Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cảnh báo sớm thiên tai
Thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 đợt mưa lớn, trong đó có 2 đợt mưa gây ngập lụt diện rộng; chịu ảnh hưởng của 26 đợt không khí lạnh và 14 đợt nắng nóng. Trong năm, trên địa bàn xảy ra 7 vụ tai nạn tàu thuyền trên biển. Thiên tai đã làm 3 người chết, 3.936 nhà ở bị ngập, hơn 700 ha cây trồng bị hư hỏng, hơn 3.600 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi... Thiệt hại ước tính hơn 288 tỷ đồng.
Thực tiễn cho thấy, các loại hình thiên tai trên địa bàn Hà Tĩnh đang diễn biến theo hướng cực đoan, không theo quy luật, đặt ra yêu cầu bức thiết với ngành khí tượng thủy văn (KTTV) trong công tác dự báo, cảnh báo. Dự báo sớm, chính xác các hiện tượng thiên tai là điều kiện tiên quyết để đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; đánh giá thực trạng các cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai; đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống thiên tai...
Để nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, Ban quản lý các hồ chứa và các nhà máy thủy điện trên địa bàn Hà Tĩnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng phó với thiên tai. Những năm gần đây các nhà máy thủy điện trên địa bàn Hà Tĩnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý điều hành, vận hành.
Đặc biệt là ứng dụng các thiết bị công nghệ mới hiện đại, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, như mạng lưới quan trắc KTTV, hệ thống tự động dự báo lưu lượng nước về hồ, lưu lượng mưa và mực nước hồ chứa, trên cơ sở đó các đơn vị đã xây dựng kế hoạch sản xuất, vận hành điều tiết mực nước hồ phù hợp trong mùa mưa lũ. Những hệ thống, thiết bị hiện đại đã góp phần quan trọng giúp các nhà máy thủy điện thực hiện "mục tiêu kép", vừa vận hành an toàn hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng vừa nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.
Hệ thống tháp báo lũ thông minh được lắp đặt tại xã Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: BHT. |
Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn, Lãnh đạo Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Hà Tĩnh thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ giúp năng lực theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai được nâng cao. Dữ liệu KTTV hiện đã được số hóa 100% cho phép lưu trữ và khai thác được hầu hết các dữ liệu KTTV theo yêu cầu nghiệp vụ dự báo. Ngoài việc nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến;
Đài KTTV tỉnh còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả trong phòng, chống thiên tai. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động xấu của các loại hình thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Ngoài ra, Đài KTTV tỉnh đã phối hợp thường xuyên đưa thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai và các thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai lên trên website pctt.hatinh.gov.vn để người dân có thể tiếp cận. Hơn nữa, các thông tin về thiên tai cũng thường xuyên được cập nhật trên các nhóm zalo PCTT như, Thông tin thiên tai Hà Tĩnh, Hồ chứa Hà Tĩnh... một cách nhanh nhất và chính xác nhất.
Việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động cảnh báo, dự báo đã góp phần giúp các ngành, địa phương thực hiện kịp thời các giải pháp phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường.
Trước tình hình thiên tai trên địa bàn xảy ra phức tạp, UBND thành phố Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 14/5/2024 về Phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố năm 2024 với tinh thần “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”. Trọng tâm là chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chủ động chuẩn bị ứng phó để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; trong đó lấy con người làm trung tâm, lấy cộng đồng làm chủ thể.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác KTTV, cảnh báo sớm thiên tai là một trong những hoạt động để Hà Tĩnh triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hiện đại hóa Ngành KTTV đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030”.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ trong những năm gần đây, ngành KTTV của tỉnh Hà Tĩnh đã có những sự đột phá mạnh mẽ trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, chuyển đổi số vào trong các khâu từ quan trắc, truyền tin, xử lý dữ liệu, mang đến thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời trên địa bàn tỉnh, việc cảnh báo sự cố thiên tai từ sớm phục vụ đắc lực cho công tác phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hướng đến phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương thêm bền vững.
Nguồn:Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cảnh báo sớm thiên tai