Điểm tin ngân hàng tuần qua: Tỷ giá USD/VND có dấu hiệu hạ nhiệt
Tỷ giá USD/VND có dấu hiệu hạ nhiệt
Tỷ giá trung tâm đã ngừng chuỗi tăng kéo dài 8 phiên liên tiếp nhờ các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vào đầu tuần ngày 28/10, tỷ giá trung tâm được ghi nhận ở mức 24.255 đồng/USD, không thay đổi so với cuối tuần trước. NHNN đã thực hiện các điều chỉnh giảm nhẹ hoặc giữ nguyên tỷ giá trong suốt tuần. Đến cuối tuần, tỷ giá trung tâm giảm xuống còn 24.243 đồng/USD, giảm 12 đồng/USD so với đầu tuần.
Ảnh minh họa |
Sự điều chỉnh này diễn ra sau hơn một tuần NHNN phát hành tín phiếu nhằm hút VND, đồng thời NHNN thông báo sẽ can thiệp bán ngoại tệ nếu cần thiết. Tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng cũng ghi nhận sự giảm nhẹ. Tại Vietcombank, tỷ giá bán ra vào thứ Hai đầu tuần là 25.467 đồng/USD, không đổi so với cuối tuần trước. Sau đó, tỷ giá này giảm nhẹ vào thứ Ba và tiếp tục giữ ổn định trước khi giảm thêm trong những ngày còn lại, kết thúc tuần ở mức 25.450 đồng/USD, giảm 17 đồng/USD so với đầu tuần.
Báo cáo từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND có thể chỉ mang tính tạm thời và dự báo tỷ giá sẽ điều chỉnh trong các tháng cuối năm. Thời điểm cuối năm thường là mùa lễ hội tại châu Âu và Mỹ, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Doanh nghiệp xuất khẩu thường phải mua nguyên liệu sản xuất trước đó từ 3-6 tháng, tạo ra nhu cầu USD trong quý III. Tuy nhiên, khi các đơn hàng được xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ nhận được thanh toán bằng USD vào cuối năm, giúp tăng nguồn cung USD và giảm áp lực lên tỷ giá.
Ngoài ra, dòng tiền USD vào Việt Nam có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, với Tết năm 2025 đến sớm vào cuối tháng 1, lượng kiều hối dự kiến sẽ gia tăng trong giai đoạn cuối năm 2024, góp phần tạo nguồn cung USD và làm giảm sức ép lên tỷ giá.
Quy định mới về lãi suất tiền gửi và rút tiền gửi trước hạn có hiệu lực từ tháng 11
Ngày 30/9/2024, NHNN đã chính thức ban hành ba Thông tư số 46, 47 và 48, quy định mới về lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ, cũng như quy định về việc rút tiền gửi trước hạn. Các quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.
Theo Thông tư 46, lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ sẽ không vượt quá mức tối đa do Thống đốc NHNN quy định. Lãi suất này bao gồm cả các khoản chi khuyến mại và tổ chức tín dụng phải công khai lãi suất tại các điểm giao dịch.
Thông tư 47 sửa đổi quy định về hình thức tiền gửi rút trước hạn, giới hạn áp dụng cho các chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành.
Thông tư 48 quy định lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam, không vượt quá mức tối đa cho các loại tiền gửi khác nhau, từ không kỳ hạn đến kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Tổ chức tín dụng cũng phải công khai lãi suất và không được thực hiện khuyến mại trái quy định.
Những thay đổi này nhằm tăng cường tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong bối cảnh thị trường tài chính đang có nhiều biến động.
VietBank báo lãi quý III cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 410 tỷ đồng, tăng gấp 8,3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (49,6 tỷ đồng). Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận quý III cao nhất trong số 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính.
Ảnh minh họa |
Yếu tố chủ yếu đóng góp vào sự tăng trưởng này là thu nhập lãi thuần, tăng 144%, đạt hơn 852 tỷ đồng nhờ vào việc tăng 7,5% thu nhập lãi và giảm 16% chi phí trả lãi. Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng trưởng gần 43%, mang về hơn 46 tỷ đồng, mặc dù lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư giảm mạnh.
