Điểm tin ngân hàng ngày 11/7: Xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền: Lo ngại về rủi ro deepfake
Điểm tin ngân hàng ngày 10/7: Các ngân hàng giải ngân 480.000 tỷ đồng trong tháng 6 |
Chuyển tiền giá trị lớn phải xác thực khuôn mặt: Lo ngại về rủi ro deepfake
Theo Quyết định 2345, các giao dịch chuyển tiền giá trị lớn phải xác thực khuôn mặt, gây lo ngại về rủi ro công nghệ deepfake. Ngân hàng Nhà nước thống kê có hơn 180 triệu tài khoản thanh toán cá nhân đang hoạt động, với thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh. Tuy nhiên, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng tinh vi.
Để ngăn chặn lừa đảo, Quyết định 2345 yêu cầu xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt cho các giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng 20 triệu đồng mỗi ngày. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng yêu cầu các ngân hàng áp dụng eKYC chống giả mạo và công nghệ deepfake.
Ông Vũ Mạnh Hưng, Giám đốc phát triển sản phẩm Ngân hàng số VPBank cũng nhấn mạnh rằng, dù công nghệ deep fake càng ngày càng phát triển giúp hacker vượt qua nhiều thứ nhưng công nghệ phòng chống deep fake cũng đang được nâng cao. Hiện tại, các ngân hàng có thể phòng chống đến 99% deep fake nên hoàn toàn có thể an tâm.
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh cần nâng cao cảnh báo các giao dịch bất thường để giảm thiệt hại từ lừa đảo, do nhiều người dân mất hàng chục tỷ đồng và có ngân hàng thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa có biện pháp giám sát hiệu quả.
NHNN đưa ra ba giải pháp đối phó áp lực tỷ giá
Theo Chứng khoán KB (KBSV), tỷ giá liên ngân hàng USD/VND diễn biến căng thẳng khi liên tục áp sát và vượt ngưỡng bán ra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại 25.450, tăng 4,9% kể từ đầu năm. Dù NHNN đã can thiệp bằng cách bán khoảng 6 tỷ USD nhưng tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt do nhu cầu nhập khẩu cao, xu hướng giữ USD ở nước ngoài của doanh nghiệp và DXY ở mức cao.
Ảnh minh họa |
Để đối phó với áp lực tỷ giá dự kiến duy trì ít nhất đến giữa quý 3, KBSV cho rằng NHNN sẽ thực hiện đồng bộ ba giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục bán ngoại tệ: NHNN đã bán ngoại tệ trong 3 tháng qua, nhưng dự trữ ngoại hối hiện tại đã gần mức khuyến cáo của IMF, tương đương 3 tháng nhập khẩu. Dư địa để NHNN tiếp tục bán ngoại tệ không nhiều nếu không muốn ảnh hưởng đến tín nhiệm quốc gia. Vì vậy, cần thực hiện thêm các giải pháp khác để giảm nhu cầu USD trên thị trường.
Thứ hai, nâng lãi suất tiền đồng: NHNN đã nâng lãi suất OMO và tín phiếu lần lượt là 0,5 và 3,1 điểm % so với đầu năm 2024. KBSV cho rằng NHNN sẽ tiếp tục nâng lãi suất để duy trì mặt bằng lãi suất thị trường cao, giảm giao dịch đầu cơ tỷ giá, đồng thời tăng lãi suất huy động ở mức độ phù hợp, qua đó làm tiền đồng hấp dẫn hơn.
Thứ ba, nâng giá bán USD: Trong bối cảnh VND mất giá ở mức trung bình thấp so với các đồng tiền trong khu vực và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, KBSV dự đoán NHNN có thể nâng giá bán USD và tỷ giá trung tâm, chấp nhận để VND mất giá hơn 5%.
KBSV cũng dự báo tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt trong quý 4, với tăng cả năm là 4,5%, đạt 25.360 USD/VND. Nguồn cung ngoại tệ dự kiến sẽ cải thiện khi xuất khẩu tăng, kiều hối đổ về và FED cắt giảm lãi suất, giảm áp lực lên tỷ giá.
MB tăng lãi suất tiết kiệm, lãi suất cao nhất gần 6%/năm
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ hôm qua (10/7) với mức tăng từ 0,1-0,3%/năm.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo biểu lãi suất tiết kiệm của ngân hàng MB áp dụng cho khoản tiền gửi dưới 500 triệu VNĐ, hình thức lãi trả sau:
Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 tháng tăng 0,2%/năm, lên mức 2,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3%/năm, lên mức 3,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2%/năm, lên mức 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1%/năm, lên mức 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1%/năm, lên mức 4,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng tăng 0,1%/năm, lên mức 5,7%/năm.
