Đảm bảo an ninh lương thực và chiến lược phát triển nông nghiệp VN
Những giải pháp thúc đẩy ngành lúa gạo Việt Nam Lúa gạo vẫn đảm bảo phục vụ trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu |
Tại tọa đàm Phát triển nông nghiệp bền vững ở Thanh Hóa vừa diễn ra tại Sầm Sơn - Thanh Hóa, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường cũng có bài tham luận. Tạp chí Kinh tế Môi trường xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc.
Các đại biểu tham luận tại chương trình. |
Đặt vấn đề
Từ cuộc chiến Nga-Ucraina đến Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa gao đã đặt thế giới trước một thách thức mới là vấn đề “an ninh lương thực” cho mỗi quốc gia, đối với những nước phải nhập khẩu lương thực như các quốc gia ở châu Phi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu không giải quyết được sự biến động này sẽ là nguyên nhân dẫn đến những bất ổn về mặt xã hội, ngược lại đối với các quốc gia xuất khẩu lương thực sẽ là cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cần phải tính toán cân nhắc để không chỉ xuất khẩu nhiều lương thực hơn nhưng cũng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trước thực tế đó, Thủ tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững. Việc ban hành chỉ thị này liên quan đến các quy định pháp luật đã có và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã có của nước ta, cần phải xem xét lại thấu đáo để có những sự điều chỉnh kịp thời.
PSG.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường. |
1. An ninh lương thực, những chính sách quy định pháp luật và Chiến lược liên quan
1.1. Khái niệm an ninh lương thực
Trước hết phải hiểu rõ an ninh lương thực (ANLT) là gì, theo định nghĩa của tổ chức FAO ““ANLT được đảm bảo khi mọi hộ gia đình đều được tiếp cận lương thực an toàn và đầy đủ dinh dưỡng ở cả hai mặt thể chất và kinh tế, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho sinh hoạt và sức khỏe ”. Như vậy ANLT theo khái niệm của FAO là rất rõ ràng và cụ thể liên quan đến từng hộ gia đình và các cá nhân trong hộ gia đình đó phải đủ dinh dưỡng cho sinh hoạt và sức khỏe. Từ khái niệm của FAO, tác giả TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đã khái quát hóa thành sơ đồ sau, coi ANLT là trọng tâm thì các yếu tố thành phần sẽ là sự sẵn có, ổn định, tiếp cận và an toàn thực phẩm, bốn yếu tố này nếu thực hiện tốt sẽ đảm bảo cho thực hiện ANLT bền vững.
1.2. Những chính sách quy định pháp luật liên quan đến an ninh lương thực.
Xem xét lại những quy định chính sách pháp luật liên quan đến ANLT có thể kể đến những quy định sau đây.
-
Giai đoạn 1945-1986, chủ yếu “tập trung vào xóa đói, đảm bảo lương thực cho toàn dân”, có thể nói đây là giai đoạn ANLT của nước ta không đảm bảo, các hộ gia đình phần lớn là thiếu dinh dưỡng, sức khỏe không đảm bảo.
-
Giai đoạn 1986-2009, giai đoạn này có thể khái quát hóa là “Tập trung vào sản xuất lúa gạo, đảm bảo đủ gạo để ăn, duy trì đất lúa bền vững để đảm bảo ANLT”. Đây là giai đoạn đất nước mở cửa, chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nên đã tạo cơ hội cho đảm bảo ANLT quốc gia và chuẩn bị tiền đề để xuất khẩu lúa gạo”.
-
Giai đoạn 2009 đến 2020, với đặc trưng cơ bản là “đảm bảo đủ lương thực, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa” (NQ63)
-
Giai đoạn 2020 đến nay, sản xuất lúa gạo của nước ta vẫn đảm bảo tính ổn định và tang trưởng mặc dù gặp phải những khó khăn nhất định, nhất là dịch Covit 2019 và đặc biệt là sự biến động lương thực của thị trường thế giới do chiến tranh xung đột Nga-Ucraina và cấm xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ, ANLT của Việt Nam vẫn đảm bảo và có thể coi là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu lúa gạo.
