Điểm tin ngân hàng ngày 10/10: "Big 4" đạt lợi nhuận trước thuế gần 120.000 tỷ đồng
Điểm tin ngân hàng ngày 9/10: Agribank niêm yết 10.000 tỷ đồng trái phiếu mới Điểm tin ngân hàng ngày 8/10: Gần 16% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm |
Big 4 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế gần 120.000 tỷ đồng
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình tài chính và hoạt động của khối ngân hàng thương mại nhà nước trong năm 2023, nhóm 4 ngân hàng lớn nhất (Big 4) gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV đã ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt 119.682 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2022.
Big 4 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế gần 120.000 tỷ đồng |
Đến cuối năm 2023, tổng nợ xấu của nhóm ngân hàng này đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước, với tỷ lệ nợ xấu là 1,29%, giảm nhẹ so với 1,32% năm 2022. Tổng doanh thu của nhóm Big 4 đạt 662.987 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm trước.
Tổng nguồn vốn của khối ngân hàng thương mại nhà nước đạt 8.218.023 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2022. Hoạt động cho vay cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh, với cho vay khách hàng đạt 5.938.588 tỷ đồng, tăng 12,9%.
Trong năm 2023, các ngân hàng đã xử lý thành công 174.338 tỷ đồng nợ xấu, với tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 18,62% và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) đạt 1,17%. Tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ các ngân hàng này lên tới 37.238 tỷ đồng, trong đó Agribank dẫn đầu với 12.282 tỷ đồng.
Công khai lãi suất tiền gửi tại địa điểm giao dịch
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định về lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo thông tư này, lãi suất tiền gửi không được vượt quá mức tối đa do Thống đốc NHNN quy định cho các loại tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, và tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, tổ chức tín dụng sẽ áp dụng lãi suất dựa trên cung cầu vốn trên thị trường.
Lãi suất tối đa cho tiền gửi bằng đồng Việt Nam sẽ bao gồm cả các khoản khuyến mại dưới mọi hình thức và sẽ được công khai niêm yết tại địa điểm giao dịch cũng như trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng. Thông tư cũng quy định rằng các tổ chức tín dụng không được thực hiện các hình thức khuyến mại trái với quy định pháp luật khi nhận tiền gửi.
Thông tư 48/2024 có hiệu lực từ ngày 20/11/2024, thay thế Thông tư số 07/2014. Các thỏa thuận lãi suất tiền gửi trước thời điểm này vẫn tiếp tục được thực hiện theo thỏa thuận cho đến hết thời hạn đã cam kết. Sau khi hết hạn, nếu khách hàng không đến lĩnh tiền gửi, tổ chức tín dụng sẽ áp dụng lãi suất mới theo quy định của Thông tư này.
Saigonbank triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 vào lúc 08h30 ngày 1/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị 272, quận 3, TP HCM. Thời gian chốt danh sách cổ đông là ngày 3/10/2024.
Ảnh minh họa |
Đại hội sẽ tập trung vào việc bầu nhân sự cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029 cùng các nội dung quan trọng khác.
Theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 200 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm, tuy nhiên giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 32.412 tỷ đồng, vốn điều lệ 3.388 tỷ đồng, thấp nhất trong số các ngân hàng niêm yết.
Ngân hàng cũng cho biết, các chương trình hỗ trợ lãi suất đã ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần, giảm 3% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động chỉ tăng 8%, chủ yếu đầu tư vào nâng cấp hệ thống bảo mật và phát triển sản phẩm tài chính số. Dư nợ tín dụng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào sản xuất và tiêu dùng.
Saigonbank đặt mục tiêu năm 2024 sẽ đạt tổng tài sản 32.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 368 tỷ đồng, và kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Ông Bùi Xuân Dũng làm Phó tổng giám đốc VietABank
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc tuyển dụng chính thức và bổ nhiệm ông Bùi Xuân Dũng giữ chức Phó tổng giám đốc ngân hàng. Theo đó, ông Dũng được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc VietABank từ ngày 7/10, thời hạn 12 tháng.
Theo thông tin ngân hàng cung cấp, ông Dũng sinh năm 1976, trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông Dũng có hơn 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - đầu tư, từng nắm giữ nhiều vị trí quản lý cao cấp tại các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, VietABank không thông tin cụ thể về quá trình công tác của ông Dũng.
Như vậy, ngoài ông Dũng, Ban điều hành VietABank còn có 3 thành viên khác, với quyền Tổng giám đốc là ông Nguyễn Văn Trọng và 2 Phó tổng giám đốc là ông Trần Tiến Dũng và ông Phạm Linh. Ngân hàng đã 3 năm không có Tổng giám đốc chính thức. Trong đó, ông Nguyễn Văn Trọng được tái bổ nhiệm giữ chức quyền Tổng giám đốc từ ngày 25/6. Thông tin về ông Trọng được ngân hàng giới thiệu chi tiết, cả về kinh nghiệm lẫn quá trình công tác.
Hồi tháng 3, ngân hàng này ra quyết định miễn nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc với ông Cù Anh Tuấn ngay trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2024.
Mới nhất, tháng trước, ông Nguyễn Đình Tùng đã rời vị trí Tổng giám đốc tại OCB và gia nhập VietABank với vai trò cố vấn HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban Chiến lược tại ngân hàng này. Thông tin chi tiết về quá trình công tác của ông Tùng cũng được ngân hàng thông tin.
Trong HĐQT ngân hàng, ông Phương Thành Long là Chủ tịch từ năm 2021. Ông Long sinh năm 1983, là con trai của ông Phương Hữu Lĩnh - anh trai của cựu Chủ tịch VietABank Phương Hữu Việt. Ông Phan Văn Tới là Phó chủ tịch HĐQT, 2 thành viên HĐQT là ông Trần Tiến Dũng và ông Nguyễn Hồng Hải. Có một thành viên HĐQT độc lập là ông Lê Hồng Phương.
VPBank ký hợp đồng tín dụng 150 triệu USD với JBIC để thúc đẩy năng lượng tái tạo
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 150 triệu USD với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và truyền tải điện tại Việt Nam. Lễ ký kết diễn ra vào ngày 9/10/2024, có sự tham dự của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ito Naoki, và Giám đốc Điều hành Cấp cao của JBIC, ông Ogawa Kazunori.
VPBank ký hợp đồng tín dụng 150 triệu USD với JBIC để thúc đẩy năng lượng tái tạo |
Khoản vay này sẽ hỗ trợ mục tiêu quốc gia về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo cam kết tại Hội nghị COP 26. Dự kiến, số tiền sẽ được giải ngân cho các doanh nghiệp và dự án trong lĩnh vực phát triển lưới điện và năng lượng tái tạo, có tác động tích cực đến môi trường.
Sự kiện này không chỉ khẳng định lòng tin của các định chế tài chính quốc tế đối với VPBank mà còn củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhật Bản hiện là một trong ba quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 76 tỷ USD.
Trước khoản vay từ JBIC, VPBank đã huy động thành công nhiều khoản vay tài chính bền vững lớn, tiếp tục thể hiện cam kết của ngân hàng trong việc phát triển tài chính bền vững tại Việt Nam.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 10/10: "Big 4" đạt lợi nhuận trước thuế gần 120.000 tỷ đồng