Để ngành nhựa Việt Nam phát triển "xanh" hơn
HanoiPlasPrintPack 2023 – Triển lãm Quốc tế lần thứ 11 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành nhựa, cao su, in ấn và bao bì. Ảnh: VGP |
Hanoi PlasPrintPack được tổ chức hằng năm tại Hà Nội. Đây là hội chợ nối tiếp sự thành công của Hội chợ Vietnamplas được tổ chức hằng năm tại TPHCM và là hội chợ lớn nhất ngành nhựa hiện nay tại Việt Nam.
Sau một thời gian dài gián đoạn do dịch COVID-19, Hội chợ Hanoi PlasPrintPack đã trở lại và tiếp tục đón nhận sự hưởng ứng tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, với hơn 340 gian hàng từ 220 doanh nghiệp đến từ: Bỉ, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Vương quốc Anh và Việt Nam.
Có thể đáp ứng được 50% nhu cầu nhựa trong nước
Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành nhựa đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-12%/năm. Doanh thu ngành năm 2022 cũng đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ngành nhựa Việt Nam được ví như ngành gia công vì phần lớn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ 70-80% trong nhiều năm qua, máy móc thiết bị cũng được nhập khẩu gần như 100% từ các thị trường chính như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đức, Italy...
Năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt và kỳ vọng thời gian tới có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trong nước với sự tham gia của một số nhà máy cung ứng lớn như Hyosung, Tập đoàn SCG của Thái Lan, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
"Với xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như tại Việt Nam, thời gian tới, Chính phủ sẽ có chủ trương đẩy mạnh công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường như đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường được ban hành vào năm 2020. Điều đó sẽ góp phần gia tăng đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các nhà cung ứng thiết bị máy móc và nguyên vật liệu mới trong tương lai", ông Hồ Đức Lam nhận định.
Năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt và kỳ vọng thời gian tới có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trong nước. Ảnh: VGP |
Quy tụ các doanh nghiệp hàng đầu về nhựa
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, sự phát triển của ngành sản xuất trong nước, ngành công nghiệp nhựa, bao bì, in ấn được đánh giá là ngành công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng lớn ngày càng yêu cầu những sản phẩm có công nghệ cao, quy trình sản xuất và quản lý hiện đại để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Do đó, Triển lãm chuyên ngành Hanoi PlasPrintPack sẽ là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng giúp các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm đối tác, thị trường, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật, dịch vụ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm ngành công nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Triển lãm HanoiPlasPrintPack quy tụ các ngành công nghiệp hàng đầu về nhựa, cao su, in ấn và bao bì, nhằm thúc đẩy chuyển đổi và thúc đẩy phát triển công nghiệp ở miền Bắc, thu hút gần 130 đơn vị tham gia.
Ngành nhựa Việt Nam hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90%. Sản phẩm nhựa ngày càng hiện diện khắp nơi trong đời sống vì tính tiện ích, tham gia phục vụ cho nhiều nhóm ngành như dệt may, da giày, thủy sản, lương thực, điện tử, gia dụng, y tế, điện lạnh, xây dựng…
Nguồn:Để ngành nhựa Việt Nam phát triển 'xanh' hơn