Điểm tin ngân hàng ngày 15/11: Đồng đô la tăng mạnh, tỷ giá USD/VND xác lập kỷ lục mới
Điểm tin ngân hàng ngày 14/11: NHNN ban hành các quyết định mới về lãi suất tiền gửi Điểm tin ngân hàng ngày 13/11: Lãi suất giảm, người dân vẫn "ngại" vay mua nhà vì giá cao |
Đồng đô la tăng mạnh, tỷ giá USD/VND xác lập kỷ lục mới
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, đồng USD đã tăng gần 1.100 đồng, tương đương mức tăng 4,4% so với đồng Việt Nam (VND). Đặc biệt trong tháng 10 và tháng 11, VND đã mất hơn 3% giá trị so với USD.
Tỷ giá USD/VND xác lập kỷ lục mới (Ảnh minh họa) |
Trong phiên giao dịch ngày 14/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá trung tâm, tăng thêm 2 đồng, đạt mức kỷ lục mới 24.290 VND/USD. Với biên độ giao dịch 5%, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại hiện được phép dao động trong khoảng từ 23.076 - 25.504 VND/USD. Tỷ giá mua - bán USD tại Sở Giao dịch NHNN cũng được giữ nguyên ở mức 23.400 - 25.450 VND/USD.
Theo khảo sát vào lúc 10h sáng cùng ngày, hầu hết các ngân hàng lớn đều niêm yết giá bán USD tại mức cao nhất lịch sử là 25.504 VND/USD. Đây là mức tỷ giá cao nhất trong hơn 3 tuần qua, khi tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng liên tục sát mức trần cho phép.
Chênh lệch giữa giá mua và giá bán USD hiện dao động từ 300 - 360 đồng/USD, cao hơn nhiều so với mức chênh lệch trên thị trường tự do (chỉ khoảng 100 đồng/USD). Điều này phản ánh áp lực tỷ giá vẫn đang rất căng thẳng.
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh một phần do chỉ số USD Index (DXY) đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2023, lên tới 106,5 điểm. Đồng USD mạnh lên chủ yếu nhờ vào các yếu tố từ thị trường quốc tế, bao gồm sự gia tăng kỳ vọng vào các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và nhu cầu ngoại tệ gia tăng trong nước.
NHNN đang triển khai các biện pháp như phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ để kìm chế đà tăng của tỷ giá, nhằm giảm bớt sức ép từ cung cầu ngoại tệ trong nước. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng.
Tập đoàn Bảo Việt sắp chi 745 tỷ đồng chi trả cổ tức
Tập đoàn Bảo Việt (BVH) sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10,037% vào ngày 20/11. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận được 1.003,7 đồng.
Với tổng cộng hơn 742,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Bảo Việt dự kiến sẽ chi khoảng 745 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 19/11/2023, và thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 20/12/2023.
Hết quý III/2024, Bảo Việt ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 42.122 tỷ đồng. Phần lớn nguồn thu này đến từ hoạt động bảo hiểm với 32.110 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính đạt 9.480 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động khác đạt 458 tỷ đồng và doanh thu khác là 74 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý III/2024 đạt 561 tỷ đồng, còn trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận đạt 1.619 tỷ đồng, tăng lần lượt 21,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, Bảo Việt cho biết lợi nhuận tăng trưởng tích cực nhờ sự phục hồi của mảng kinh doanh bảo hiểm so với năm trước.
Bảo Việt sở hữu 86.198 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, 27.972 tỷ đồng tiền gửi dài hạn, 67.478 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và 26.084 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Tổng nợ phải trả của Bảo Việt tăng 7,9% so với đầu năm, đạt 214.466 tỷ đồng, chủ yếu do dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm chiếm 182.250 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn ghi nhận 24.503 tỷ đồng từ giao dịch mua bán lại trái phiếu, gồm 11.923 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Bảo Việt và 12.581 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).
