Đâu là nguyên nhân khiến công chức nghỉ việc, “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”?
Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về xăng dầu Hàng loạt nhân sự chứng khoán cấp cao nghỉ việc trong tháng 9 và tháng 10 |
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chỉ ra rằng, từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Do đó, đại biểu Tô Văn Tám tán hành với các giải pháp xử lý tình trạng này của Chính phủ.
Đồng thời đại biểu Tô Văn Tám đề nghị thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục được công việc, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết cái việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.
Hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý. Quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.
Cùng với đó, Cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum). |
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Tranh luận tại Hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề cập về việc năng lực của một số cán bộ còn hạn chế, vẫn còn tâm lý nghe ngóng, sợ không dám làm một số nhiệm vụ được giao...
Đại biểu Tạ Văn Hạ đồng thuận với quan điểm của đại biểu Nguyễn Hữu Thông về việc hiện nay, nhiều cán bộ công chức còn đùn đẩy, né công việc. Tâm lý này đã ảnh hưởng rất lớn đến triển khai, thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân.
Theo ông Hạ, nếu nói nguyên nhân là do vướng mắc của triển khai chính sách pháp luật thì chưa đủ mà qua nghiên cứu, tìm hiểu thì nguyên nhân chính là do con người, công đoạn tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Đối với cán bộ còn hạn chế về năng lực, vẫn còn tình trạng sợ không dám thực hiện nhiệm vụ. Còn đối với một số cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế và còn tình trạng nghe ngóng, né tránh. Ngoài ra, còn đối tượng cán bộ là đã làm ẩu, thiếu trách nhiệm khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013 nhưng bây giờ không dám làm nữa hoặc làm cầm chừng vì sợ sai như khi đã thực hiện.
“Vì vậy, Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh lại trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý để không ảnh hưởng đến tiến độ, nhiệm vụ công việc và trách nhiệm phục vụ nhân dân”, đại biểu Hạ nói.
Tại phiên thảo luận tổ ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cán bộ nghỉ việc chủ yếu là viên chức với 35.523 người, còn công chức chỉ hơn 4.000 người, chủ yếu rơi vào hai ngành giáo dục và y tế. Cụ thể, với giáo dục, trong 2,5 năm qua, số người xin thôi việc là 16.427 người; còn với y tế là 12.198 người. Thực tế số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022.
Lý giải về nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng do tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến áp lực công việc rất lớn, đặc biệt nhân viên y tế phải làm việc trong bối cảnh cực kỳ nguy hiểm, rủi ro nhưng hỗ trợ cho đời sống chưa đáp ứng được. Tương tự, với nhân viên ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến cũng dẫn đến áp lực rất lớn… Khi đại dịch Covid-19 được khống chế, các dịch vụ như y tế, giáo dục ngoài công lập có điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nên đã thu hút nguồn nhân lực rất lớn từ công sang tư, bởi có chế độ ưu đãi tốt hơn.
Để giải quyết tình trạng này, theo người đứng đầu Bộ Nội vụ cần tập trung để nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời, xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức; xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến…
Nguồn: Đâu là nguyên nhân khiến công chức nghỉ việc, “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”?