Tổng thu nhập hoạt động trong quý III đạt hơn 916 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động chỉ tăng 7,6%, đạt gần 374 tỷ đồng, giúp lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của VietBank trong kỳ đạt gần 542 tỷ đồng, tăng 675% so với cùng kỳ.
Dù tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên gấp 6,5 lần, lợi nhuận trước thuế của VietBank vẫn tăng trưởng mạnh. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng này lãi trước thuế hơn 820 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 78% kế hoạch năm.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của VietBank đạt 151.957 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng đã gia tăng nhanh chóng, đạt 3.032 tỷ đồng, tăng 46,4% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng lên gần 3,3%.
Ngân hàng Cake by VPBank cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới
Ngân hàng số Cake by VPBank vừa gửi email đến khách hàng để cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao. Theo thông báo, các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi phương thức và ngày càng sử dụng những chiêu thức phức tạp nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Thủ đoạn mới nhất được ghi nhận là giả mạo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), gọi điện thông báo rằng khách hàng có khoản vay đã quá hạn và mời nạn nhân đến CIC để giải quyết. Những kẻ lừa đảo này còn làm giả báo cáo tín dụng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để nhận báo cáo.
Ngoài ra, chúng cũng giả mạo CIC yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để nâng điểm tín dụng, nhằm hỗ trợ quá trình giải ngân vốn vay nhanh hơn. Cake by VPBank nhấn mạnh rằng đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn và gửi văn bản giả mạo có đầy đủ con dấu, chữ ký để thông báo cho khách hàng về những lỗi trong hồ sơ tín dụng.
Để bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, ngân hàng khuyến cáo khách hàng nên cẩn trọng với các cuộc gọi tự giới thiệu từ CIC; không cài đặt ứng dụng lạ; không nhấp vào các đường link không rõ nguồn gốc; và không chuyển tiền vào các tài khoản lạ khi được yêu cầu.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng lưu ý đến một thủ đoạn lừa đảo mạo danh nhân viên giao hàng (shipper) đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn có nhiều người bị lừa. Kẻ gian thu thập thông tin khách hàng thông qua các buổi livestream hoặc bình luận công khai và giả mạo shipper để yêu cầu khách hàng chuyển khoản. Sau khi nhận tiền, chúng có thể viện lý do gửi nhầm số tài khoản hoặc gửi link lạ, giới thiệu là trung tâm vận chuyển để lừa khách hàng hoàn lại tiền.
Để tránh bị lừa đảo, các ngân hàng khuyến cáo người dùng không nhận đơn hàng mà mình không đặt; không chuyển khoản nếu không có mã vận đơn và thông tin hàng hóa; và không nhấp vào link từ người lạ.
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng trở lại
Trong tuần này, NHNN đã có 2 phiên bơm ròng liên tiếp (28, 29/10) thông qua thị trường mở với quy mô mỗi phiên từ 8.300 đến 9.200 tỷ đồng. Sau hơn 1 tuần NHNN phát hành tín phiếu để hút VND, đồng thời nhà điều hành phát đi thông điệp sẽ thực hiện phương án can thiệp bán ngoại tệ nếu cần thiết từ ngày 25/10, tỷ giá liên ngân hàng đã giảm.
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng trở lại/Ảnh minh họa |
Cụ thể, phiên 28/10, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4%/năm và kết quả có 10.000 tỷ đồng trúng thầu. Phiên này, qua kênh tín phiếu, NHNN trúng thầu 600 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất giữ ở mức 3,7%; và 200 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 3,99%. Như vậy, phiên 28/10, NHNN bơm ròng 9.200 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở.
Tiếp đó, phiên ngày 29/10, NHNN tăng khối lượng chào thầu trên kênh cầm cố thêm 5.000 tỷ đồng so với 28/10. Cụ thể, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4% và kết quả có 14.999,91 tỷ đồng trúng thầu. Đồng thời, phiên này, qua kênh tín phiếu NHNN trúng thầu 2.400 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất giữ ở mức 3,7%; và 1.200 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 3,99%. Như vậy, NHNN bơm ròng 11.399,91 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng tuần qua: Tỷ giá USD/VND có dấu hiệu hạ nhiệt