Điểm tin ngân hàng ngày 29/11: Nới room tín dụng cho các ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế
Điểm tin ngân hàng ngày 28/11: Yêu cầu ổn định lãi suất tiền gửi, hướng đến giảm lãi vay Điểm tin ngân hàng ngày 27/11: Trái phiếu xanh sôi động nhờ bảo lãnh từ các tổ chức nước ngoài |
Nới room tín dụng cho các ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế
Ngày 28/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) năm 2024 cho các tổ chức tín dụng (TCTD), nhằm đảm bảo cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc điều chỉnh này được thực hiện trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ.
Ảnh minh họa |
Theo NHNN, các TCTD không cần phải đề nghị mà sẽ tự động nhận được chỉ tiêu tín dụng bổ sung, với nguyên tắc công khai, minh bạch. Mục tiêu là đảm bảo tín dụng được điều hành linh hoạt, hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
NHNN yêu cầu các TCTD phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ Chính phủ và NHNN, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và ưu tiên các động lực tăng trưởng kinh tế. Đồng thời nhấn mạnh cần duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực giảm lãi suất cho vay thông qua cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ.
Trước đó, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD ở mức 15%, và đến ngày 22/11/2024, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 11,12% so với cuối năm 2023. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 122/CĐ-TTg, yêu cầu NHNN thực hiện quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển trong bối cảnh khó khăn do thiên tai, lũ lụt, và khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Trong công điện, Thủ tướng chỉ đạo NHNN phối hợp với các chính sách tài khóa mở rộng, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, và giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, và các ngành công nghệ, khoa học sáng tạo.
Một trong những mục tiêu chính là tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%, đồng thời thúc đẩy các TCTD giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục cung cấp tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực quan trọng, bao gồm nhà ở xã hội và các ngành sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp tín dụng và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 thông qua các biện pháp cơ cấu nợ, giảm lãi vay, và tiếp tục cung cấp vốn cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
NCB tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 11.800 tỷ đồng
Ngân hàng Quốc Dân (NCB) vừa hoàn tất phát hành thành công 617 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ từ 5.600 tỷ đồng lên 11.800 tỷ đồng, đưa NCB vào nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ từ 10.000 đến 20.000 tỷ đồng, xếp sau Eximbank và Sacombank.
NCB tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 11.800 tỷ đồng/Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ NCB, đợt phát hành này đã thu hút sự tham gia mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước, với tỷ lệ cổ phiếu chào bán thành công đạt 99,65%. Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành là hơn 6.178 tỷ đồng. Các cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được NCB sử dụng để bổ sung nguồn vốn, đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, cũng như cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2024, NCB đã công bố danh sách 13 nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia đợt chào bán cổ phiếu, trong đó có bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch NCB, đăng ký mua 56,3 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 4,77% và ông Dương Thế Bằng - Thành viên Hội đồng quản trị NCB, đăng ký mua 58,5 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 4,957%.
Việc tăng vốn điều lệ này được coi là bước đi quan trọng trong chiến lược chuyển đổi toàn diện của NCB. Ngân hàng đặt mục tiêu đạt vốn điều lệ lên tới 29.000 tỷ đồng vào năm 2028, theo phương án cơ cấu lại đã được cơ quan quản lý phê duyệt.
Tính đến ngày 30/9/2024, NCB đã đạt hơn 1,24 triệu khách hàng, tăng trưởng 24% so với cuối năm 2023. Tổng tài sản của NCB hiện đạt gần 108.900 tỷ đồng. Ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch cho vay khách hàng và vượt chỉ tiêu về tổng tài sản cũng như huy động vốn của cả năm.
Eximbank miễn nhiệm hai phó chủ tịch HĐQT
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa tổ chức Đại hội cổ đông bất thường tại Hà Nội, thay vì TP HCM - nơi đang đặt trụ sở chính.
Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh ngay trước thềm tổ chức đã nhận đề nghị bổ sung tờ trình từ một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn, về việc miễn nhiệm hai phó chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú. Ông Hồ Nam là nhà sáng lập Bamboo Capital, người đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn ở Eximbank, trong khi bà Lương Thị Cẩm Tú là cựu Tổng giám đốc Nam Á Bank. Bà Tú từng có thời gian đảm nhận vị trí Chủ tịch Eximbank trước khi Công ty Gelex sở hữu lượng lớn cổ phần tại ngân hàng này.
Trước đó, một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn cũng kiến nghị miễn nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát với ông Ngo Tony, người có thư kiến nghị tới cơ quan thanh tra của NHNN, nêu các dấu hiệu rủi ro hiện tại của Eximbank.
Ngoài ra, đại hội cổ đông bất thường này cũng đề cập việc chuyển trụ sở chính từ TP HCM ra số 27-29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Tờ trình này được giới phân tích xem là đáng chú ý bởi đây là địa chỉ của Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, đầu tư bởi Tập đoàn Gelex (cổ đông lớn nắm trên 10% vốn Eximbank tại thời điểm tháng 8/2024).
CBBank và LPBank tăng lãi suất huy động, cao nhất 5,8%/năm
Trong một động thái mới, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây Dựng Việt Nam (CBBank) và Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) đã đồng loạt công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tiếp tục xu hướng gia tăng lãi suất trong tháng 11.
LPBank tăng lãi suất thêm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 - 11 tháng/Ảnh minh họa |
CBBank, ngân hàng thứ 15 trong tháng này thực hiện điều chỉnh, đã tăng lãi suất tại tất cả các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng thêm 0,15%/năm. Cụ thể, lãi suất cho kỳ hạn 1 - 2 tháng đạt 3,95%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng là 4,15%/năm, và kỳ hạn 6 tháng lên 5,65%/năm. Đặc biệt, các kỳ hạn từ 7 - 11 tháng được điều chỉnh lên mức 5,6%/năm, và kỳ hạn 12 tháng đạt 5,8%/năm, mức cao nhất hiện tại tại CBBank. Các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên vẫn giữ nguyên lãi suất 5,8%/năm.
Tương tự, LPBank cũng đã thực hiện tăng lãi suất thêm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 - 11 tháng. Lãi suất cho các kỳ hạn này đã được điều chỉnh lên mức 3,8%/năm cho 1 - 2 tháng, 4%/năm cho 3 - 5 tháng, và 5,2%/năm cho kỳ hạn 6 - 11 tháng. Các kỳ hạn dài hơn, từ 12 - 16 tháng, vẫn duy trì ở mức 5,5%/năm, trong khi các kỳ hạn từ 18 - 60 tháng tiếp tục áp dụng mức cao nhất là 5,8%/năm.
Tính từ đầu tháng 11 đến nay, đã có tổng cộng 154 ngân hàng điều chỉnh lãi suất, bao gồm các ngân hàng lớn như BaoViet Bank, HDBank, GPBank, Nam A Bank, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, và nhiều ngân hàng khác. Sự điều chỉnh lãi suất này phản ánh xu hướng gia tăng cạnh tranh trong ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 29/11: Nới room tín dụng cho các ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế