Điểm tin ngân hàng ngày 24/7: Đề xuất giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội
Điểm tin ngân hàng ngày 22/7: Lãi suất vay mua bất động sản giảm |
Đề xuất giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội
Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ dự thảo nghị quyết sửa đổi gói 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội, với đề xuất giảm lãi vay mua nhà ở xã hội xuống 3% so với mức lãi suất bình quân của ngân hàng.
Đề xuất giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội/Ảnh minh họa. |
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đề xuất này sẽ tăng mức ưu đãi lãi suất thêm 1% so với mức hiện tại là 2%. Lãi suất cho vay sẽ được xác định lại mỗi 3 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay. Thời gian vay ưu đãi cũng được đề xuất kéo dài từ 3 năm lên 5 năm, với lãi suất tiếp tục giảm sau 5 năm tùy theo điều kiện kinh tế, tối thiểu là 1-2%/năm.
Về chính sách cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xây dựng dự án nhà ở xã hội, ông Tú cho biết vẫn sẽ áp dụng như hiện nay, đồng thời khuyến khích các ngân hàng và tập đoàn kinh tế lớn tham gia thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, cho biết hiện đã có 34/63 tỉnh, thành công bố 78 dự án nhà ở xã hội thuộc đối tượng được vay gói tín dụng này. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện giải ngân. Tính đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được 1.344 tỷ đồng từ gói tín dụng này.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạ lãi suất 2 lần kể từ khi triển khai vào tháng 4, với lãi suất ưu đãi hiện tại là 8%/năm cho doanh nghiệp và 7,5%/năm cho người mua nhà. Nếu đề xuất mới được thông qua, lãi suất cho người dân sẽ giảm xuống còn 6,5%/năm trong 5 năm.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã triển khai 503 dự án nhà ở xã hội với quy mô 418.200 căn, trong đó đã hoàn thành 75 dự án và khởi công 128 dự án khác. Các địa phương cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
SeABank đạt lợi nhuận hơn 3.238 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - mã SSB) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.238 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Số dư CASA cũng tăng mạnh, đạt 20.038 tỷ đồng, tăng 59%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của SeABank đạt hơn 3.238 tỷ đồng, trong khi tổng thu thuần (TOI) tăng 43% lên 6.011 tỷ đồng. Thu thuần ngoài lãi (NOII) của ngân hàng tăng 39%, đạt 1.268 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng thu thuần. Hiệu quả hoạt động của SeABank cũng được cải thiện với ROE ở mức 16,38% và ROA đạt 1,88%.
Tổng huy động tiền gửi và GTCG của SeABank đạt 160.926 tỷ đồng, tăng ròng 16.139 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng mạnh lên 20.038 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,4% tổng huy động. Tổng dư nợ cho vay khách hàng của SeABank đạt 185.959 tỷ đồng, trong đó tín dụng xanh tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,91%.
Tính đến hết ngày 30/06/2024, tổng tài sản của SeABank là 280.658 tỷ đồng và vốn điều lệ ngân hàng ở mức 24.957 tỷ đồng. Ngân hàng đang triển khai phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 và 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần, nâng vốn điều lệ lên 28.350 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, SeABank huy động thành công 255 triệu USD từ các tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm khoản vay 30 triệu USD từ Norfund, đầu tư 75 triệu USD từ IFC và AIIB, và khoản vay 75 triệu USD từ IFC. Ngân hàng cũng được vinh danh bởi nhiều tổ chức quốc tế như Forbes, CNBC và Fortune.
Agribank thanh lý 10.000 trái phiếu cầm cố của Công ty Đua Fat
Agribank Chi nhánh Tây Hồ vừa thông báo bán đấu giá tài sản là quyền lợi phát sinh từ tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đua Fat theo hợp đồng cầm cố tài sản ký ngày 18/11/2019.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, tài sản là trái phiếu do Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam phát hành. Mã trái phiếu là AGRIBANK192601. Số lượng trái phiếu rao bán là 10.000 trái phiếu. Mệnh giá trái phiếu là 1.000.000 đồng/trái phiếu. Kỳ hạn trái phiếu là 7 năm.
Agribank cung cấp thêm thông tin, ngày đáo hạn của lô trái phiếu là ngày 24/09/2026. Đây là tài sản thuộc sở hữu của Công ty Đua Fat cầm cố để đảm bảo cho khoản vay của công ty này tại Agribank Chi nhánh Tây Hồ. Công ty Đua Fat đã bàn giao tài sản bảo đảm cho Agribank Chi nhánh Tây Hồ xử lý theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ. Giá khởi điểm của tài sản là 10 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Đua Fat được thành lập từ năm 2009, doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực san lấp mặt bằng, xử lý nền móng công trình, phá dỡ các kết cấu công trình và cấu kiện xây dựng...
Trước đó vào cuối năm 2023, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội từng công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 01 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 11/2023 (số liệu tính đến hết ngày 30/11/2023).
Trong danh sách này có tên Công ty Đua Fat (MCK: DFF) có địa chỉ tại: Số 15 liền kề 10, khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) chậm đóng BHXH 18 tháng với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước mở rộng chính sách hỗ trợ tài chính cho Vietnam Airlines
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 42/2024/TT-NHNN, mở rộng chính sách hỗ trợ tài chính cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ hãng hàng không quốc gia vượt qua hậu quả của đại dịch COVID-19.
Thông tư này nhằm thực hiện Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội, cho phép Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần đối với dư nợ tái cấp vốn của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay. Theo đó, khoản tái cấp vốn sẽ được gia hạn tự động 5 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại, mỗi lần gia hạn bằng thời hạn tái cấp vốn và tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn không quá 6 năm.
Trước đó, Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội đã cho phép Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần đối với dư nợ tái cấp vốn của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay. Vào tháng 11/2020, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines, trong đó 4.000 tỷ đồng là khoản vay tái cấp vốn với lãi suất 0% qua 3 ngân hàng thương mại SeABank, MSB, SHB và 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu. Đến cuối năm 2023, Vietnam Airlines đã thanh toán 220 tỷ đồng lãi vay cho 3 ngân hàng thương mại này.
Động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ đối với Vietnam Airlines trong bối cảnh hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, cho biết năm nay hãng đặt mục tiêu cân đối thu chi với nhiều giải pháp linh hoạt.
6 tháng đầu năm, ACB đạt 10.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế
Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (mã ACB) đạt mức lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tiếp tục thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
ACB đạt 10.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế/Ảnh minh họa. |
Riêng quý II/2024, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tốt về quy mô, cải thiện phí dịch vụ và kiểm soát chi phí chặt chẽ. Tỷ lệ ROE của ACB tiếp tục duy trì ở mức cao 23,4%, dẫn đầu thị trường về mức độ hiệu quả.
Cụ thể, huy động của ACB đạt 512.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với đầu năm, vượt so với tăng trưởng bình quân ngành. Tỷ lệ CASA đạt 22%, nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.
Trong khi đó, tín dụng của ACB đạt 550.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,8% so với đầu năm, tăng gấp đôi so với bình quân ngành và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần một thập niên qua.
Nhờ tăng trưởng tốt về quy mô cũng giúp thu nhập lãi của ngân hàng ACB tăng 11% so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao với 13%, chủ yếu đến từ các sản phẩm cốt lõi như phí thẻ, thanh toán quốc tế..., đưa tổng thu nhập lũy kế 2 quý đầu năm đạt 16,8 nghìn tỷ, tăng trưởng 5,5%.
Trong 6 tháng đầu năm, ACB vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường. Đến cuối quý II/2024, tỷ lệ nợ xấu của ACB ở mức 1,5% chủ yếu tăng theo tình hình chung của thị trường và bị tác động bởi nhóm nợ kéo theo CIC.
Các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước được ACB tuân thủ nghiêm ngặt với tỷ lệ LDR là 82,2%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17,6%.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 24/7: Đề xuất giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội