Điểm tin ngân hàng ngày 24/9: MSB đề xuất xây dựng bộ tiêu chí mới và chính sách phát triển dự án xanh
Điểm tin ngân hàng ngày 23/9: Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đạt gần 8% Điểm tin ngân hàng tuần qua: Giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng sau bão số 3 |
MSB đề xuất xây dựng bộ tiêu chí mới và chính sách phát triển dự án xanh
Chiều 21/9, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đại diện Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và phục hồi kinh tế.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB, cho biết dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã tăng khoảng 7,15% tính đến đầu tháng 9, với sự chuyển biến tích cực từ tháng 4.
Trong 8 tháng đầu năm, MSB ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 15,5%, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ. Ngân hàng cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng, trong đó có gói 15.000 tỷ VND với lãi suất từ 6-7,5% cho doanh nghiệp.
Ngoài hoạt động kinh doanh, MSB còn tích cực hỗ trợ cộng đồng, như triển khai gói hỗ trợ 2.000 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Trong phần tham luận, ông Linh đề xuất Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng xanh, duy trì chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển tín dụng xanh. Ông nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng bộ tiêu chí đánh giá dự án xanh và khuyến khích các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế. Những chính sách này sẽ không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
PGBank có Quyền Tổng Giám đốc mới
Ngày 23/9/2024, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank ) đã chính thức trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hương vào vị trí Quyền Tổng Giám đốc.
Được biết, ông Nguyễn Văn Hương, sinh năm 1980, có hơn 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
Ông tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Đầu tư, và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Trong sự nghiệp của mình, ông đã đảm nhiệm nhiều vị trí từ cán bộ tín dụng, lên cấp quản lý khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân, cũng như các kênh bán hàng quan trọng tại các ngân hàng quốc doanh và cổ phần lớn.
Trong đó, ông Hương từng làm việc tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và gần đây nhất ông đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Vị trí Tổng Giám đốc PGBank đã được để trống kể từ tháng 4/2024 đến nay. Cụ thể, ngày 19/4, bà Đinh Thị Huyền Thanh đã có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc PGBank kể từ ngày 25/4 vì nguyện vọng cá nhân.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 26/8 vừa qua, trả lời câu hỏi của cổ đông về những biến động vị trí lãnh đạo cấp cao ngân hàng, ông Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT PGBank cho biết, trong thời gian qua, ngân hàng cần phải thực hiện việc tái cơ cấu và chuyển đổi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, theo đề án tái cơ cấu đã được NHNN chấp thuận, theo đó thay đổi nhân sự là yêu cầu mấu chốt, cần thiết để thực hiện tái cơ cấu ngân hàng.
Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ tăng, bảo hiểm nhân thọ giảm
Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm 8 tháng ước đạt 145,45 nghìn tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước (gồm: lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 51,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 93,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7,3%).
Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ tăng, bảo hiểm nhân thọ giảm/Ảnh minh họa |
Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 56,8 nghìn tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 815,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%.
Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 971,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 645,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơn bão Yagi vừa qua, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến 17h00 ngày 12/9, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin khoảng hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2024, số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 11.063 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 28,32%. Trong đó, 22/32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường.
Đáng chú ý, 10 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 3 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cao là: PTI (52,72%), Liberty (48,86%) và Bảo Việt (42,29%).
Sắp có cơ chế mới về cho vay lãi suất 0% và không có tài sản đảm bảo
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm.
Theo NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có một số điều khoản quy định việc cho vay đặc biệt lãi suất 0%/năm, không tài sản bảo đảm và việc sửa đổi, bổ sung biện pháp cho vay đặc biệt lãi suất 0%/năm, không tài sản đảm bảo thì Ngân hàng Nhà nước đều phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài ra, để thực hiện việc cho vay đặc biệt, cần có có nhiều nội dung, trong đó có các nội dung cơ bản bao gồm điều kiện tổ chức tín dụng được vay, các yếu tố chính của khoản cho vay (mục đích, số tiền, thời hạn, lãi suất, tài sản đảm bảo) và trình tự, thủ tục xem xét, quyết định.
Các nội dung mang tính kỹ thuật cũng cần quy định thêm như về tài sản đảm bảo (loại /điều kiện/cách tính giá trị, việc xử lý tài sản); quy định về việc trả nợ vay đặc biệt (trường hợp trả nợ, số tiền trả nợ, biện pháp xử lý khi không trả được nợ); quy trình giữa các bên liên quan và việc triển khai sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản quyết định.
Tuy nhiên, hiện tại trong dự thảo Quyết định, NHNN chỉ điều chỉnh các nội dung cơ bản, đây là các nội dung quan trọng, cần thiết đưa vào dự thảo Quyết định để làm cơ sở Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thủ tướng giao NHNN quy định một số nội dung chi tiết, mang tính kỹ thuật.
BIDV rao bán khoản nợ thế chấp bằng nhiều lô đất, biệt thự tại Bắc Ninh
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Từ Sơn vừa thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Mạnh Hồng Thái và Công ty TNHH Xử lý môi trường Tiến Thảo. Tổng dư nợ tạm tính đến hết ngày 12/8/2024 là 77,7 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Mạnh Hồng Thái nợ 48,4 tỷ đồng và Công ty TNHH Xử lý môi trường Tiến Thảo nợ 29,3 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Khoản nợ này được thế chấp bằng nhiều bất động sản, bao gồm:
Ba quyền sử dụng đất tại Khu đô thị Đền Đô, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, mỗi lô có diện tích trung bình từ 271-273m2, được cấp giấy chứng nhận từ năm 2014.
Nhà biệt thự chưa được chứng nhận quyền sở hữu, xây dựng trên 3 thửa đất tại cùng địa chỉ, với diện tích xây dựng tầng 1 là 373 m2 và tổng diện tích sàn là 1.293 m2.
Nhà tổ chức sự kiện 2 tầng tại thửa đất số 203, tờ bản đồ số 21, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, với diện tích xây dựng 1.614 m2 và diện tích sàn hơn 3.200 m2.
Quyền thuê và khai thác từ 2 thửa đất tại xã Xuân Giang, với diện tích lần lượt là 9.327m2 và 65.823m2.
Giá khởi điểm cho toàn bộ khoản nợ này được xác định là 74,5 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí liên quan đến chuyển quyền sở hữu và đăng ký. Người trúng đấu giá sẽ chịu trách nhiệm cho các chi phí này. Theo BIDV, giao dịch mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.