Điểm tin ngân hàng ngày 25/9: Đề xuất tăng hơn 20.000 tỷ đồng vốn cho Vietcombank
Điểm tin ngân hàng ngày 24/9: MSB đề xuất xây dựng bộ tiêu chí mới và chính sách phát triển dự án xanh Điểm tin ngân hàng ngày 23/9: Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đạt gần 8% |
Đề xuất tăng hơn 20.000 tỷ đồng vốn cho Vietcombank
Chiều 24/9, trong phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với số tiền lên tới hơn 20.695 tỷ đồng.
Đề xuất tăng hơn 20.000 tỷ đồng vốn cho Vietcombank/Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ Thống đốc, nguồn vốn bổ sung này sẽ được lấy từ cổ tức bằng cổ phiếu của cổ đông Nhà nước từ lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận năm 2021 của Vietcombank. Việc đầu tư này được coi là cấp thiết để nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, giúp Vietcombank phấn đấu trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á và khẳng định vai trò "sếu đầu đàn" trong ngành tài chính - ngân hàng.
Bà Hồng nhấn mạnh rằng việc tăng cường vốn Nhà nước tại Vietcombank không chỉ giúp ngân hàng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu mà còn tạo điều kiện để thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế, như chính sách tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc đầu tư bổ sung này sẽ nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và mở rộng hoạt động tín dụng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí về sự cần thiết của việc bổ sung vốn này và đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để gửi tới đại biểu Quốc hội trước ngày 1/10. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Vietcombank, đồng thời khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc bảo đảm tính chính xác của số liệu và quy mô đầu tư.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phải hoàn trả ngân sách Nhà nước 2.000 tỷ đồng
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phải hoàn trả gần 2.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước do không thể khởi công xây dựng các công trình mới trong suốt 4 năm qua. Thông tin này được PGS.TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết tại buổi họp báo gần đây.
Theo ông Tứ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã quy hoạch xây dựng nhiều công trình như hạ tầng chung, tòa nhà, phòng thí nghiệm tại các trường thành viên, nhưng hiện vẫn chưa thể triển khai do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, vướng mắc trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng đối với 11% diện tích đất còn lại. Đến tháng 6/2024, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thu hồi được 573,07 ha trên tổng số 643,7 ha, nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý với chính quyền địa phương, gây cản trở tiến độ.
Nguyên nhân thứ hai là các vấn đề pháp lý và chậm trễ trong phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Cuối cùng, vướng mắc trong quy định đấu thầu đối với trang thiết bị phục vụ nghiên cứu cũng gây ảnh hưởng lớn đến giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nơi có gần 100.000 sinh viên và 6.000 giảng viên.
Ông Tứ cũng nhấn mạnh rằng, những vấn đề này có thể làm chậm tiến độ hoặc thậm chí hủy bỏ Dự án Phát triển Đại học Quốc gia Việt Nam, với thời hạn hoàn thành dự án là năm 2025. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét việc ủy quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch các dự án thành phần, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động xây dựng.
“Chúng tôi mong muốn được áp dụng cơ chế đặc thù, cho phép Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết và quyết định về trang thiết bị trong phạm vi nhất định”, ông Tứ chia sẻ.
Tại sao Quỹ đầu tư phát triển An Giang có tỷ lệ nợ xấu cao?
Thanh tra tỉnh An Giang vừa công bố kết luận thanh tra về hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao tại quỹ này.
Ảnh minh họa |
Được thành lập vào ngày 3/10/2012 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang hiện có tổng số vốn hơn 104 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết luận, trong hoạt động tín dụng, quỹ đã ban hành một số quy định không phù hợp với Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến quy trình tín dụng không tuân thủ các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang đạt 80 tỷ đồng, trong đó nợ xấu lên tới 43,6 tỷ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ. Mặc dù nợ xấu đã giảm trong những năm 2020-2021, nhưng đã gia tăng trở lại vào năm 2022-2023. Bốn khoản cho vay lớn thuộc diện nợ xấu bao gồm các dự án đầu tư cho Hợp tác xã Nông nghiệp, Trường Mầm non Dế Mèn, Bệnh viện Đa khoa Huỳnh Trung Dũng, Khu Thương mại Vĩnh Thạnh Trung.
Bên cạnh đó, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang cũng không thu hồi được 39 tỷ đồng vốn tạm ứng từ hai dự án, trong khi lợi nhuận hàng năm vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với khoản lỗ hơn 9 tỷ đồng trong năm 2023. Thanh tra tỉnh An Giang đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang giai đoạn 2020-2023.
Để cải thiện tình hình, thanh tra đề xuất Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang khẩn trương thu hồi nợ xấu và tổ chức họp rút kinh nghiệm cho các cá nhân liên quan, nhằm bảo toàn vốn điều lệ và xử lý khoản lỗ của năm 2023.
Ước tính chi trả hơn 64 nghìn tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm trong 9 tháng
Thống kê của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 978.906 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 141.357 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 837.549 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 821.241 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 83.576 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 737.665 tỷ đồng.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 652.239 tỷ đồng, tăng 12,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.428 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 618.811 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 202.803 tỷ đồng (tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 41.682 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 161.121 tỷ đồng.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm cùa toàn ngành trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 165.518 tỷ đồng (giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.541 tỷ đồng, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm trước; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 106.977 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo số liệu từ Cục, chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 64.070 tỷ đồng, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.621 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 46.449 tỷ đồng.
SeABank chuẩn bị triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường
Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) ngày 24/9 có thông tin việc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, Mã: SSB) sẽ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, lấy ý kiến việc ứng cử, đề cử thêm hai nhân sự bổ sung vào Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham gia Đại hội đồng cổ đông bất thường là ngày 14/10.
Ảnh minh họa |
Các cổ đông/nhóm cổ đông theo danh sách được chốt tại ngày 16/9 sở hữu từ 10% vốn điều lệ sẽ có quyền đề cử ứng viên.
Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2024, Ban Kiểm soát của SeABank có ba thành viên, gồm bà Vũ Thị Ngọc Quỳnh là Trưởng ban, ông Nguyễn Thành Luân và bà Vũ Thu Thủy là Thành viên chuyên trách.
Đại hội cũng dự kiến sẽ thông qua quy chế của HĐQT, Ban Kiểm soát và một số vấn đề khác. Nội dung chi tiết được đem ra thảo luận tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vẫn chưa được ngân hàng công bố.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu SSB đóng cửa ở mức 16.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 22% so với đầu năm nay. So với mức đỉnh lịch sử 26.250 đồng/cổ phiếu đạt được vào đầu tháng 8/2023, cổ phiếu SSB đã giảm tới 37%.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 25/9: Đề xuất tăng hơn 20.000 tỷ đồng vốn cho Vietcombank