Điểm tin ngân hàng ngày 6/11: Tỷ giá USD ngân hàng tăng, thị trường tự do giảm sâu
Điểm tin ngân hàng ngày 5/11: Đề xuất quy định mới về sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng Điểm tin ngân hàng ngày 4/11: Lợi nhuận phân hóa mạnh trong quý III/2024 |
Tỷ giá USD ngân hàng tăng, thị trường tự do giảm sâu
Sáng 6/11, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng, trong khi tỷ giá USD trên thị trường tự do giảm mạnh so với phiên trước.
Tỷ giá USD ngân hàng tăng, thị trường tự do giảm sâu/Ảnh minh họa |
Cụ thể, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.248 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày trước đó. Tỷ giá USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước được niêm yết ở mức 23.400 - 25.450 đồng/USD, không thay đổi so với phiên trước.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD tăng nhẹ. Tại Vietcombank, tỷ giá mua - bán USD dao động từ 25.130 - 25.460 đồng/USD, tăng 35 đồng/USD chiều mua vào nhưng giảm 5 đồng/USD chiều bán ra. Tại BIDV, tỷ giá mua - bán USD cũng tăng nhẹ, đạt 25.162 - 25.460 đồng/USD. Trong khi đó, tại Vietinbank, tỷ giá mua vào giảm 25 đồng/USD, còn chiều bán ra giảm 5 đồng/USD.
Trái ngược với diễn biến trên thị trường ngân hàng, tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay giảm mạnh. Tại Hà Nội, tỷ giá USD giao dịch quanh mức 25.735 - 25.835 đồng/USD, giảm 15 đồng/USD cả chiều mua vào và bán ra so với phiên trước.
Tại thị trường quốc tế, đồng USD tiếp tục giảm mạnh. Chỉ số Dollar-Index, đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 0,42%, xuống mức 103.450 điểm.
Ngoài USD, tỷ giá các ngoại tệ mạnh khác tại Vietcombank hiện đứng ở mức: EUR 26.866 - 28.340 đồng/EUR, GBP 31.997 - 33.357 đồng/GBP, CHF 28.598 - 29.814 đồng/CHF, CAD 17.774 - 18.529 đồng/CAD, AUD 16.272 - 16.964 đồng/AUD và JPY 160 - 169 đồng/JPY.
Ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Từ ngày 10/12/2024, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ chính thức được phép cấp bảo lãnh cho các dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Đây là nội dung nổi bật trong Thông tư số 49 vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11 về bảo lãnh ngân hàng.
Trước đây, chỉ có các ngân hàng thương mại trong nước mới có quyền cấp bảo lãnh cho nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, với sự thay đổi này, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có cơ hội tham gia vào hoạt động bảo lãnh, mở rộng sự cạnh tranh và cung cấp thêm lựa chọn cho các chủ đầu tư và người mua nhà.
Theo Thông tư số 49, các ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, sẽ chỉ cấp bảo lãnh cho các dự án nhà ở hình thành trong tương lai nếu chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý. Cụ thể, chủ đầu tư cần có văn bản xác nhận đủ điều kiện kinh doanh bất động sản từ cơ quan quản lý cấp tỉnh trước khi tiến hành bảo lãnh.
Quy trình cấp bảo lãnh cũng được điều chỉnh, với yêu cầu ngân hàng thẩm định và ký thỏa thuận bảo lãnh sau khi chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng đề nghị. Sau khi thỏa thuận được ký kết, ngân hàng sẽ phát hành cam kết bảo lãnh cho chủ đầu tư, và người mua nhà sẽ nhận bản sao của cam kết này khi ký hợp đồng mua hoặc thuê mua.
Thông tư này cũng bãi bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước công bố danh sách các ngân hàng thương mại đủ điều kiện cấp bảo lãnh. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã công khai danh sách 42 ngân hàng được phép bảo lãnh, trong đó có 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV.
Một điểm quan trọng khác là số tiền bảo lãnh cho mỗi dự án sẽ tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước từ người mua, theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng.
Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm
Ngân hàng Techcombank vừa chính thức điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn.
Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm |
Biểu lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng Techcombank chính thức được áp dụng từ ngày 4/11/2024. Theo đó, Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm Phát Lộc trực tuyến, áp dụng khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,35%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,65%/năm.
