Đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Long An (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mùa khô 2024 xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng thuộc các huyện vùng hạ của tỉnh, với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo đó, các xã Long Cang, Long Định (huyện Cần Đước) có khoảng 380 hộ bị thiếu nước do không đủ lượng nước cung cấp. Khu vực các xã Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Lại… huyện Cần Giuộc có khoảng 4.618 hộ thiếu nước. Thực tế cho thấy, cứ vào mùa khô, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Long An, nhất là khu vực nông thôn thường rơi vào cảnh "khát nước ngọt".
Trước thực trạng này, tỉnh đã tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước sinh hoạt; kêu gọi nguồn lực xã hội trong việc cấp nước, ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt, đưa các giếng khoan về trạng thái dự phòng; tuyên truyền, vận động người dân đấu nối hệ thống cấp nước tập trung, trang bị các thiết bị lọc nước để có nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt tại gia đình. Điển hình như huyện Tân Trụ thuộc vùng hạ của tỉnh Long An.
Huyện đã tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về sử dụng nước sạch; từng bước rà soát, điều chỉnh, cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước và các công trình cấp nước. Còn tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, huyện Thạnh Hóa đã bố trí nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung, đến nay cơ bản giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân.
Ngoài ra, huyện còn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định, đặc biệt là nâng cao công tác quản lý nguồn nước ngầm, phát huy hiệu quả nguồn nước mặt. Trong kế hoạch, Thạnh Hóa chú trọng nâng cấp các hệ thống cấp nước từ hợp vệ sinh lên nước sạch; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật nội dung cấp nước; đồng thời, kêu gọi người dân sử dụng nước sạch tiết kiệm, bền vững. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, hằng năm, Sở NN&PTNT chủ động đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch.
Trong đó, tập trung hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp nước nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 với các công trình có quy mô lớn liên xã, liên huyện; tiếp tục đề xuất kêu gọi xã hội hóa và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án lớn đã được phê duyệt sử dụng nguồn nước mặt xử lý đạt chất lượng.
TNN của Long An hiện đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. (Ảnh minh hoạ). |
Bên cạnh đó từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cấp nước nông thôn, tiến tới cấp nước an toàn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Lãnh đạo Sở TN&MT Long An cho biết, hiện nay, tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức trước ảnh hưởng BĐKH, nhiều khả năng tác động tiêu cực trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua đó, với góc độ chuyên môn, Sở TN&MT đề ra hàng loạt các giải pháp để quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước hiệu quả, bền vững, nhất là với nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trọng tâm là tham mưu và trình UBND tỉnh Long An ban hành quyết định về việc phê duyệt danh mục vùng cấm, hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất và các bản đồ phân vùng khai thác.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai kế hoạch yêu cầu trám lấp, đóng bít các giếng khoan khai thác nằm trong các khu, cụm công nghiệp đã có đường ống cấp nước tập trung nhằm bảo vệ nguồn TNN dưới đất. Lãnh đạo Sở TN&MT Long An thông tin thêm, thực tế trong những năm gần đây, do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nên những điểm sông, kênh, rạch trên địa bàn có lúc, có nơi nguồn nước bị ô nhiễm có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trước tình trạng này, tỉnh Long An yêu cầu tất cả chủ đầu tư hạ tầng khu/cụm công nghiệp, khu dân cư, doanh nghiệp hoạt động sản xuất phải có trách nhiệm kiểm tra hệ thống xử lý thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, đảm bảo phù hợp theo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Định kỳ hàng năm, Sở TN&MT đều triển khai thực hiện quan trắc nước mặt trên các tuyến sông, kênh, rạch chính nhằm ghi nhận, tổng hợp sự thay đổi về chất lượng nước qua các năm, làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp từng thời kỳ. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, khai thác và sử dụng TNN trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT Long An sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền phổ biến, triển khai Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời đánh giá nguồn nước mặt nội tỉnh và tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp khai thác TNN lắp đặt thiết bị, kết nối dữ liệu giám sát tự động, trực tuyến đối với công trình khai thác, sử dụng TNN theo quy định. Cùng với đó, Sở TN&MT tiếp tục xây dựng mạng lưới quan trắc nước dưới đất; khuyến khích các tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng nguồn TNN mặt hiện có, phát huy tối đa hiệu quả để phục vụ cấp nước sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.
Các cá nhân ưu tiên sử dụng nguồn TNN mặt hiện có để phục vụ sản xuất. (Ảnh minh hoạ). |
Ngoài ra đẩy mạnh xây dựng kế hoạch, lộ trình đóng bít các giếng khoan tại các huyện trọng điểm về công nghiệp, nơi có hệ thống cấp nước tập trung, không đảm bảo phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh, bảo đảm được nguồn nước cả về chất lượng lẫn lưu lượng để duy trì, bảo vệ TNN dưới đất theo quy định.
Để bảo vệ TNN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã ký quyết định phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Long An gồm 71 sông, kênh, rạch phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước và 12 ao, hồ, nguồn nước trong khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo tới UBND các huyện, thị xã, thành phố để niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn nơi có nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Hằng năm, căn cứ vào Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn và xây dựng phương án, kinh phí cắm mốc chi tiết sau khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch.
Bên cạnh đó, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Định kỳ năm năm tiến hành rà soát, điều chỉnh danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; chịu trách nhiệm khi để xảy ra việc lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn. Chỉ đạo UBND cấp xã trong việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn.
Đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm các yêu cầu: không được gây sạt, lở bờ sông, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, kênh, rạch, hồ chứa;…
Việc tăng cường quản lý, bảo vệ TNN là rất cấp thiết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước đang ngày càng phức tạp như hiện nay. Thời gian tới, tỉnh Long An cần có kế hoạch nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về lĩnh vực TNN cấp tỉnh, cấp huyện; tăng cường trang thiết bị, công cụ phục vụ công tác quản lý, nhất là công cụ phục vụ xử lý thông tin, đánh giá trong quá trình thẩm định, cấp phép để bảo vệ nguồn TNN hiệu quả.
Nguồn:Đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước