ “miền hương vị” cà phê
Đắk Lắk: Du lịch sẵn sàng trước ngày mở hội Đắk Lắk: Phát triển TP. Buôn Ma Thuột khai thác nguồn lực từ cơ chế đặc thù |
Chỉ sau 4 tháng phát động, Ban tổ chức Cuộc thi Video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột đã nhận được 21 tác phẩm tham gia dự thi. Qua các tác phẩm, có thể thấy một sắc màu rất thú vị bởi sự đa dạng, phong phú trong phương cách thể hiện, lựa chọn câu chuyện. Đặc biệt là sự đa dạng của tác giả/nhóm tác giả tham dự cuộc thi, từ những người nông dân trồng cà phê tự thực hiện clip giới thiệu sản phẩm mình làm ra, cho tới những hộ buôn nhỏ lẻ, đến cả những sinh viên, cán bộ lực lượng vũ trang… đều góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc thi. Điều đó cho thấy được niềm tự hào, sự yêu quý và trân trọng sản phẩm cà phê quê nhà, khát vọng được giới thiệu với rộng rãi cộng đồng khắp nơi những giá trị tinh túy đặc trưng vùng miền. Và đó cũng chính là tài sản quý giá được tích lũy và chắt chiu nhọc nhằn không kém việc làm ra hạt cà phê quý báu mà Buôn Ma Thuột được tự hào sở hữu.
Tác giả Trần Anh Đạt, chủ nhân của tác phẩm đạt giải Nhất - “Quê nhà – Hometown” vui mừng chia sẻ, các thành viên trong ekip làm clip đều là những người con lớn lên từ Đắk Lắk, nơi mà cây cà phê gắn bó như hơi thở của cuộc sống. Tác phẩm chính là lời tri ân những con người đã cống hiến cho Đắk Lắk, nhất là những người nông dân một nắng hai sương để làm ra những hạt cà phê mang đầy hương vị của cao nguyên đại ngàn. Cuộc thi này là một cơ hội tuyệt vời cho những người trẻ đóng góp công sức cho quê hương trong việc mang hình ảnh quê nhà, hình ảnh cà phê Buôn Ma Thuột bay xa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi H'Yim Kđoh trao giải Nhất cho tác giả Trần Anh Đạt với tác phẩm “Quê nhà – Hometown”. |
Ngoài những tác phẩm mang tính chuyên nghiệp cao của các tác giả hoạt động trong lĩnh vực truyền thông còn có những clip được làm bởi những nông dân viết về câu chuyện cà phê của chính mình như tác phẩm “Câu chuyện cà phê Buôn Tôi” của nhóm Buôn Kâo. Theo anh Y Phốt Niê (đại diện cho nhóm Buôn Kâo), là người con của buôn làng Tây Nguyên nên từ nhỏ đến lớn đều gắn bó với cây cà phê, và chính những hạt cà phê là nguồn nuôi lớn bản thân như người mẹ thứ hai của mình. Vì vậy, khi rời quê hương đi làm xa, nỗi nhớ quay quắt về nương rẫy, về hương hoa cà phê, về hương vị cà phê mỗi sáng đã khiến anh quay trở về làm nông dân khởi nghiệp từ cây cà phê. Tác phẩm dự thi chính là câu chuyện nói về hành trình trở lại của người con Đắk Lắk với cây cà phê. Ngoài việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh về thủ phủ cà phê Đắk Lắk – Buôn Ma Thuột, tác phẩm còn là sự mong muốn sẽ truyền cảm hứng để các bạn trẻ ở buôn làng nỗ lực hơn nhằm thay đổi bản thân mình bắt đầu từ cà phê Buôn Ma Thuột.
Theo đánh giá của Ban giám khảo cuộc thi, một số tác phẩm được thực hiện rất công phu, có tay nghề và sự đầu tư; cũng có những clip đơn giản, thô mộc như chính đặc trưng khẳng khái của cây cà phê vươn lên trên vùng đất bazan; có những clip tựa như bản nhạc vừa đằm thắm, vừa sôi động và có cả những clip hàm chứa được truyền thống, cả lịch sử vùng miền tựa vào cây cà phê theo suốt dòng thời gian.
Cuộc thi đã đạt được thành công rất đáng khích lệ, với những vị trí thứ nhất, nhì và ba thì các clip này đã đạt được yêu cầu tuyên truyền mức độ cao cả về cách thể hiện lẫn nội dung biểu đạt. Với “Quê nhà – Hometown”, tác phẩm lựa chọn được cách thể hiện mang mẫu số chung rất lớn, kéo được đông đảo khán giả ở phân khúc rộng khi đánh thức tình yêu quê hương – cõi thiêng liêng của mỗi con người để khán giả có được tâm thế tiếp cận gần gũi và tự nhiên. Tác phẩm có tay nghề vững với khuôn hình chặt chẽ, có tính toán với những nét sáng tạo chuyên nghiệp; tiết tấu được làm chủ rất nhất quán và đong đếm được cảm xúc của người xem. Ở tác phẩm “Hơi thở cà phê Ban Mê” của nhóm HOTHA STUDIO, thực sự nhịp sống, nhịp đập của cà phê, của những thành tố thuộc về cà phê đã đánh thức miền đam mê và mở rộng thêm cả những giá trị đặc trưng của vùng miền, “gói” được cả tâm sự lẫn ước vọng của người dân trong từng hạt cà phê nhỏ bé nhưng đầy sức nặng. Với tác phẩm “Vị đắng hoàn hảo” của tác giả Trần Xuân Quốc Trung thì sự hoàn hảo về nhịp điệu và không gian văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột đã chinh phục được người xem như một thế mạnh tổng hòa…
Các tác giả, nhóm tác giải đạt giải được vinh danh tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột. |
Có thể thấy, các tác phẩm tham gia cuộc thi đã đóng góp sức mình, đã trải mình để cùng góp sức phác thảo nên bức tranh rõ hơn, nét hơn về một “miền hương vị” cà phê rất đặc trưng và tự hào không chỉ của riêng Buôn Ma Thuột, không riêng cao nguyên nắng gió mà đã trở thành một “ngôn ngữ” rất Việt Nam, với "mã vạch" Buôn Ma Thuột.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi H’Yim Kđoh cho biết, Ban tổ chức rất tự hào khi chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất cho việc quảng bá cà phê Buôn Ma Thuột đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đặc biệt là các tác giả và nhóm tác giả tham gia cuộc thi đều rất trẻ và có sự đầu tư rất lớn bằng tâm huyết, tình yêu dành cho TP. Buôn Ma Thuột, dành cho cà phê Buôn Ma Thuột. Tin tưởng rằng, với tình yêu, đam mê của các bạn trẻ gửi gắm trong mỗi tác phẩm là một thông điệp có sức lan tỏa, góp phần cho sự thành công của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8..
Nguồn: Những thông điệp từ “miền hương vị” cà phê