Đối với khoản tiền gửi từ 500 triệu đồng đến dưới 3 tỷ đồng, ngân hàng MB có sự điều chỉnh tăng thêm 0,05%/năm đối với một số kỳ hạn
Trong khi đó, biểu lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng gửi trực tuyến tăng trung bình 0,2-0,4%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng. Hiện lãi suất tiết kiệm online mà ngân hàng MB áp dụng cho kỳ hạn 24-36 tháng là 5,9%/năm.
Kể từ đầu tháng 7, thị trường đã ghi nhận 7 ngân hàng tăng lãi suất bao gồm SeABank, Eximbank, VIB, BaoVietBank, SaigonBank, VietBank, MB.
Hiện nay, chỉ một số ít ngân hàng đang niêm yết lãi suất từ 6-6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng bao gồm: OceanBank, NCB,... Các ngân hàng MB, PGBank, VietBank, và BaoViet Bank đồng niêm yết mức 5,9%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng.
NHNN quy định giới hạn cho thuê tài chính qua phương tiện điện tử
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 26/2024/TT-NHNN quy định chi tiết về hoạt động cho thuê tài chính, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Theo thông tư này, hoạt động cho thuê tài chính là cấp tín dụng trung và dài hạn dựa trên hợp đồng giữa bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính, trong đó bên cho thuê tài chính mua và nắm giữ quyền sở hữu tài sản cho thuê, còn bên thuê tài chính sử dụng và thanh toán tiền thuê theo hợp đồng.
Thông tư quy định rằng các giao dịch cho thuê tài chính có thể được xét duyệt qua phương tiện điện tử với giới hạn không vượt quá 500 triệu đồng. Việc xét duyệt này phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và an toàn, bảo mật cho dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng.
Cụ thể, bên cho thuê tài chính tự quyết định và chịu rủi ro phát sinh khi thực hiện xét duyệt qua phương tiện điện tử, đồng thời phải đảm bảo các tiêu chuẩn an ninh, an toàn và bảo mật theo quy định của NHNN và pháp luật. Các thông tin, dữ liệu liên quan phải được lưu trữ an toàn, đầy đủ và có thể kiểm tra, đối chiếu khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.
Thông tư cũng yêu cầu hệ thống thông tin thực hiện xét duyệt tài chính qua phương tiện điện tử phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên. Điều này nhằm đảm bảo tính an toàn và bảo mật trong hoạt động ngân hàng.
Thông tư 26/2024/TT-NHNN đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ điện tử trong việc nâng cao hiệu quả và minh bạch trong hoạt động cho thuê tài chính, đồng thời giảm thiểu rủi ro và tăng cường bảo vệ quyền lợi của người dùng dịch vụ ngân hàng.
VIB ra mắt gói vay nhà phố 30.000 tỷ, lãi suất chỉ 5,9%
Ngày 9/7, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã chính thức ra mắt gói vay mua nhà phố với tổng hạn mức lên tới 30.000 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhà đang dần phục hồi trong quý 3 năm 2024.
Ảnh minh họa |
Đây là gói vay lớn nhất từ trước đến nay của VIB, với mục đích mang đến cho khách hàng cá nhân nguồn vốn dễ dàng tiếp cận, với các lãi suất cố định hấp dẫn và quy trình vay đơn giản, nhanh chóng. Đặc biệt, sản phẩm này còn hỗ trợ đặc biệt cho khách hàng đang vay tại các ngân hàng khác.
Gói vay có 3 lựa chọn lãi suất cố định trong 6, 12 và 24 tháng, từ chỉ 5,9%, giúp khách hàng giảm bớt áp lực tài chính và dòng tiền ổn định. Ngoài ra, khách hàng chuyển sang VIB còn được hỗ trợ giảm thêm 0,4% lãi suất.
Khác biệt với các sản phẩm khác trên thị trường, gói vay của VIB còn án hạn trả gốc lên tới 48 tháng, cùng với thủ tục nhanh chóng và thanh toán linh hoạt. Điều này giúp giảm bớt áp lực tài chính ban đầu cho khách hàng khi sở hữu căn nhà mới.
Theo VIB, sản phẩm này nhắm đến nhu cầu thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, với cam kết cung cấp mức lãi suất và dịch vụ tốt nhất, hỗ trợ khách hàng trong việc thực hiện giấc mơ sở hữu nhà ở.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 11/7: Xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền: Lo ngại về rủi ro deepfake