Xem xét chính sách pháp luật của các giai đoạn trước liên quan đến ANLT, nhất là giai đoạn 2009-2020 đáng chú ý nhất là Nghị quyết 63/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 23 tháng 12 năm 2009 về “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”. Trong Nghị quyết này đáng chú ý là “Đảm bảo nguồn cung LTTP, tập trung vào bảo vệ quỹ đất lúa 3,8 triệu ha để có sản lượng 41 – 43 triệu tấn lúa đáp ứng tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước”. Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, cân đối và nâng cao mức tiêu thụ calo bình quân hàng năm lên 2.600 – 2.700 Kcalo/người, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 5%. Đảm bảo thu nhập của người sản xuất lương thực”. Để thực hiện ANLT, nội dung của Nghị quyết có 5 nội dung chính (i) Chính sách về Quy hoạch; (ii) Chính sách về cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ; (iii) Chính sách khuyến khích nông dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh lúa gạo; (iv) Hoàn thiện hệ thống lưu thông, xuất khẩu lương thực. Với bốn nhóm chính sách lớn của Nghị quyết 63/NQ-CP, kể từ khi ban hành đến nay đã có nhiều Nghị định, quyết định để thực hiện. Liên quan đến nội dung mới ban hành của chỉ thị 24 ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, một số các văn bản đã ban hành cần sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, nhất là Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo để phù hợp với bối cảnh mới hiện nay, tận dung cơ hội để xuất khẩu gạo.
Quang cảnh phần tọa đàm. |
Một số các văn bản khác đã ban hành có liên quan đến đất trồng lúa, đặc biệt hiện nay đang quá trình sửa đổi luật đất đai, một số điều quy định liên quan đến đất trồng lúa cũng cần phải xem xét, rà soát và cân nhắc sửa đổi phù hợp trong bối cảnh mới đảm bản ANLT và xuất khẩu bền vững như “Nghị quyết 134/2016/QH13: giảm 52,04 nghìn ha, trong đó giảm 92,95 nghìn ha đất chuyên trồng lúa so với Nghị quyết 17/2011/QH13; Nghị định 62/2019/NĐ-CP: trong điều kiện giữ đất lúa vẫn nâng cao thu nhập cho người dân thông qua quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; Quy định chặt chẽ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tại Điều 57 và 58 Luật Đất đai 2013; Quy định chặt chẽ về chuyển nhượng đất lúa tại Điều 191 Luật Đất đai 2013; Chính sách khuyến khích nông dân trao đổi tự nguyện các mảnh đất nhỏ (dồn điền đổi thửa) để tăng diện tích bình quân của từng mảnh đất; Chính sách hạn điền (Điều 129, điều 130 Luật Đất đai 2013)”
1.3. Về Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở Việt Nam
Theo quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 “phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, liên quan đến ANLT đối với sản xuất lúa gạo Chiến lược đã chỉ rõ “tiếp tục phát huy lợi thế ngành lúa gạo Việt Nam nhưng với những đổi mới về tư duy, chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất – từ tập trung phát triển về sản lượng sang coi trọng chất lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, vừa khai thác sử dụng tài nguyên đất, nước một cách hiệu quả cao nhất”, trong nội dung quyết định cũng xác định các vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo hiệu quả cao nhất như vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng sông Hồng. Như vậy quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thể hiện tính linh hoạt và mềm dẻo, trong mọi tình huống luôn đảm bảo ANLT quốc gia, đặt vấn đề hiệu quả lên hang đầu. Từ nội dung thể hiện trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững có thể thấy trong bối cảnh hiện nay, chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững là phù hợp, thể hiện được tính thống nhất trong thực hiện Chiến lược và chỉ thị của Thủ tướng.