Thanh tra tài chính kiến nghị xử lý gần 8.000 tỷ đồng trong tháng 10
Theo Bộ Tài chính, trong tháng 10, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 7.876 cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị; kiểm tra 44.385 hồ sơ tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 7.815.693 triệu đồng.
Ảnh minh họa |
Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 1.998.907 triệu đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 5.816.786 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 394.552 triệu đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ 1.185.478 triệu đồng.
Riêng Thanh tra Bộ đã ban hành 2 kết luận thanh tra gồm: Thanh tra hành chính Bộ Giao thông Vận tải; công tác quản lý ngân sách nhà nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Kiến nghị xử lý tài chính 901.801 triệu đồng, trong đó kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 395.000 triệu đồng, xử lý tài chính khác 506.801 triệu đồng. Trong kỳ, các đơn vị đã xử lý nộp ngân sách nhà nước số tiền 2.431 triệu đồng; ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 435 triệu đồng.
Toàn hệ thống thuế đã thực hiện 7.620 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 44.281 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý tài chính qua thanh tra, kiểm tra là 6.840.924 triệu đồng, bao gồm kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 1.531.290 triệu đồng; xử lý tài chính khác 5.309.634 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 369.917 triệu đồng. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.132.401 triệu đồng.
Ngành hải quan đã thực hiện 104 cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị; kiểm tra 104 hồ sơ sau thông quan tại trụ sở cơ quan. Kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 72.120 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 23.825 triệu đồng. Số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính là 50.260 triệu đồng.
Chính phủ yêu cầu hoàn thiện phương án xử lý đối với SCB trong tháng 12
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện toàn diện, hiệu quả hơn nữa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, kiên trì các mục tiêu đề ra, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,4% - 7,6%, cả năm đạt trên 7% và hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024.
Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại; hoàn thiện phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tháng 12; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; thực hiện quyết liệt các biện pháp thu ngân sách nhà nước năm 2024, phấn đấu vượt ít nhất thêm 15% dự toán Quốc hội giao.
Viet A Bank tham gia vào đường đua tăng lãi suất
Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) bất ngờ điều chỉnh mạnh lãi suất huy động, với mức tăng đồng loạt ở tất cả các kỳ hạn, đưa lãi suất cao nhất chạm ngưỡng 6%/năm. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên sau gần 5 tháng, kể từ ngày 27/6/2024.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,3%/năm, lên 3,7%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng 0,4%/năm, đạt 3,9%/năm. Kỳ hạn 3 tháng cũng tăng 0,3%/năm, chạm mức 4%/năm. Các kỳ hạn 4-5 tháng được điều chỉnh lên 4,1%/năm, tăng 0,3%/năm so với trước.
Đáng chú ý, Viet A Bank tăng 0,4%/năm cho kỳ hạn 6-8 tháng, đưa lãi suất lên 5,2%/năm. Kỳ hạn 9-11 tháng tăng tới 0,6%/năm, lên mức 5,4%/năm, đánh dấu mức tăng mạnh nhất đợt này.
Ở các kỳ hạn dài, lãi suất cũng được điều chỉnh nhưng ở mức nhẹ hơn. Kỳ hạn 12-13 tháng tăng 0,3%/năm, đạt 5,7%/năm; kỳ hạn 15 tháng tăng tương tự, lên 5,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 18 và 24 tháng lần lượt được điều chỉnh lên 5,9%/năm.
Đặc biệt, kỳ hạn 36 tháng đã chính thức chạm mốc 6%/năm, tăng thêm 0,2%/năm, đưa Viet A Bank vào nhóm ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất thị trường.
Kể từ đầu tháng 11/2024, đã có tổng cộng 7 ngân hàng tăng lãi suất, bao gồm những tên tuổi lớn như Agribank, Techcombank, ABBank, VIB, MB, VietBank và Viet A Bank.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 15/11: Đồng đô la tăng mạnh, tỷ giá USD/VND xác lập kỷ lục mới