Đề xuất giải quyết kiến nghị về cơ chế, chính sách thị trường tín chỉ carbon
Theo đó, tại Thông báo mới đây của Văn phòng Chính phủ về xử lý kiến nghị của Tỉnh ủy Cà Mau theo Thông báo số 109-TB/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng về kết quả chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Cà Mau, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết kiến nghị: Sớm ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khu vực Bán đảo Cà Mau; ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai; kết hợp đầu tư hoàn chỉnh tuyến đê biển, tuyến đường bộ ven biển. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải quyết kiến nghị: Nghiên cứu quy hoạch phát triển sản xuất quy mô lớn để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là xuất khẩu thủy sản vào thị trường Halal toàn cầu.
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết các kiến nghị về quy hoạch, đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Hòn Khoai và tuyến đường kết nối từ đất liền ra Cảng Hòn Khoai; Đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến: Quốc lộ 1 đoạn Cà Mau - Năm Căn, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi…
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết các kiến nghị về cơ chế và chủ trương cụ thể triển khai thực hiện Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau; Tăng cường hợp tác với ASEAN để xuất khẩu điện; Phát triển các dự án điện khí và LNG, các dự án hydroxanh, amoniac xanh từ nguồn điện năng lượng tái tạo.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết kiến nghị: Ban hành cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon, xem xét lựa chọn Cà Mau xây dựng và triển khai Đề án thí điểm khai thác, phát huy nguồn lợi tín chỉ cacbon từ rừng ngập mặn.
Với tiềm năng, lợi thế về rừng ngập mặn, đặc biệt là rừng U Minh Hạ rộng lớn, Cà Mau có nhiều triển vọng khai thác tín chỉ carbon. Ảnh minh họa.
Trước đó, chiều 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau. Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Cà Mau là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, do đó cần phát huy tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, không trông chờ, ỷ lại mà phải chủ động thực hiện các giải pháp ưu tiên để bảo đảm tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho đời sống của người dân.
Tổng Bí thư yêu cầu, địa phương phát huy hơn nữa vị trí địa kinh tế, quan tâm đến công tác quy hoạch và ưu tiên đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, bởi Cà Mau (cùng với Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang) là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi diện mạo kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tùy thuộc rất lớn vào vai trò nòng cốt mang tính động lực của kinh tế các tỉnh này. Do đó, Cà Mau cần khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết chặt chẽ với 3 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm nói riêng và các địa phương khác nói chung trong việc hoạch định chiến lược, huy động nguồn lực, cùng phát triển, cùng chia sẻ thành quả phát triển.
Đặc biệt, tỉnh cần có phương án tái bố trí dân cư theo hướng tập trung theo cụm nhằm tăng hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng (như đường giao thông, điện, nước, viễn thông, internet…) và giảm chi phí cung cấp các dịch vụ công như y tế, giáo dục, dịch vụ hành chính công. Qua đó xóa bỏ tình trạng cư trú phân tán, tập trung đất đai cho nhu cầu dự án đầu tư lớn cũng như phát triển mở rộng sau này.
Tổng Bí thư cũng đề nghị Cà Mau, tiếp tục đẩy nhanh tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động và khơi thông mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển kinh tế- xã hội; tập trung cải cách hành chính và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đồng bộ, toàn diện ở khu vực công và khu vực tư nhân, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, y tế; khơi dậy vốn văn hóa bản địa giàu bản sắc, là một trong những nguồn lực để phát triển.
Vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh
Cà Mau có vị trí rất quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Mảnh đất Cà Mau giàu truyền thống cách mạng. Mỗi di tích đều ghi dấu tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông trong lịch sử đấu tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên. Chính môi trường tự nhiên và xã hội cùng với khí chất Nam Bộ miền sông nước Cửu Long đã hun đúc nên con người Cà Mau với những phẩm chất cao quý, hào sảng, dũng cảm, nghĩa tình và hết lòng yêu quê hương, đất nước.
Theo Báo cáo của Tỉnh ủy Cà Mau, đến năm 2025, dự báo có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Kinh tế đang phục hồi, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) dự báo tăng khoảng 6,53%; quy mô kinh tế tăng 1,4 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người ước đạt 72,6 triệu đồng/người/năm (tăng 36,2% so với năm 2020); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cà Mau dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm. Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 64/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 33%, diện mạo nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,56%/năm; hiện hộ nghèo chỉ còn 0,95%. Du lịch từng bước khẳng định được thương hiệu, uy tín. Cà Mau có nhiều nghề truyền thống, thể hiện những kỹ năng, sự tài hoa và khéo léo của con người nơi đây, góp phần đa dạng hóa nét văn hóa, từ đó làm phong phú sản phẩm du lịch của Cà Mau.
Bên cạnh những thành tựu và mặt tích cực, tỉnh Cà Mau cũng thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những khó khăn, hạn chế như: Ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng sụt lún, sạt lở bờ biển, bờ sông phức tạp; tăng trưởng kinh tế vẫn dưới mức tiềm năng, chưa ổn định và chất lượng tăng trưởng chưa cao; tiềm năng du lịch chưa được khai thác tốt; giảm nghèo chưa bền vững; hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, phối hợp của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa quyết liệt…/.
Nguồn: Đề xuất giải quyết kiến nghị về cơ chế, chính sách thị trường tín chỉ carbon