Điểm tin ngân hàng ngày 12/10: Kiều hối về TP HCM đạt gần 5.500 tỷ USD trong 9 tháng
Điểm tin ngân hàng ngày 11/10: VietinBank dự kiến lợi nhuận 2024 đạt 26.300 tỷ đồng Điểm tin ngân hàng ngày 10/10: "Big 4" đạt lợi nhuận trước thuế gần 120.000 tỷ đồng |
Kiều hối về TP HCM đạt gần 5,500 tỷ USD trong 9 tháng
Mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM thông tin, 9 tháng đầu năm, lượng kiều hối về TP HCM đạt 5,485 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa |
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, qua số liệu của các tổ chức, công ty kiều hối tại TP HCM thì lượng kiều hối về TP HCM qua 14 công ty kiều hối chiếm khoảng 77,4% trong tổng nguồn kiều hối chuyển về.
Khu vực châu Á vẫn đóng góp tỷ trọng cao nhất, chiếm 56% kiều hối chảy về thành phố. So với cùng kỳ năm trước, lượng kiều hối chảy từ khu vực này tăng trưởng mạnh gần 50%, nhờ nguồn nhân lực và thị trường lao động tích cực.
Mục tiêu đề án chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP HCM từ nay đến năm 2030, việc duy trì và triển khai thực hiện chính sách về thị trường ngoại hối, thu hút kiều hối, đảm bảo duy trì nguồn lực kiều hối đảm bảo tốc độ tăng trưởng 10%/năm.
Theo ông Lệnh, dù quý III có giảm so với quý 2, nhưng với tốc độ và cơ cấu này thì hoàn toàn đạt được mục tiêu tăng trưởng kiều hối 10%/năm như đề án của thành phố đã đề ra.
Giá trị thương hiệu của VPBank đạt 1,35 tỷ USD
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố giá trị thương hiệu năm 2024 đạt 1,35 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm 2023, theo báo cáo từ Brand Finance. Với kết quả này, VPBank đã lọt vào Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam và cải thiện thứ hạng thêm 1 bậc so với năm trước.
Báo cáo "Việt Nam 100 2024" của Brand Finance cho thấy chỉ số sức mạnh thương hiệu của VPBank đạt 73,2 trên thang điểm 100. VPBank không chỉ đứng trong Top 10 thương hiệu hàng đầu mà còn nằm trong Top 6 ngân hàng có giá trị thương hiệu mạnh nhất tại thị trường Việt Nam.
Trong vòng 8 năm qua, giá trị thương hiệu của VPBank đã có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 56 triệu USD năm 2016 lên gần 1,4 tỷ USD hiện nay. Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành của Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, cho biết sự gia tăng này là kết quả của tầm nhìn đầu tư dài hạn, nỗ lực truyền thông và chính sách phát triển nhân sự hiệu quả.
Lĩnh vực ngân hàng, cùng với thực phẩm, được Brand Finance đánh giá là có khả năng phục hồi tốt nhất trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đóng góp lớn vào tổng giá trị thương hiệu trên thị trường. Tổng giá trị thương hiệu của 20 ngân hàng năm nay đã tăng 10%, lên 13,8 tỷ USD.
Nửa đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đã tăng gần 68% so với cùng kỳ, đạt hơn 8,6 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng cũng nằm trong số hai ngân hàng nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam với tổng số tiền 5.977 tỷ đồng.
BIDV mở rộng thêm 6 điểm bán vàng viếng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo sẽ mở thêm 6 điểm bán vàng miếng SJC tại TP HCM và Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân. Các điểm bán mới sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 14/10/2024, cụ thể:
Ảnh minh họa |
Tại Hà Nội, BIDV sẽ mở 4 điểm bán vàng mới tại:
Chi nhánh Sở Giao dịch 1, Tháp A Vincom, 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; Chi nhánh Hà Thành, 74 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm; Chi nhánh Ngọc Khánh, Tòa nhà Thái Nam Building, lô E2 đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy; Chi nhánh Quang Trung, Toà nhà Prime Center, số 53, phố Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng.
Tại TP HCM, 2 điểm bán mới sẽ được mở tại:
Chi nhánh TP HCM, 134 Nguyễn Công Trứ, quận 1; Chi nhánh Phú Nhuận, Tòa nhà SkyGate, 36-38 Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận.
Việc mở thêm điểm bán vàng này nhằm giải quyết tình trạng khó khăn trong việc mua vàng tại các ngân hàng và cửa hàng, nơi mà số lượng điểm bán vàng miếng SJC còn hạn chế.
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể mua vàng miếng online thông qua website hoặc ứng dụng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn và 4 ngân hàng thương mại quốc doanh: Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank. Để mua vàng online, khách hàng cần có tài khoản tại ngân hàng và số tiền tối thiểu trong tài khoản đủ để mua 1 lượng vàng miếng SJC. Mỗi người chỉ được đăng ký mua 1 lượng vàng và sẽ nhận được mã xác nhận sau khi đăng ký thành công.
SHB miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc
Ngày 11/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo về việc thay đổi nhân sự tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Cụ thể, Hội đồng Quản trị ngân hàng đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với bà Hoàng Thị Mai Thảo vì lý do sức khỏe, quyết định có hiệu lực ngay từ ngày hôm nay.
Bà Thảo, sinh năm 1973, có trình độ thạc sĩ kinh tế và hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bà gia nhập SHB từ năm 2010 và từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch HĐTV SHB Finance và Giám đốc Khối Hỗ trợ. Bà được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh từ ngày 8/1/2021 với thời hạn 3 năm.
Sau quyết định miễn nhiệm, ban điều hành của SHB còn 7 thành viên, trong đó bà Ngô Thu Hà giữ chức vụ Tổng Giám đốc và ông Đỗ Quang Vinh là Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT.
Liên quan đến hoạt động của ngân hàng, SHB cũng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2024, với tổng giá trị huy động dự kiến là 5.000 tỷ đồng, chia thành 2 đợt. Việc phát hành sẽ diễn ra từ quý 4/2024 đến quý 1/2025, nhằm bổ sung vốn cấp 2 và phục vụ nhu cầu cho vay cho các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.
Rà soát các ngân hàng có tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ 2 thấp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nhận kiến nghị từ cử tri tỉnh Khánh Hòa liên quan đến tình trạng người vay vốn bị “cưỡng ép” mua bảo hiểm để được giải ngân. Cử tri đề nghị NHNN tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.
Rà soát các ngân hàng có tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ 2 thấp |
Trả lời kiến nghị, NHNN khẳng định pháp luật nghiêm cấm hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm, theo Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm và có trách nhiệm kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng.
Trong thời gian qua, NHNN đã có nhiều chỉ đạo nhằm chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu các ngân hàng không gắn việc bán bảo hiểm với việc cung ứng dịch vụ ngân hàng. NHNN cũng đã triển khai các biện pháp kiểm tra nội bộ và tăng cường giám sát hoạt động bảo hiểm tại các chi nhánh.
Bên cạnh đó, NHNN đã bổ sung nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào kế hoạch thanh tra năm 2023, yêu cầu chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm.
Để đảm bảo hiệu quả phối hợp trong quản lý hoạt động bảo hiểm, NHNN và Bộ Tài chính đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý phản ánh liên quan đến dịch vụ bảo hiểm của các tổ chức tín dụng. Điều này đánh dấu bước tiến mới trong việc phát triển thị trường tài chính và bảo hiểm một cách an toàn và bền vững.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 12/10: Kiều hối về TP HCM đạt gần 5.500 tỷ USD trong 9 tháng