Đầu năm mới: Ông Phạm Nhật Vượng có thêm 400 triệu USD, tỷ phú Trần Đình Long bứt phá
Tỷ phú Trần Bá Dương chỉ cách startup dễ kiếm tiền nhất Việt Nam còn 6 tỷ phú - tài sản của họ đã mất hơn 7 tỷ USD trong vòng một năm qua |
Tỷ phú Việt có thêm 1,3 tỷ USD
Trong phiên giao dịch đầu năm Quý Mão 27/1, nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bật tăng, nhiều cổ phiếu ngành bán lẻ, ngân hàng, thép,... cũng tăng khá mạnh nhờ dòng tiền đổ vào ấn tượng.
Chỉ số VN-Index khởi sắc tăng hơn 9 điểm lên 1.117,1 điểm.
Nhiều tỷ phú USD Việt Nam ghi nhận tài sản tăng khá mạnh sau khi giảm sâu trong năm 2022.
Tính tới ngày 27/1, theo Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có khối tài sản trị giá 4,5 tỷ USD, tăng 300 triệu USD so với hôm 13/1 và tăng 400 triệu USD so với ngày đầu năm 2023.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có thêm 200 triệu USD (so với đầu năm) lên 2,5 tỷ USD theo ghi nhận của Forbes.
Tỷ phú Trần Đình Long có tài sản tăng thêm 300 triệu USD. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh có thêm 200 triệu USD. Tính tới 27/1, tài sản của ông Quang và ông Hùng Anh tương ứng là 1,6 tỷ USD và 1,8 tỷ USD.
Như vậy, theo Forbes, tính đến 27/1/2023, Việt Nam có 6 tỷ phú USD so với con số 7 người như trong bảng xếp hạng hồi tháng 3/2022.
Tài sản ông Phạm Nhật Vượng tăng thêm 400 triệu USD so với đầu năm 2023, lên 4,5 tỷ USD. (Nguồn: Forbes). |
Các tỷ phú USD người Việt xếp lần lượt theo bảng danh sách của Forbes gồm: ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO hãng hàng không VietJet), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Ngân hàng Techcombank), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) và ông Trần Bá Dương và gia đình (ông chủ của nhà lắp ráp và sản xuất ô tô Thaco).
Ông Nguyễn Đăng Quang vượt lên trên ông Trần Bá Dương bởi cổ phiếu Masan tăng mạnh trong những ngày đầu năm 2023 nhờ triển vọng ngành bán lẻ - tiêu dùng tốt, đặc biệt trong dịp Tết kéo dài vừa qua.
Thống kê cho thấy, tính đến ngày 27/1, cả 6 tỷ phú USD Việt có tổng tài sản 13,7 tỷ USD, tăng 1,3 tỷ USD so với đầu năm 2023, nhưng vẫn kém xa so với mức 21,2 tỷ USD ghi nhận trong bảng xếp hạng hồi tháng 3/2022 (khi đó gồm có cả ông Bùi Thành Nhơn).
Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh tăng khá mạnh trong phiên đầu năm mới Quý Mão.
Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng giá ấn tượng và là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán. Trong phiên 27/1, cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng 1.800 đồng, lên 59.200 đồng/cp. Vinhomes (VHM) tăng 1.100 đồng, lên 53.300 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) tăng 650 đồng, lên 30.300 đồng/cp.
Cổ phiếu Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng 1.700 đồng, lên 103.700 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu dầu khí và bảo hiểm cũng tăng điểm. GAS tăng 3.700 đồng, lên 108.200 đồng/cp. Bảo Việt (BVH) tăng 1.100 đồng, lên 51.000 đồng/cp...
Sáu tỷ phú Việt có tổng tài sản đạt 13,7 tỷ USD. (Biểu đồ: Mạnh Hà). |
Ông Bùi Thành Nhơn chưa trở lại danh sách tỷ phú USD
Cổ phiếu NVL của Novaland giảm nhẹ ngay đầu năm mới Quý Mão (phiên ngày 27/1) sau khi đã giảm trong phiên cuối năm. Cổ phiếu NVL vẫn ở ngay mức thấp nhất trong lịch sử: 13.950 đồng/cp.
Ông Bùi Thành Nhơn hôm 18/11/2023 rớt khỏi danh sách tỷ phú USD do cổ phiếu NVL giảm sàn liên tục. Hồi tháng 3/2022, ông Nhơn được Forbes ghi nhận có tài sản là 2,9 tỷ USD.
Gia đình ông Nhơn trước khi tái cơ cấu nắm giữ khoảng 60% vốn Novaland. Cổ phiếu NVL giảm sàn 17 phiên liên tiếp hồi tháng 10-11/2022 và gia đình ông Nhơn bị bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu. Trước đó, ông Nhơn đã chuyển toàn bộ cổ phần NVL về doanh nghiệp của gia đình - NovaGroup. Novagroup sau đó bán một phần trong số 150 triệu cổ phiếu NVL đăng ký để tái cấu trúc toàn bộ Novaland.
Novagroup vừa công bố tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Novaland Hoàng Thu Châu đăng ký bán hơn 2 triệu cổ phiếu NVL trong khoảng thời gian từ 1/2-2/3. Bà Châu từng là kế toán trưởng NVL.
Chờ cú bứt phá của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Theo Bloomberg, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sớm trong những tháng đầu năm 2023 và huy động tối thiểu 1 tỷ USD.
Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng được kỳ vọng có thể sớm lọt top 40 người giàu nhất thế giới nếu thương vụ phát hành cổ phiếu VinFast IPO và niêm yết tại Mỹ thành công. Với ước tính trước đó, nếu VinFast IPO thành công tại Mỹ với định giá 60 tỷ USD như kỳ vọng, ông Vượng sẽ có thêm hàng chục tỷ USD.
Các đại gia bất động sản vẫn gặp khó
Nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn gặp khó và chưa tăng giá, giống như trường hợp Novaland.
PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt vẫn ở đáy lịch sử 13.700 đồng/cp. Trong năm 2022, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT của Phát Đạt ghi nhận khối tài sản giảm mạnh trên 20.000 tỷ đồng trong do cổ phiếu PDR lao dốc không phanh, từ mức trên 70.000 đồng/cp hồi đầu năm xuống còn 13.600 đồng/cp vào cuối năm 2022.
Chủ tịch HĐQT của Sunshine Group Đỗ Tuấn Anh ghi nhận khối tải sản giảm hàng chục nghìn tỷ trong năm qua do cổ phiếu giảm. Ông Đỗ Anh Tuấn (1975) hiện sở hữu nhiều cổ phiếu bất động sản, ngân hàng như: KLB, KSF, SCG và Sunshine Homes (SSH). Gần đây, Sunshine Homes và KLB gặp khó vì vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.
Nguồn:Đầu năm mới: Ông Phạm Nhật Vượng có thêm 400 triệu USD, tỷ phú Trần Đình Long bứt phá