Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Indonesia
Xuất khẩu gạo tăng cao nhất trong nhóm nông sản chủ lực Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá |
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang châu Á ghi nhận mức tăng trưởng hơn 8%, trong đó thị trường các nước thuộc khu vực Đông Nam Á (ASEAN) tăng đến 27% so với cùng kỳ 2022. Tại thị trường các nước khu vực ASEAN, Indonesia có sự tăng trưởng đột biến khi tăng mua hầu hết các loại nông sản của Việt Nam. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang nước này như gạo, thủy sản, rau quả, cà phê... đều tăng mạnh.
Trong đó, 5 tháng đầu năm 2023, Indonesia nhập khẩu gần 400.000 tấn gạo, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính toàn khu vực ASEAN, gạo đạt mức tăng trưởng 54% so với cùng kỳ. Indonesia từ vị trí thứ 8 vươn lên top 3 quốc gia mua gạo Việt nhiều nhất, chỉ sau Philippines và Trung Quốc. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhu cầu thu mua gạo tăng đột biến của Indonesia là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã từng có kết nối với Indonesia.
Để tăng cường lượng xuất khẩu, Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường quảng bá thương hiệu gạo trong nước để có thể xuất khẩu gạo sang thị trường này. Để có thể cung ứng với số lượng gạo nhiều nhất cho đợt thu mua tới đây của Indonesia, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đặc biệt là là các doanh nghiệp đã và đang cung cấp gạo dự trữ quốc gia cho Indonesia cần chủ động sớm tiếp cận Cơ quan dịch vụ hậu cần quốc gia Indonesia (Preum Bulog) để quảng bá sản phẩm của mình.
Gạo là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Indonesia (Ảnh minh họa). |
Những mặt hàng nông sản khác như cà phê hay rau quả cũng có mức tăng trưởng ấn tượng 2 con số tại thị trường Indonesia. Tháng 5 vừa qua, dù kim ngạch còn khá khiêm tốn, song hầu hết mặt hàng nông sản của nước ta xuất khẩu sang Indonesia đều ghi nhận tăng trưởng mạnh. Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản đạt 4,12 triệu USD, cà phê đạt 17,5 triệu USD, đều tăng gấp đôi so với tháng 5/2022; rau quả đạt 0,83 triệu USD, gấp 1,7 lần; xuất khẩu gạo thu về 32,3 triệu USD, gấp 6 lần.
Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, nguyên nhân khiến nước này tăng nhập nông sản là do hiện tượng EL Nino xuất hiện có thể gây hạn hán tại nước này từ tháng 5 đến tháng 7. Do đó, Bộ này dự báo diện tích và sản lượng ở vụ thu hoạch tháng 7-8 đối với các mặt hàng nông sản có thể sụt giảm mạnh. Chính phủ Indonesia trước đó ra quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ năm nay, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá, hỗ trợ gạo cho 21,5 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác.
Ngoài Indonesia, nhiều quốc gia ở châu Á cũng đang tăng mua nông sản Việt do nguồn cung sụt giảm bởi ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Với thị trường Malaysia, do nền nông nghiệp nội địa phát triển không mạnh, thiếu lao động, sản lượng lương thực không đáp ứng đủ nhu cầu khiến Malaysia phải nhập khẩu nhiều nông sản, thực phẩm chế biến. Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết: Thu nhập khả dụng của người dân Malaysia đang trong xu hướng tăng, thúc đẩy nhu cầu sản phẩm nhập khẩu có chất lượng cao. Đây là những yếu tố tích cực thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thực phẩm của Việt Nam sang Malaysia, trong đó thuận lợi nhất là sữa và các sản phẩm từ sữa, nem, phở…
Các chuyên gia nhận định, thời gian vừa qua, các nước Đông Nam Á gia tăng nhập khẩu nông sản Việt Nam là do tình trạng hạn hán kéo dài, bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Ngành công thương phối hợp với ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng ứng phó với điều kiện thời tiết không ổn định.
ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với khu vực thị trường ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế như: Khoảng cách địa lý gần, thị hiếu, văn hóa có nhiều điểm tương đồng. Trong ASEAN có Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA); giữa Việt Nam và một số nước thành viên ASEAN có các thỏa thuận song phương tạo thuận lợi cho thương mại.
Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội lương thực và doanh nghiệp để dự đoán yếu tố tác động của thời tiết bất lợi và ảnh hưởng của nó đến thu hoạch chế biến trong nước, từ đó xây dựng các phương án để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời khai thác có hiệu quả nhất các thị trường đang có nhu cầu lớn sản phẩm gạo Việt Nam. Bộ Công Thương dự báo, các quốc gia Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới sẽ còn gia tăng nhập khẩu nông sản Việt trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần một mặt đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đóng gói của nước bạn để đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu nông sản Việt, một mặt tính toán cân đối để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Nguồn:Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Indonesia