Techcombank giữ nguyên lãi suất tiết kiệm từ kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-11 tháng đang được niêm yết tại 4,55%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 12-36 tháng là 4,85%/năm.
Techcombank cũng có sự điều chỉnh tương ứng ở các kỳ hạn ngắn và giữ nguyên lãi suất ở kỳ hạn dài với khoản tiền gửi từ 1 đến 3 tỷ đồng và trên 3 tỷ đồng đối với hình thức tiền gửi Phát Lộc tại quầy.
Biểu lãi suất tiết kiệm Phát Lộc tại quầy cũng có sự điều chỉnh tương tự. Theo đó, lãi suất tiết kiệm với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng dành cho khách hàng thông thường dao động từ 3,25-4,75%/năm. Mức lãi suất cao nhất mà Techcombank trả cho hình thức tiền gửi này là 5,1%/năm ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, áp dụng cho khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, dành cho khách hàng "Private".
Trước đó trong tháng 10, Techcombank có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất và một lần tăng lãi suất tiết kiệm.
Bắt 2 nhân viên ngân hàng chiếm đoạt 7,1 tỷ đồng của khách hàng
Công an TP HCM vừa tiến hành bắt tạm giam 2 nhân viên ngân hàng liên quan đến vụ chiếm đoạt 7,1 tỷ đồng từ khách hàng. Hai đối tượng bị khởi tố gồm Phạm Thị Tường An (SN 1988, ngụ Hóc Môn) và Võ Thị Hà (SN 1992, ngụ quận 3), đều là nhân viên làm việc tại một chi nhánh ngân hàng tại quận Gò Vấp, TP HCM.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Phạm Thị Tường An, từ tháng 12/2020, được giao nhiệm vụ hỗ trợ bộ phận kinh doanh doanh nghiệp, soạn thảo hồ sơ vay vốn và kiểm tra chứng từ giải ngân của khách hàng. Sau đó, An được giao thêm nhiệm vụ hạch toán và tạo lệnh chuyển tiền trên hệ thống nội bộ của ngân hàng, cùng tài khoản "user" để thực hiện các thao tác này.
Võ Thị Hà, kiểm soát viên ngân hàng, cũng được cấp tài khoản "user" để duyệt các lệnh chuyển tiền. Tuy nhiên, từ tháng 12/2021, Hà đã chủ quan và giao thông tin tài khoản "user", mật khẩu của mình cho An, cho phép An sử dụng khi Hà không có mặt hoặc cần hỗ trợ công việc.
Lợi dụng sự thiếu cẩn trọng của Hà, An đã đăng nhập vào hệ thống ngân hàng bằng tài khoản của mình, tự tạo lệnh chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng sang tài khoản người thân mà An đã mượn. Sau đó, An sử dụng tài khoản của Hà để duyệt các lệnh chuyển tiền này. Từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022, An đã thực hiện nhiều giao dịch và chiếm đoạt tổng cộng 7,1 tỷ đồng từ nhiều tài khoản khách hàng khác nhau.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP HCM hiện đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Krungsri muốn mua trước hạn 50% vốn còn lại của SHBFinance
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa thông báo Nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại của Công ty Tài chính TNHH SHBFinance cho đối tác Krungsri. Đây là phần tiếp theo trong thương vụ chuyển nhượng 100% vốn điều lệ của SHBFinance, theo thỏa thuận giữa SHB và Krungsri từ năm 2021.
Ảnh minh họa |
Theo kế hoạch, SHB đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn SHBFinance cho Krungsri vào tháng 5/2023. Phần còn lại sẽ được chuyển nhượng trong giai đoạn 2 của thỏa thuận, sau 3 năm. Thương vụ này giúp SHB nâng cao năng lực tài chính, tạo nguồn thặng dư vốn lớn cho cổ đông và củng cố vị thế của ngân hàng.
SHB tiếp tục tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là phát triển bán lẻ, ứng dụng công nghệ và sản phẩm tiện ích hiện đại. Trong 9 tháng đầu năm 2024, SHB đạt lợi nhuận trước thuế 9.048 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch năm, với tổng tài sản đạt 688.387 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm.
SHB cũng tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa chi phí vận hành, với tỷ lệ giao dịch qua kênh số và online liên tục tăng, đạt 92% đối với các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 6/11: Tỷ giá USD ngân hàng tăng, thị trường tự do giảm sâu