Đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu gạo bền vững
Việt Nam tích cực hợp tác chống biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực Đảm bảo an ninh lương thực và chiến lược phát triển nông nghiệp VN |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo đạt 2,18 triệu tấn, tăng 17,8% về lượng; trị giá đạt 1,43 tỷ USD, tăng 45,6% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân 653,9 USD/tấn, tăng 23,6% về giá so với quý I/2023. Thị trường chính của xuất khẩu gạo trong quý I/2024 có: Philippines (trên 1,01 triệu tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023); Indonesia (trên 445 nghìn tấn, tăng 199,7%); Malaysia (gần 99 nghìn tấn, tăng 28,8%).
Để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước và Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 25/3/2024 về đẩy mạnh hoạt động triển khai thị trường, xúc tiến thương mại thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.
Bộ NN&PTNT dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn (Ảnh minh họa). |
Trong thời gian tới, để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.
Về hỗ trợ xuất khẩu, triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các văn phòng xúc tiến thương mại, trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo thiết lập các kênh phân phối trực tiếp; triển khai các hoạt động quảng bá gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.
Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi và cập nhật chính sách, động thái của các nước sản xuất và xuất khẩu gạo; kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả. Hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.
Về cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo cung cầu mặt hàng gạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Đôn đốc Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, bao gồm việc báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; tình hình thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; và duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát, kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn. Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 (8,13 triệu tấn) nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực. Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tận dụng tốt các thị trường có Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo. Ảnh: TTX. |
Năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức như nguồn cung gạo toàn cầu giảm do tiếp tục chịu tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số thị trường như Ấn Độ, UAE, Nga và hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu, ở nhiều khu vực). Cùng với đó, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay, Bộ Công Thương đề nghị, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và Tổng Công ty lương thực Miền Nam, cùng với các Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Cụ thể, tổ chức thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước; liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu; chế độ báo cáo và dự trữ lưu thông thóc, gạo theo quy định và các chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, các thương nhân cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương, các Bộ, ngành hữu quan và Hiệp hội lương thực Việt Nam để khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã và sẽ được ký kết giữa Việt Nam với các đối tác để đa dạng hóa thị trường, phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng, nhất là các thị trường có FTA mà nước ta là thành viên.
Chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo). Muốn vậy, các doanh nghiệp cần phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong và ngoài nước để tham khảo, kiểm chứng thông tin và tranh thủ sự hỗ trợ khi cần thiết; đồng thời, thường xuyên trao đổi với Hiệp hội lương thực Việt Nam để kịp thời báo cáo các Bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất các biện pháp xử lý.
Chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với các cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Đồng thời, chú trọng xác lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau, giữa các doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội lương thực Việt Nam để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Nguồn:Đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu gạo bền vững