Hà Nội: 14°C
Thừa Thiên Huế: 18°C
TP Hồ Chí Minh: 27°C
Quảng Ninh: 13°C
Hải Phòng: 13°C

Đắk Nông: Công bố nguyên nhân khiến hồ chứa nước Đăk N’Ting bị sụt lún

Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông mới đây đã công bố nguyên nhân khiến công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) chưa đưa vào sử dụng đã bị sụt lún, sạt lở.

Các hồ chứa thủy lợi đang có nhiệm vụ trọng yếu như cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…

Tuy nhiên, hệ thống hồ chứa của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức do biến đổi khí hậu và nhiều công trình đã xuống cấp gây ra nguy cơ lớn về mất an toàn. Về mặt pháp lý, các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. Tuy nhiên, trên cả nước, hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập quy trình vận hành (gồm 213 hồ tràn có cửa van điều tiết và 1.600 hồ mà tràn xả lũ là tràn tự do).

Đáng chú ý, nhiều hồ chứa hiện nay do được xây dựng từ hàng chục năm trước nên đã hư hỏng, cần được cải tạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số hồ chứa mặc dù với mới xây dựng nhưng cũng đã bị hư hỏng, sạt lở. Đơn cử như hồ chứa nước Đắk N’Ting được xây dựng tại địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông.

Dự án hồ chứa nước Đắk N’Ting được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào năm 2018, tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là tạo nguồn nước tưới cho 680ha cây trồng, tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 hộ dân. Dự án triển khai do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án hồ Đắk N’Ting phải đưa vào sử dụng năm 2023. Tuy nhiên vào, đầu tháng 8/2023, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài phía sườn đồi nằm bên vai phải tràn xả lũ xuất hiện cung trượt lớn kéo dài hàng trăm mét, hai bên mái, mặt cầu công trình bị nứt vỡ bê tông...

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, nguyên nhân sự cố sạt trượt hồ chứa nước Đắk N’Ting là do khối trượt trên sườn đồi hướng vào công trình đầu mối. Theo Tổ giám định 1552, khối trượt này nằm cách vai phải công trình khoảng 250 m. Chính lực tác động này là nguyên nhân chính làm biến dạng và hư hỏng một phần kết cấu bê tông và phần đất đắp của đập, dẫn tới sự cố sạt trượt, biến dạng hồ chứa nước Đắk N’ting.

Đắk Nông: Công bố nguyên nhân khiến hồ chứa nước Đăk N’Ting bị sụt lún
Nhiều điểm sạt trượt, sụt lún tại thân đập của hồ Đắk N’Ting. (Ảnh: MC).

Nguyên nhân hình thành khối trượt là do vùng sạt trượt hội tụ đủ các yếu tố bất lợi như: Hình thái địa hình tích tụ các nguồn nước mặt, thấm nước mạnh. Khi có mưa liên tục, kéo dài sẽ ngậm nước, gây bão hòa, phân lớp địa tầng hướng nghiêng về phía suối Đắk N’Ting từ đó hình thành khung trượt. Năm 2023 tại khu vực sạt lở xuất hiện lượng mưa kỷ lục.

Cụ thể, trong 7 ngày lượng mưa lên đến 394mm lớn hơn lượng mưa bình quân trong cả tháng 7 tại trạm Đắk Nông. Đây là một nguyên nhân chủ yếu gây biến động lớn mực nước ngầm trên mái dốc, làm thay đổi các chỉ tiêu cơ lý của các lớp địa chất gây ra sạt trượt sườn đồi. Ngoài ra, quá trình canh tác tại khu vực sườn đồi này, người dân đã tạo ra các rãnh mương, làm tăng khả năng tập trung nước mặt, từ đó làm gia tăng áp lực nước ngầm và đẩy nhanh quá trình sạt lở…

Ngoài yếu tố thời tiết, hoạt động canh tác tự phát trên đồi đã tạo nhiều rãnh xói. Nước mặt tập trung, ngấm sâu, làm tăng áp lực nước ngầm. Hệ số ổn định mái dốc giảm mạnh. Khối trượt dịch chuyển mạnh về phía công trình, gây phá hoại nặng nề các hạng mục: thân đập, tràn xả lũ, mặt đập.

Sự dịch chuyển của khối trượt tác động trực tiếp đến công trình, gây ra hư hỏng tại tràn xả lũ, đập đất. Đây là nguyên nhân khách quan gây ra sự cố công trình. Hiện đập đất của công trình xuất hiện nhiều khu vực bị nứt, gãy, vỡ. Thân đập có hiện tượng đùn trồi, dịch chuyển cao hơn thiết kế gần 0,5m làm cho đất đắp tại đoạn này bị phá hoại, tách lớp và gây thấm mạnh.

Đập đất của hồ chứa nước Đắk N’Ting hiện tại không bảo đảm an toàn để tích nước. Tràn xả lũ của công trình đã bị nứt, vỡ ở nhiều vị trí và không bảo đảm an toàn. Tường cánh thượng lưu, hạ lưu, các vị trí khe nối đã biến dạng. Phần tiếp giáp giữa nền và bê tông bản đáy tràn đã có sự chuyển vị, phá hủy. Cầu tràn của công trình bị tác động khá lớn. Một số nhịp cầu xuất hiện vết nứt kéo dài, rộng. Một số dầm ngang có hiện tượng bị nứt, bong tách ra khỏi chủ dầm. Một số mố, trụ, gối cầu bị xô lệch, hư hỏng, mất an toàn. Khối trượt sườn đồi gần hồ chứa nước Đắk N’ting có nguy cơ cao xảy ra sạt lở vì khu vực này hội tụ đủ các yếu tố bất lợi.

Đắk Nông: Công bố nguyên nhân khiến hồ chứa nước Đăk N’Ting bị sụt lún
Thân đập xuất hiện nhiều điểm nứt gãy gây nguy cơ mất an toàn hồ chứa. (Ảnh: MC).

Tại công trình, sạt trượt quy mô lớn đã xuất hiện ở vai đồi phía phải, gây ra hàng loạt hư hỏng kết cấu, đe dọa trực tiếp đến an toàn của công trình và dân cư vùng hạ du. UBND tỉnh Đắk Nông sau đó đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục tại công trình này.

Với các sự cố hư hỏng trên, cơ quan chuyên môn kết luận do tác động mưa liên tục, kéo dài và lượng mưa lớn, kết hợp với điều kiện địa hình, địa chất tự nhiên bất lợi là nguyên nhân tạo ra khối trượt trên sườn đồi cách biên vai phải công trình đầu mối khoảng 250m.

Để đảm bảo an toàn, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông đề xuất trước mắt, toàn bộ hồ được giữ mực nước thấp nhất và dừng hoàn toàn việc tích nước. Đồng thời, giám sát chặt công trình, cắm biển cảnh báo, đồng thời tổ chức di dời người dân nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp.

Về lâu dài, cần xử lý đập đất, bê tông mặt đập, tràn xả lũ và các hạng mục liên qua theo các giải pháp kỹ thuật phù hợp. Thêm nữa, để đảm bảo an toàn công trình, cần mở rộng xử lý ra ngoài phạm vi công trình, như gia cố mái dốc, xử lý hệ thống thoát nước… Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo thường xuyên theo dõi tình hình sạt trượt để tuyên truyền, vận động người dân tránh xa khu vực hạ lưu công trình trong thời gian chưa được khắc phục, theo dõi chặt chẽ hiện trạng và diễn biến sạt trượt của công trình.

Trước đó, khi xảy ra sự cố lún, sạt trượt tại hồ Đắk N’Ting, UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập Tổ giám định nguyên nhân (gọi tắt là Tổ giám định 1552), phối hợp Viện Thủy công và các đơn vị chuyên môn. Tổ công tác khảo sát hiện trường nhiều đợt, thu thập hồ sơ thiết kế, thi công, dữ liệu quan trắc và phân tích yếu tố địa hình, địa chất, thủy văn. Đến cuối tháng 2/2025, tổ giám định và các đơn vị chức năng, liên quan đã thống nhất kết quả giám định với nội dung như đã nêu ở trên.

Nguồn: Đắk Nông: Công bố nguyên nhân khiến hồ chứa nước Đăk N’Ting bị sụt lún

Thu Trang
thiennhienmoitruong.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Đắk Lắk: Phát huy vai trò phụ nữ trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên thời kỳ hội nhập

Đắk Lắk: Phát huy vai trò phụ nữ trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên thời kỳ hội nhập
Chiều 28/3, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị “Vai trò của phụ nữ trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên thời kỳ hội nhập”.

Phát triển mô hình nuôi cá trong ao tôm

Phát triển mô hình nuôi cá trong ao tôm
Tôm là một trong những loại thuỷ sản chủ lực của tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên thời gian gần đây, để nâng cao lợi nhuận, nhiều người dân nuôi trồng thuỷ sản đã phát triển mô hình nuôi cá trong ao tôm. Tuy nhiên ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên phát triển “ồ ạt” mô hình này.

Siết chặt quản lý khai thác cát lòng sông

Siết chặt quản lý khai thác cát lòng sông
Nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý hiệu quả những sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, tỉnh Bình Định đã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đặc biệt xử lý nghiêm những trường hợp khai thác cát lòng sông trái phép trên địa bàn.

Quảng Ninh: Du lịch Bái Tử Long cánh cửa đã mở

Quảng Ninh: Du lịch Bái Tử Long cánh cửa đã mở
Sau khi công bố 10 hành trình tham quan vịnh Bái Tử Long và 3 hành trình kết nối vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Ngày 29/3/2025, tỉnh Quảng Ninh chính thức khai trương các hành trình tham quan, du lịch vịnh Bái Tử Long. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng cho thấy nỗ lực của Quảng Ninh trong quá trình khai thác tiềm năng du lịch vịnh Bái Tử Long.

Đa dạng hoạt động bảo vệ môi trường tại Cù Lao Chàm

Đa dạng hoạt động bảo vệ môi trường tại Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) có nhiều hệ sinh thái quan trọng, hình thành nên hành lang đa dạng sinh học nối liền từ rừng xuống biển, biển - vùng bờ. Các mô hình bảo tồn, bảo vệ môi trường tại khu vực này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hệ sinh thái tự nhiên.