Siết chặt quản lý khai thác cát lòng sông
Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại tỉnh Bình Định được chú trọng thực hiện với nhiều điểm tích cực, qua đó đã góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tính đến tháng 12/2024, tỉnh Bình Định có 111 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, hoạt động tập trung là khoáng sản làm vật liệu xây dựng ( VLXD), trong đó UBND tỉnh cấp phép 105 giấy phép, gồm 52 giấy phép đá xây dựng (bao gồm 25 mỏ đá xay nghiền và 27 mỏ đá làm VLXD thông thường có thu hồi đá khối); 17 giấy phép khai thác cát (2 giấy phép cát làm khuôn đúc, 2 giấy phép cát tô, 13 giấy phép cát sỏi lòng sông); 32 giấy phép đất san lấp; 4 giấy phép đất sét; Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp 6 giấy phép gồm 3 giấy phép khai thác đá ốp lát, 2 giấy phép khai thác titan và 1 giấy phép nước khoáng nóng.
Về mỏ cát, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 52 mỏ, diện tích là 10.348,35 ha, trữ lượng 32,490 triệu m3. Đối với hoạt động khai thác cát lòng sông, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, chính quyền các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn nạn khai thác trái phép. Tại sông Hà Thanh, đoạn qua địa bàn xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định), trước đây từng là điểm nóng của tình trạng khai thác cát trái phép.
Trên đoạn sông này, người dân thường sử dụng máy cày kéo rơ-mooc hoặc xe độ chế lén lút xuống lòng sông lấy cát chở đi bán. Khoảng ba năm gần đây, tình trạng này hầu như đã không còn xảy ra, nhờ chính quyền địa phương siết chặt quản lý và xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng lén lút khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh, chính quyền xã Canh Vinh đã rào chắn các lối đi tự phát dẫn xuống khu vực bờ sông.
Ngoài ra, UBND xã còn lắp đặt camera an ninh để vừa quản lý tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, vừa kịp thời phát hiện hành vi khai thác cát lòng sông trái phép, nếu phát hiện được chính quyền xã sẽ xử lý nghiêm khắc. Bên cạnh đó xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định) cũng thành lập tổ quản lý tài nguyên khoáng sản do Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng.
![]() |
Nhờ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, hoạt động khai thác cát lòng sông tại Bình Định được quản lý chặt chẽ. |
Tổ công tác này thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn và xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trong sông Kôn đoạn qua địa bàn xã. Lãnh đạo UBND xã Bình Nghi cho biết, ngoài việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát, chính quyền xã còn mời những người dân có máy cày kéo rơ-mooc và xe độ chế đến làm việc, tuyên truyền và yêu cầu ký cam kết không sử dụng những phương tiện nói trên khai thác, vận chuyển cát trong sông Kôn trái phép.
Nhờ đó, chính quyền địa phương đã kiểm soát hiệu quả nguồn tài nguyên cát trong lòng sông, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác trái phép.
Mặc dù một số địa phương có tình trạng buông lỏng quản lý, nhưng ngược lại phần lớn các huyện đều siết chặt kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát lòng sông. Đơn cử tại huyện Tuy Phước, đây là một trong những địa phương đi đầu trong việc kiểm tra, giám sát khai thác khoáng sản cát.
Theo đó, UBND huyện Tuy Phước đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản; vận động người dân không tiếp tay và kịp thời tố giác khi phát hiện hành vi khai thác trái phép cát tại khu vực bãi bồi ven sông. Ngoài ra, lực lượng chuyên ngành và liên ngành các cấp xã, huyện ở Tuy Phước thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Trong năm 2024, tổ công tác liên ngành của huyện Tuy Phước đã phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, phát hiện và xử lý 2 trường hợp khai thác cát lòng sông trái phép tại xã Phước Thành và Phước Nghĩa. Đại diện phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tuy Phước, thông tin, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Nhờ các địa phương siết chặt quản lý, nên từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn không xảy ra nạn khai thác cát trái phép trong sông. Còn theo chia sẻ của đại diện phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hoài Ân, ngành chức năng huyện Hoài Ân thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát lòng sông của các doanh nghiệp đã được cấp phép.
![]() |
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Định kiểm tra khối lượng cát các chủ đơn vị, cơ sở. |
Đồng thời, tham mưu UBND huyện chỉ đạo chính quyền cấp xã tập trung quản lý, bảo vệ hiệu quả khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Theo nhận định của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn Bình Định được các địa phương thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở, phần lớn không còn buông lỏng công tác bảo vệ, quản lý khoáng sản chưa khai thác; kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong khai thác cát trái phép.
Bên cạnh những thuận lợi, một số địa phương của tỉnh vẫn còn tồn đọng khó khăn, hạn chế trong quản lý, khai thác khoáng sản cát lòng sông.
Đơn cử như ngày 5/2 vừa qua, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố bị can đối với ông Dương Thanh Cường (sinh năm 1984) là Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 360 Bộ luật Hình sự, liên quan đến hành vi thiếu trách nhiệm để các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Kôn đoạn ngang qua địa bàn xã Nhơn Phúc. Theo kết quả điều tra, với cương vị là Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, ông Dương Thanh Cường đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ trong việc kiểm tra, xử lý các vụ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Việc này dẫn đến một số đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Nhơn Phúc trong thời gian dài, với số lượng hàng nghìn khối cát trị giá hàng trăm triệu đồng, gây tác động xấu đến môi trường và gây bức xúc trong nhân dân địa phương.
Xác định nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản là rất quan trọng, Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý tài nguyên khoáng sản. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện Công điện số 1087/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương kiểm tra các khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản và đề xuất thu hồi giấy phép không triển khai, gây ô nhiễm môi trường và các vi phạm theo quy định. Kiểm tra, hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp kịp thời đóng cửa mỏ khi kết thúc khai thác.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản chung trên địa bàn tỉnh cũng như tại từng địa phương. Giao sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các sở, ngành và các địa phương liên quan tiếp tục đôn đốc, tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản thực hiện các quy định của Giấy phép, nhất là về diện tích, trữ lượng cấp phép, công suất khai thác và mục đích sử dụng khoáng sản…/.
Nguồn: Siết chặt quản lý khai thác cát lòng sông
Có thể bạn quan tâm
Tin mới nhất
Tử vi vòng quay công nghệ ngày 2/4/2025: Tuổi Thân thuận lợi, tuổi Dậu chú ý sức khỏe

Hà Nội giao đất triển khai nhiều dự án hạ tầng, công viên

Long An tăng cường quan trắc, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường

Đêm nhạc hội Traditional Fashion Talent 2025: Vinh danh di sản áo dài và trang phục 54 dân tộc Việt Nam

Chuyển đổi số thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm
