Điểm tin ngân hàng ngày 13/7: HDBank chào bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng
Điểm tin Ngân hàng ngày 12/7: Dư nợ tín dụng tại TP HCM tăng vọt trong tháng 6 Điểm tin ngân hàng ngày 11/7: Xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền: Lo ngại về rủi ro deepfake |
HDBank chào bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank - mã: HDB) vừa thông báo chào bán đợt 2 trái phiếu ra công chúng với mã HDBC7Y202302. Mệnh giá của mỗi trái phiếu là 100.000 đồng, tổng giá trị phát hành đạt 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và là nợ thứ cấp, thỏa mãn điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của HDBank.
Ảnh minh họa |
Lãi suất của trái phiếu được tính theo công thức: Lãi Suất Tham Chiếu + biên độ 2,8%/năm, với lãi suất tham chiếu dựa trên lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank. Lãi suất được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn của trái phiếu và được thanh toán hàng năm.
Thời gian nhận đăng ký mua trái phiếu từ ngày 17/07/2024 đến ngày 07/08/2024, với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Trái phiếu sẽ được bán trực tiếp tại trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch của HDBank và qua đại lý phát hành là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội. Nhà đầu tư cá nhân phải mua tối thiểu 500 trái phiếu, còn nhà đầu tư tổ chức phải mua tối thiểu 1.000 trái phiếu.
Theo kế hoạch, HDBank sẽ chào bán 3 đợt trái phiếu ra công chúng với tổng cộng 50 triệu trái phiếu. Đợt 1 đã chào bán 30 triệu trái phiếu, đợt 2 và đợt 3 mỗi đợt 10 triệu trái phiếu. Đợt 3 dự kiến diễn ra trong quý II - quý IV/2024 nhằm bổ sung nguồn vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn và phục vụ nhu cầu cho vay khách hàng.
Quý I/2024, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 7.752 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 46,8%. Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của HDBank đạt 602.552 tỷ đồng. HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 16.000 tỷ đồng, tăng 21,8%, với tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.
Lãi suất thuê tài chính không vượt quá 10%/năm khi chậm trả
Theo Thông tư 26/2024/TT-NHNN, nếu bên thuê tài chính không trả tiền lãi đúng hạn, họ sẽ phải chịu mức lãi suất không vượt quá 10%/năm trên số tiền lãi chậm trả. Đây là một trong những nội dung chính của thông tư này, quy định về hoạt động cho thuê tài chính của các công ty tài chính tổng hợp và công ty cho thuê tài chính.
Thông tư nêu rõ, cho thuê tài chính là hoạt động cấp tín dụng trung và dài hạn, theo đó bên cho thuê mua tài sản cho thuê theo yêu cầu của bên thuê và giữ quyền sở hữu tài sản trong suốt thời hạn thuê. Bên thuê sử dụng tài sản và thanh toán tiền thuê theo hợp đồng.
Bên cho thuê tài chính sẽ quyết định cho thuê khi bên thuê đáp ứng các điều kiện về năng lực pháp luật, mục đích sử dụng tài sản hợp pháp, khả năng tài chính, và thời hạn hoạt động phù hợp. Thông tư cũng cho phép bên cho thuê tài chính và bên thuê tài chính thỏa thuận về lãi suất cho thuê.
Nếu bên thuê không trả đủ nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng, họ sẽ phải trả lãi suất quá hạn không vượt quá 150% lãi suất cho thuê trong hạn ngay trước thời điểm quá hạn. Quy định này áp dụng cho việc cho thuê tài chính bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp được phép cho thuê bằng ngoại tệ.
BIDV cho vay thêm được gần 20.000 tỷ chỉ trong vòng 10 ngày
Theo số liệu mới được ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/6 đạt 5,83%.
Ảnh minh họa |
Trước đó, chia sẻ tại một hội nghị mới đây, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm thông tin rằng, tăng trưởng tín dụng của BIDV cập nhật hết ngày 17/6 đạt 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ so với cuối năm 2023.
Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 6, dư nợ tín dụng của BIDV đã mở rộng thêm 1,13 điểm % so với cuối năm 2023. Với dư nợ tín dụng cuối năm 2023 đạt hơn 1,747 triệu tỷ đồng, lượng vốn BIDV bơm ra nền kinh tế trong 10 ngày cuối tháng 6 đạt gần 20.000 tỷ đồng.
Diễn biến tăng trưởng tín dụng tại BIDV khá tương đồng với tình hình chung của các tổ chức tín dụng khác, khi số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tín dụng toàn nền kinh tế ghi nhận mức tăng ấn tượng trong tháng 6.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái. Trước đó, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 5/2024 mới đạt 2,41% và đạt 3,79% tính đến ngày 14/6.
Như vậy, chỉ riêng tháng 6, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 487.000 tỷ đồng, cao hơn so với tổng mức tín dụng tăng được trong 5 tháng đầu năm. Riêng hai tuần cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mở rộng thêm gần 300.000 tỷ đồng.
Quy định mức trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng
Ngày 11/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2024/NĐ-CP quy định mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập và sử dụng dự phòng trong hoạt động của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo Nghị định, tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể cho các nhóm nợ của tổ chức tín dụng (không bao gồm tổ chức tài chính vi mô) như sau:
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn): 0%; Nhóm 2 (Nợ cần chú ý): 5%; Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): 20%; Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ): 50%; Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): 100%
Đối với tổ chức tài chính vi mô, tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể là:
Nhóm 1: 0%; Nhóm 2: 2%; Nhóm 3: 25%; Nhóm 4: 50%; Nhóm 5: 100%
Mức trích lập dự phòng chung cho các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4, trừ một số khoản như tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác và khoản mua trái phiếu Chính phủ. Đối với tổ chức tài chính vi mô, mức trích lập là 0,5%.
Thời điểm trích lập dự phòng được quy định như sau: Trong 7 ngày đầu tiên của tháng, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề. Đối với tháng đầu tiên của quý, trong 3 ngày kể từ khi nhận danh sách khách hàng từ CIC, các tổ chức tín dụng phải điều chỉnh số tiền trích lập dự phòng dựa trên kết quả phân loại nợ.
Nghị định này nhằm đảm bảo việc quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng, giúp các tổ chức tín dụng duy trì sự ổn định và bền vững trong hoạt động kinh doanh.
Sáu ngân hàng cam kết cho vay 12 doanh nghiệp hơn 176 tỷ đồng
Ngày 12/7, tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và Đối thoại doanh nghiệp Quý II trên địa bàn quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, 6 ngân hàng thương mại ACB, Agribank, Vietcombank, VietBank, MB, Sacombank cam kết cho 12 doanh nghiệp vay 176,5 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2024 đến nay thông qua Chương trình này, các tổ chức tín dụng đã giải ngân vốn tín dụng vào quận Bình Tân hơn 14.700 tỷ đồng cho hơn 8.206 khách hàng. Các khoản vay ngắn hạn bằng VND có lãi suất không quá 6%/năm, 9%/năm đối với cho vay trung dài hạn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp hàng năm các tổ chức tín dụng đăng ký một gói tín dụng.
Năm 2024, có 17 tổ chức tín dụng đăng ký một gói tín dụng, trong đó thực hiện cho vay mới, giảm lãi vay cũ, tăng hạn mức tín dụng, gia hạn nợ.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau 6 tháng đầu năm nay tình hình doanh nghiệp trên địa bàn bước đầu vượt qua những khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Các ý kiến của doanh nghiệp đặt câu hỏi trong phần đối thoại nhận thấy đều tập trung vào tín dụng, lãi suất, doanh nghiệp khó khăn do hết tài sản không đủ điều kiện vay vốn.
Qua trao đổi, sắp tới UBND quận sẽ làm việc với Hội doanh nghiệp trên địa bàn, nếu có khó khăn từ phía chính quyền địa phương sẽ xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 13/7: HDBank chào bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng