Đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng logistics
Tiềm năng lớn của thị trường logistics Việt Nam Hoàn thiện chính sách phát triển đồng bộ ngành logistics |
Tỉnh Gia Lai với vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng Tây Nguyên thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia, có hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ...
Gia Lai có sân bay Pleiku, nhiều quốc lộ chạy qua, có cửa khẩu và gần cảng biển tạo thuận lợi cho việc giao thương và phát triển kinh tế - xã hội. Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý sẵn có, Gia Lai đã hình thành và phát triển nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến được tỉnh quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay tỉnh có 03 khu công nghiệp chính là Khu công nghiệp Trà Đa, Khu công nghiệp Nam Pleiku và Khu công nghiệp - Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; quy hoạch 23 cụm công nghiệp với tổng điện tích 1.245,33 ha; trong đó có 13 cụm công nghiệp đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 466,53 ha. Nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: Cà phê, cao su, mía đường, sắn, chè, trái cây... tạo tiền đề phát triển công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh có trên 8.000 cơ sở tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến. Thời gian tới nhu cầu về logistics, đặc biệt là các dịch vụ logistics hỗ trợ bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Gia Lai rất lớn.
Xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại là cách để hỗ trợ dịch vụ logistics phát triển. Ảnh: BGL. |
Hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh gồm hai phương thức là đường bộ và hàng không. Với hạ tầng giao thông đường bộ là thông qua các tuyến quốc lộ, trong đó kết nối với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên qua đường Hồ Chí Minh, QL14C. Kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ qua đường Hồ Chí Minh. Kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung qua đường Trường Sơn Đông, QL25 và QL19 thuận lợi đi đến mọi miền của đất nước, đồng thời kết nối ra cảng biển Quy Nhơn thuận tiện trong giao thương quốc tế.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hiện có 305 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và container, với tổng số 1.314 xe được cấp phù hiệu (trong đó: 186 xe container, 237 xe đầu kéo và 891 xe tải) hoạt động vận tải trên địa bàn cả nước và quốc tế tại các tuyến quốd tế như Trung Quốc, Campuchia, Lào.
Mặc dù vậy, do những khó khăn về địa hình, nguồn vốn đầu tư nên hiện nay ngành logistics của tỉnh Gia Lai phát triển còn hạn chế, khó khăn. Do vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng phương thức đường bộ và chưa có các trung tâm logistics nên chi phí vận chuyển còn cao. Chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay chiếm khoảng 20 - 25% tổng chi phí, cao hơn mức trung bình của cả nước tới 16,8%, dẫn đến giảm tính cạnh tranh của hàng hóa.
Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hiện các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn; chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như hỗ trợ bảo quản đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Năng lực khai thác của hệ thống đường bộ trên địa bàn thấp, chưa có đường bộ cao tốc. Hệ thống các công trình hạ tầng giao thông còn thiếu tính đồng bộ. Kết nối với Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh/O Ya Dao thông qua quốc lộ 19 còn hạn chế. Chưa có hạ tầng phục vụ để hình thành trung tâm logistics của tỉnh và của vùng (gồm cả các cảng cạn ICD). Do đó, một trong những ngành dịch vụ quan trọng tỉnh đang thiếu, cần thúc đẩy phát triển là ngành logistics.
Nhằm góp phần xây dựng, phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh, làm đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa phát triển, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 1130/KH-UBND ngày 17/5/2023 Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2025, định hướng 2030.
Để thực hiện kế hoạch cũng như khai thác được tiềm năng, lợi thế, khắc phục những khó khăn trong phát triển ngành logistics nói chung, dịch vụ logistics nói riêng trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Binh cho rằng, giải pháp trong thời gian tới cần đặt ra đó là hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics; chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics.
Tỉnh Gia Lai cần gia tăng số lượng kho bãi hiện đại khi nhu cầu sản xuất tăng; thành lập các khu kho, bãi tập trung gần các khu, cụm công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung. |
Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh Gia Lai quản lý hoạt động thương mại trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cần sớm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, tích hợp dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực về đất đai, đầu tư, xây dựng, thương mại, hải quan, thuế, ngân hàng, giao thông vận tải…
Cùng với đó, cần triển khai Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bởi chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ đảm bảo các kết nối hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu kết nối hay ùn tắc giao thông. Tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng để kết nối cảng cạn (ICD), cảng biển, cảng hàng không trong địa bàn tỉnh và khu vực. Đảm bảo phát triển kết hợp giữa dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ liên quan. cần tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch; nghiên cứu, thu hút đầu tư, xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng.
Gia Lai cần gia tăng số lượng kho bãi hiện đại khi nhu cầu sản xuất tăng; thành lập các khu kho, bãi tập trung gần các khu, cụm công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung; nâng cấp và hình thành mới các kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho chuyên dùng để phục vụ hàng quá cảnh và trung chuyển.
Để tiếp tục phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của tỉnh, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, Bộ Công Thương khuyến nghị, chính quyền tỉnh Gia Lai tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và các nghị quyết, chính sách, chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ có liên quan đến vùng Tây Nguyên để làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đồng thời hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng tổ chức không gian phát triển và bố trí quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện phát triển hệ thống và các trung tâm logistics trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.
Nguồn:Đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng logistics