Tóm lại từ những phân tích trên cho thấy, trong từng giai đoạn Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng tới vấn đề ANLT để có những chính sách, quy định pháp luật và Chiến lược phù hợp. Tuy nhiên từ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ANLT quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo cũng như Chiến lược đã ban hành, còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện và đảm bảo tính đồng bộ về Chính sách, pháp luật đối với ANLT và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
2. Một số gợi ý nhằm thực hiện tốt hơn an ninh lương thực quốc gia thông qua chính sách, pháp luật và Chiến lược
Để đảm bảo thực hiện tốt hơn ANLT quốc gia trong bối cảnh mới, một số gợi ý Chính sách sau đây cần được xem xét.
-
Thứ nhất, đối với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Từ chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong đó quy định nhiệm vụ của các Bộ ngành và địa phương các nhiệm vụ rõ ràng, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ công thương; Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng của các Bộ này cần thực hiện ngay các nhiệm vụ Thủ tướng giao, cùng với đó là nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
-
Thứ hai, rà soát lại diện tích trồng cây lương thực để đảm bảo ANLT.
Với quy định trước đây về đảm bảo diện tích trồng cây lương thực cũng như quy hoạch diện tích cây lương thực đã có, nhất là diện tích trồng lúa, để đảm bảo ANLT cần phải rà soát lại và đo lường chính xác để có số liệu cập nhật mới nhất kể từ năm 2020 trở lại đây về diện tích cây lương thực nói chung và diện tích trồng lúa nói riêng. Trên cơ sở đó, xem xét đối chiếu với chính sách, quy định của pháp luật còn phù hợp không, vướng mắc chỗ nào để làm căn cứ cho sửa đổi chính sách và pháp luật, nhất là luật đất đai sửa đổi lần này liên quan đến đất sản xuất nông nghiệp, đất dành cho trồng cây lương thực và đất trồng lúa.
-
Thứ ba, đầu tư vào KHCN cho sản xuất lương thực nói chung và lúa gạo nói riêng để đảm bảo ANLT và chất lượng sản phẩm tốt hơn.
KHCN đóng vai trò then chốt trong thực hiện ANLT và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị của lương thực nói chung và lúa gạo nói riêng. Trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghệ gen ngày càng phát triển, để đảm bảo ANLT, việc đầu tư các nội dung KHCN này có một vai trò hết sức quan trọng, thúc đẩy nâng cao sản lượng và chất lượng của lương thực, nhất là lúa gạo. Điều này đã được chứng minh trong thời gian vừa qua, lúa gạo Việt Nam không thua kém lúa gạo của nhiều quốc gia trên thế giới có truyền thống xuất khẩu lúa gạo.
-
Thứ tư, cần nắm bắt kịp thời biến động thị trường lương thực và lúa gạo trên thế giới.
Việc nắm bắt kịp thời biến động của thị trường lương thực nói chúng và lúa gạo nói riêng trên thế giới là hết sức quan trọng, là căn cứ để đưa ra phương án xuất khẩu lúa gạo và lương thực, thúc đẩy sản xuất và đem lại hiệu quả về kinh tế. Cân đối với nhu cầu sử dụng lương thực trong nước để đảm bảo ANLT nhưng đồng thời gia tăng xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao, linh hoạt, kịp thời.
Kết luận.
Đảm bảo ANLT quốc gia qua từng thời kỳ phải có những chính sách, quy định pháp luật và Chiến lược phù hợp. Kể từ năm 1945 đến nay nước ta đã trải qua bốn giai đoạn khác nhau, từ chỗ thiếu ăn, đến giai đoạn đảm bảo ANLT, xuất khẩu và nay là thời kỳ nâng cao chất lượng giá trị của lương thực nói chung và lúa gạo nói riêng để đáp ứng nhu cầu trong nước và thị trường thế giới. Từ chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, một giai đoạn mới mở ra cho Việt Nam, là cơ hội để chúng ta nắm bắt và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lúa gạo. Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả cần xem xét lại chính sách, quy định pháp luật, triển khai Chiến lược và khẩn trương thực hiện chỉ thị của Thủ tướng.
Nguồn:Đảm bảo an ninh lương thực và chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam