Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gỗ Việt trên thị trường thế giới
Vì sao nhà đầu tư nên chọn ít nhất 1 cổ phiếu ESG trong danh mục đầu tư? Áp dụng khoa học công nghệ bảo vệ, phát triển sâm Ngọc Linh |
Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 300 làng nghề, 5.580 doanh nghiệp tham gia ngành chế biến gỗ; trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 97,8 %; doanh nghiệp quy mô lớn (trên 100 tỷ đồng) chỉ chiếm trên 2,2%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ từ các sản phẩm thô đến tinh xảo với kim ngạch bình quân mỗi năm đều trên 10 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 ở châu Á, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp lớn vừa sản xuất gỗ xuất khẩu, ván nhân tạo... đang sử dụng các công nghệ hiện đại của Châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp chế biến đồ gỗ tiêu thụ nội địa chủ yếu sử dụng công nghệ của Đài Loan và Trung Quốc. Ngành gỗ có trên 500.000 lao động, số lao động được đào tạo chiếm 55 - 60%, lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm 40 – 45%. Năng suất lao động bình quân tăng từ 17.000 USD/người/năm vào năm 2010 lên 25.000 USD/người/năm vào năm 2022. Giai đoạn 2017 – 2021, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 10,88 tỷ USD/năm, các thị trường lớn là Hoa Kỳ (52,3%), Nhật Bản (11,2%), Trung Quốc (10,8), EU (7,4%)... Nhập khẩu gỗ giai đoạn 2017 – 2021 đạt 2,51 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với thị trường nước ngoài, sản phẩm gỗ của chúng ta vẫn chưa ghi được dấu ấn. Cụ thể, gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải thông qua thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài chứ chưa thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng, điều này làm chúng ta mất khoảng 25 – 30% giá trị gia tăng của sản phẩm. Nguyên nhân của thực trạng này là do chính sách phát triển thương hiệu ngành chế biến gỗ chưa được thực hiện, các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam chưa có kinh nghiệm, không đủ nguồn lực về vốn, con người, trình độ quản lý để phát triển hệ thống bán hàng ở nước ngoài. Việc phát triển thị trường ở nước ngoài cũng đòi hỏi năng lực sản xuất quy mô lớn mà ít có doanh nghiệp Việt đáp ứng được.
Trước những thách thức của thị trường thương mại quốc tế, các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao khẳng định thương hiệu gỗ Việt Nam |
Tại Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó, ngành chế biến gỗ phải xây dựng và phát triển thương hiệu “Gỗ Việt”, khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng thương hiệu “Gỗ Việt”, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm gỗ của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Các chuyên gia nhận định, thị trường đồ nội thất của thế giới rất lớn, với giá trị thương mại khoảng 450 tỷ USD/năm, trong đó nội thất bằng gỗ khoảng 150 tỷ USD/năm. Trong khi, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, nên dư địa phát triển của ngành đến năm 2045 còn rất lớn. Một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ, UAE…Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh và nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ. Thị trường giàu tiềm năng nhưng làm sao để giữ vững được thị trường, định vị được thương hiệu của sản phẩm gỗ Việt trên bản đồ thế giới, đó là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Trước những thách thức về việc khẳng định thương hiệu của ngành gỗ Việt, Hiệp hội Gỗ Bình Định cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cộng đồng doanh nghiệp gỗ cả nước; coi xây dựng, phát triển thương hiệu là vấn đề cấp thiết gắn liền với tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển ngành và doanh nghiệp, hợp tác phát triển chuỗi liên kết trồng rừng chứng chỉ FSC, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Đồng thời, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tạo cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế, ngành gỗ nói riêng và các ngành hàng xuất khẩu nói chung, việc xây thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải chủ động xây dựng thương hiệu, cùng với đó cần phải quản trị thương hiệu một cách hiệu quả để có thể phát triển một cách bền vững.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNT có đề án phát triển quốc gia về sản phẩm gỗ, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển thương hiệu gỗ Việt tại một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU... Doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các tham tán thương mại tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động liên quan đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu gỗ Việt tại nước ngoài.
Nguồn:Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gỗ Việt trên thị trường thế giới