Điểm tin xây dựng - Bất động sản 26/7: LDG khẳng định khả năng thanh toán dù bị yêu cầu mở thủ tục phá sản
Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 25/7: Bắt đầu kiểm kê đất đai trên cả nước từ ngày 1/8 Điểm tin Xây dựng - bất động sản ngày 24/7: Hà Nội chính thức ban hành hệ số điều chỉnh giá đất mới |
Thái Nguyên tìm nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 1.660 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên vừa thông báo mời các nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị Hồng Tiến. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.660,086 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án là 1.292,7 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 367,3 tỷ đồng. Dự án rộng 54,9 ha, nằm tại phường Hồng Tiến, thành phố Phổ Yên.
Khu đô thị Hồng Tiến sẽ bao gồm nhà liền kề, công trình thương mại và dịch vụ, nhà ở xã hội, khu tái định cư, cùng các cơ sở hạ tầng công cộng khác. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, với tiến độ đầu tư từ quý II/2024 đến quý IV/2028.
Nhà đầu tư cần có vốn chủ sở hữu tối thiểu 249 tỷ đồng và kinh nghiệm tham gia các dự án có trị giá từ 50-60% tổng mức vốn của dự án Hồng Tiến.
Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án khác tại Thái Nguyên như Khu dân cư nông thôn xóm Bãi Bằng và Khu trung tâm thị trấn Quân Chu, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
LDG khẳng định khả năng thanh toán dù bị yêu cầu mở thủ tục phá sản
Ngày 22/7/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty LDG liên quan đến khoản nợ với Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Phúc Thuận Phát. Theo LDG, doanh nghiệp này đã thanh toán 95% giá trị quyết toán các hợp đồng tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh nhưng vẫn còn một số khoản nợ tồn đọng.
LDG khẳng định khả năng thanh toán dù bị yêu cầu mở thủ tục phá sản |
LDG cho biết, quá trình triển khai Dự án Khu dân cư Tân Thịnh gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý đầu tư và đã nhiều lần thương lượng với Phúc Thuận Phát để giải quyết công nợ và gia hạn tiến độ thanh toán nhưng chưa đạt được thống nhất.
LDG khẳng định quyết định mở thủ tục phá sản chỉ là bước đầu trong quy trình tố tụng để giải quyết các khoản nợ tồn đọng giữa hai công ty. LDG đã gửi văn bản đề nghị xem xét lại quyết định này nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của công ty.
“Công ty LDG là doanh nghiệp niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) sở hữu một số dự án do công ty làm chủ đầu tư và đang tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng để cùng hợp tác và phát triển nhằm tạo ra nguồn tài chính cho việc duy trì hoạt động, phát triển của công ty, đảm bảo các nghĩa vụ tài chính và quyền lợi của các quý khách hàng, quý Đối tác, cổ đông và các bên liên quan”, LDG nêu.
Bên cạnh đó, Công ty LDG khẳng định, không mất khả năng thanh toán và vẫn đang đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Công ty LDG đã và đang tiếp tục nỗ lực đàm phán, trao đổi để thống nhất với các Đối tác nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả các bên có liên quan.
Huyện Đông Anh đầu tư 7.600 tỷ đồng xây dựng đoạn đường vành đai 3 dài 15km
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham vấn cộng đồng về báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án thành phần 2, liên quan đến việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Đông Anh, Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng và dự kiến khởi công vào quý 4 năm 2025.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Vành đai 3 của Hà Nội dài khoảng 68km, trong đó đoạn qua huyện Đông Anh dài 14,9km. Đây là tuyến đường quan trọng kết nối các trục giao thông hướng tâm, giảm ùn tắc nội đô và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực.
Dự án đi qua 9 xã của huyện Đông Anh, từ nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến nút giao với đường Võ Văn Kiệt. Đoạn đường gồm 6 làn xe chính và 3 làn xe gom. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh, với tiến độ hoàn thành trong vòng 36 tháng, từ quý 4/2025 đến quý 3/2028.
Đông Anh, với diện tích 185 km² và dân số 437.000 người, là một trong hai huyện của Hà Nội sẽ lên quận trong thời gian tới. Sau khi trở thành quận, Đông Anh sẽ là một phần của thành phố phía Bắc theo mô hình "thành phố trong Thủ đô". Hà Nội cũng đã phê duyệt nhiều dự án hạ tầng lớn tại Đông Anh, bao gồm các cây cầu vượt sông Hồng và các khu đô thị, khu nhà ở, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Eurowindow Holding, BRG.
Dự án Vành đai 3 cùng với các dự án hạ tầng khác sẽ tăng cường kết nối và phát triển cho Đông Anh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và đô thị hóa của khu vực.
Nhà thuê trọ phải có diện tích tối thiểu 5m² sàn/người
Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND thành phố dự thảo Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ. Dự thảo đề án đưa ra quy định diện tích tối thiểu 5m² sàn/người, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, và yêu cầu chủ nhà trọ phải có đăng ký kinh doanh.
Ảnh minh họa |
Theo đó, nhà trọ phải có hẻm rộng tối thiểu 3-4m, cách đường chính không quá 100m, và các phòng phải có lối thoát nạn. Sở Xây dựng phối hợp với Công an TP tham mưu ban hành quy định về diện tích và an toàn PCCC, hoàn tất trong tháng 10/2024. Nhà trọ không đáp ứng sẽ bị dừng hoạt động.
Hiện TP.HCM có khoảng 60.500 công trình nhà trọ, kết quả khảo sát ban đầu mới đây của Sở Xây dựng cho thấy có khoảng 12.800 công trình/60.500 công trình (chiếm tỉ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động. Trong đó khoảng 4.600 công trình chưa đáp ứng các tiêu chí về diện tích sàn bình quân tối thiểu và 8.200 công trình chưa đáp ứng tiêu chí về phòng cháy chữa cháy. Các công trình này phải thực hiện việc chuyển đổi để đạt tiêu chuẩn quy định tối thiểu nếu muốn tiếp tục kinh doanh.
Luật Nhà ở 2024 quy định nhà trọ có từ 2 tầng trở lên và dưới 20 phòng không phải lập dự án đầu tư nhưng phải đảm bảo PCCC và các yêu cầu khác của địa phương.