Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 11/7: Bất động sản Hà Nam "bùng nổ" với nhiều dự án lớn
Bất động sản Hà Nam "bùng nổ" với nhiều dự án lớn
Theo Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam, quý II/2024 ghi nhận sự bùng nổ trong giao dịch bất động sản với 4.314 giao dịch căn hộ, nhà ở riêng lẻ và đất nền, tổng giá trị gần 2.563 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với quý I/2024.
Ảnh minh họa |
Trong quý II, Hà Nam đã chấp thuận đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại và lựa chọn nhà đầu tư cho 2 dự án khác. Đáng chú ý, có 2 dự án được cấp phép xây dựng gồm Khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại TP. Phủ Lý và Khu đô thị mới tại huyện Thanh Liêm.
Về nhà ở xã hội, UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư 1 dự án khu nhà ở công nhân và nhà ở xã hội tại huyện Kim Bảng. Tổng cộng, Hà Nam hiện có 6 dự án nhà ở xã hội, trong đó 2 dự án phục vụ công nhân khu công nghiệp với tổng cộng 1.630 căn hộ và 4 dự án phục vụ người thu nhập thấp tại đô thị với tổng cộng hơn 2.000 căn hộ.
Đặc biệt, Sun Group đã khởi công dự án khu đô thị mới Bắc Châu Giang tại TP. Phủ Lý vào cuối tháng 1/2024. Dự án này có quy mô 405 ha, bao gồm nhiều hạng mục lớn như công viên chủ đề, công viên cảnh quan, đại lộ rộng, nhà phố thương mại, biệt thự và căn hộ cao tầng.
Dự án của Sun Group tại Hà Nam có tổng vốn đầu tư lên tới 35.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển và thay đổi diện mạo đô thị của tỉnh trong thời gian tới.
Dự báo diễn biến các phân khúc bất động sản 6 tháng cuối năm 2024
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), nhu cầu nhà ở vẫn duy trì ở mức cao trong 6 tháng cuối năm 2024, giúp thúc đẩy doanh số bán hàng của các chủ đầu tư. Việc bán hết nhanh các dự án mới và sự hồi phục của giao dịch thị trường thứ cấp đã được ghi nhận tại Hà Nội và TP.HCM.
Ảnh minh họa |
Khung pháp lý bất động sản mới, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, dự kiến sẽ cải thiện nguồn cung từ năm 2025. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn gặp khó khăn pháp lý tại Hà Nội và TP.HCM, dẫn đến suy giảm nguồn cung nhà ở mới.
Tiến sĩ Phạm Anh Khôi từ Dat Xanh Services (FERI) dự báo ba kịch bản cho thị trường: lạc quan, khả thi và thách thức. Kịch bản lạc quan kỳ vọng nguồn cung tăng mạnh 35-40%, giá bán tăng 10-15%, trong khi kịch bản thách thức cho thấy nguồn cung chỉ tăng 15-25%, giá bán tăng 3-5%.
Thị trường bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng nhờ dòng vốn FDI tăng trưởng. Bất động sản thương mại, đặc biệt là bán lẻ và văn phòng, sẽ tăng trưởng về nguồn cung và giá thuê. Bất động sản nhà ở thương mại và cho thuê sẽ hồi phục nhẹ nhưng ổn định.
Chuyên gia cho rằng quá trình phục hồi thị trường bất động sản cần thời gian và lộ trình, nhưng dự báo sẽ khả quan hơn từ năm 2025 và phục hồi vào năm 2026.
Nhiều địa phương ưu tiên dành quỹ đất cho nhà ở xã hội
Tính đến nay, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 26,3 m² sàn/người. Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024, nhưng thực tế cho thấy mục tiêu này rất khó đạt được.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Xây dựng, ông Đậu Minh Thanh – Chánh văn phòng Bộ Xây dựng – cho biết từ năm 2021 đến nay, có 503 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 418.200 căn. Tuy nhiên, chỉ 75 dự án đã hoàn thành với 39.884 căn.
Bộ Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024 là triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Bộ Xây dựng đã cập nhật tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, với sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải cho biết nhiều địa phương đã ưu tiên dành quỹ đất cho nhà ở xã hội. Cả nước đã quy hoạch hơn 10.000 ha đất cho nhà ở xã hội, tăng thêm 6.641 ha so với năm 2020.
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết Sở đã đề xuất 9 khu đất để phát triển nhà ở xã hội tập trung với quy mô khoảng 600 ha. Sở đang tiếp tục phối hợp để bổ sung thêm 5-6 địa điểm với quy mô 1.000-1.500 ha.
Việc dành quỹ đất cho nhà ở xã hội là cơ sở vững chắc để hoàn thành chỉ tiêu phân bổ nhà ở xã hội, góp phần bình ổn thị trường bất động sản và kinh tế địa phương.
Liên danh Landmark - Bến Thành - Agrico muốn làm khu đô thị gần 5.000 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa vừa công bố, liên danh CTCP Đầu tư Xây dựng Bất động sản Landmark - CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Bến Thành - CTCP Đầu tư và Xây dựng Việt Nam Agrico là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới 01 tại thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Dự án có quy mô 49,5 ha, với vốn đầu tư hơn 4.939 tỷ đồng.
Khu đô thị mới 01 sẽ bao gồm 64 căn nhà ở thương mại, 165 căn nhà ở liền kề, 2 căn biệt thự, 2.356 căn nhà ở xã hội, cùng 607 lô đất liền kề và 90 lô đất biệt thự thương mại. Các công trình công cộng như nhà văn hóa, chợ, dịch vụ thương mại và trường học liên cấp cũng sẽ được xây dựng. Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm và dự kiến hoàn thành trong vòng 5 năm.
Theo tìm hiểu, liên danh nhà đầu tư gồm: Landmark, thành lập năm 2021 tại Thanh Hóa; Bến Thành, thành lập năm 2021 tại TPHCM, và Việt Nam Agrico, thành lập năm 2022 tại Hà Nội. Các công ty này đã có nhiều sự thay đổi trong cấu trúc cổ đông và ban lãnh đạo trong thời gian gần đây.
Hà Nội tìm nhà đầu tư cho 2 dự án khu đô thị mới tại huyện Thanh Trì
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành các quyết định phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện 2 dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại huyện Thanh Trì.
Ảnh minh họa |
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành các quyết định phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới C3-1 nằm tại ô đất quy hoạch ký hiệu C3-1 xã Đại Áng, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Dự án có tổng diện tích đất nghiên cứu theo quy hoạch 274.265m2. Trong đó, diện tích đất các công trình nhà đầu tư có trách nhiệm nghiên cứu để chỉnh trang, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực khoảng 56.756,48m2.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án tạm tính là 4.463 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án: Năm 2023 - 2029.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hà Nội cũng phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Liên Ninh, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.
Dự án có tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 300.975m2. Quy mô sử dụng đất của dự án khoảng 276.934,5m2. Bao gồm, đất cây xanh đơn vị ở, đất công cộng, công trình trường học, đất xây dựng công trình giao thông… với quy mô dân số khoảng 4.500 người.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 1.122,7 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028.
Nguồn: Điểm tin Xây dựng - bất động sản ngày 11/7: Bất động sản Hà Nam "bùng nổ" với nhiều dự án lớn