Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết 2024
Gần Tết, chủ trại buồn rầu bán lỗ vài chục triệu đến tiền tỷ mỗi lứa lợn Sẵn sàng cho mùa mua sắm cuối năm |
Bộ Công Thương cho biết, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 11/2023 diễn ra khá sôi động để chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ lớn cuối năm và chào mừng năm mới 2024. Nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, các vật phẩm văn hóa, giáo dục và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,0%. Chỉ tính riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,7%; lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; may mặc tăng 7,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,3%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 3,3%.
Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay nhiều địa phương trên cả nước đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.
Nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm 2024 trên địa bàn khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Hà Nội hiện có 29 trung tâm thương mại, 137 siêu thị, 453 chợ, 2.000 cửa hàng tiện lợi, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn, 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn… Bên cạnh đó còn có 34 sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết để kịp thời báo cáo UBND thành phố có biện pháp đảm bảo lượng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, tăng giá đột biến. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan như NN&PTNT, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải… tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết...
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngành Công Thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Đồng thời sẽ phối hợp với các tỉnh nắm nguồn cung đối với những mặt hàng thiết yếu, qua đó ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến.
Sở Công Thương Ninh Bình cho biết, dự báo tình hình thị trường giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục chịu tác động ảnh hưởng của thị trường thế giới và trong nước, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… Sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 10% so với Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023. Nhu cầu tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến như giò, chả, nem,...; thực phẩm công nghệ như bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đường, sữa, dầu ăn…; hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu; hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả các loại…
Dự báo, nhu cầu hàng hóa thiết yếu và hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ người dân của tỉnh Ninh Bình trong một tháng Tết 2024 tương đương hơn 2.618 tỷ đồng. Bao gồm: 25.000 tấn xăng dầu (cho sản xuất và tiêu dùng), 1.000 tấn gas, 9.765 tấn lương thực, 2.900 tấn thịt các loại, 15,4 triệu quả trứng gia cầm, 813 tấn thực phẩm chế biến, 200 tấn bánh, kẹo, mứt, cà phê... Theo đó, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, Sở Công Thương Ninh Bình sẽ tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp phân phối và nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố khác triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn đấu giá điện tử,...) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền của tỉnh Ninh Bình, kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết cho người dân...
Nhiều địa phương trên cả nước chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, vận động doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. |
Tại tỉnh Bình Dương, Sở Công Thương đã có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết và cả năm 2024, bao gồm 5 nhóm hàng hóa: lương thực (gạo, nếp…); thực phẩm công nghệ (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, mì gói, bánh mứt, kẹo…); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả…) và thực phẩm chế biến (giò lụa, lạp xưởng, xúc xích....); mặt hàng xăng dầu; thuốc trị bệnh cho người. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng trên 11.602 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh); trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024 khoảng 2.258 tỷ đồng.
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngay từ đầu năm, thành phố đã giao sở chủ trì và triển khai việc chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm. Các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản.
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh dự báo sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11-13% so với Tết Quý Mão 2023. Bên cạnh lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, hoa, quần áo, giày dép… sẽ tăng mạnh vào giáp Tết. Riêng mặt hàng gạo, vừa qua Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại nhiều địa phương khác như thành phố Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh,… cũng đã có kế hoạch cho mùa mua sắm cuối năm thông qua vận động doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, vận động doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết năm 2024, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, tạo nguồn hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Các Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, đánh giá năng lực sản xuất, nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu thời điểm cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.
Nguồn:Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết 2024