Điểm tin Xây dựng - bất động sản ngày 15/7: Nguồn cung bất động sản tăng trở lại
Điểm tin Xây dựng - Bất động sản tuần qua: Từ 1/8, dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 13/7: Khó đạt chỉ tiêu nhà ở xã hội trong năm 2024 |
Nguồn cung bất động sản tăng trở lại
Trong báo cáo phục vụ Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung bất động sản sau thời gian hạn chế đang chuyển biến tích cực. Thị trường ghi nhận sự tăng cao về mức độ quan tâm và lượng tìm kiếm thông tin của khách hàng và nhà đầu tư.
Ảnh minh họa |
Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền đã tăng, với quý sau cao hơn quý trước và so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường cũng ghi nhận sự quay trở lại của các dự án cũ được tái khởi động và nhiều dự án mới mở bán. Trong nửa đầu năm 2024, có 18 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới, 32 dự án xây dựng hạ tầng hoàn thành và 16 dự án được cấp phép. Phân khúc nhà ở xã hội cũng ghi nhận 8 dự án hoàn thành.
Về sức mua, thị trường có khoảng 253.000 giao dịch thành công, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu vào phân khúc đất nền. Giá giao dịch căn hộ chung cư liên tục tăng từ cuối năm 2023, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM, trong khi giá nhà ở riêng lẻ và đất nền cũng tăng mạnh do khan hiếm nguồn cung.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nêu ra nhiều thông tin tích cực khác, như tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2023, và nguồn vốn FDI trong lĩnh vực này đạt 1,89 tỷ USD, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi suất ngân hàng giảm và các chính sách ưu đãi từ chủ đầu tư đã gia tăng niềm tin của khách hàng và cải thiện tính thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cảnh báo rằng các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức từ các yếu tố bất lợi trong và ngoài nước, cùng với áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn lớn trong năm nay.
Thanh Hóa triển khai dự án nhà ở xã hội mới sau 3 năm gián đoạn
Thị trường bất động sản Thanh Hóa vừa đón nhận dự án nhà ở xã hội (NƠXH) tại phường Quảng Thành do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Hạ tầng Hợp Lực thực hiện. Sau 3 năm vắng bóng, dự án này đã đủ điều kiện để bán và cho thuê mua theo văn bản số 4996/SXD-QLN của Sở Xây dựng Thanh Hóa.
Dự án nằm trên diện tích 24.518,3m2, bao gồm 3 tòa nhà cao 15 tầng với tổng số 800 căn hộ và 60 căn liền kề thấp tầng cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật, sân đường nội bộ, khuôn viên cây xanh, trạm điện, nhà để xe. Tòa nhà CC1 có diện tích xây dựng 1.115m2, cao 16 tầng với 222 căn hộ khép kín. Hiện tại, CC1 đã hoàn thành phần thô và đang tiến hành hoàn thiện các hạng mục còn lại.
Công ty Hợp Lực đã tổ chức lễ khởi công cho tòa nhà CC2 và CC3 vào ngày 22/6/2024. Dự kiến, tòa nhà CC1 sẽ được bàn giao vào quý 1/2025, còn CC2 và CC3 sẽ hoàn thành vào quý 1/2026.
Dự án này đáp ứng đủ điều kiện về bất động sản hình thành trong tương lai theo quy định tại Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 và Luật Nhà ở 2014. Sở Xây dựng yêu cầu công ty Hợp Lực công bố công khai thông tin về dự án và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.
Với nhu cầu nhà ở cho công nhân tại Thanh Hóa ngày càng cao và nhiều dự án khác gặp khó khăn trong triển khai, dự án nhà ở xã hội phường Quảng Thành được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào "cơn khát" nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp.
Công ty Đất Kinh tuyến Số Một nợ thuế, chậm bàn giao phí bảo trì chung cư
Công ty TNHH Đất Kinh Tuyến Số Một, chủ đầu tư tòa nhà chung cư The Summit (đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), đang nợ thuế hơn 5,1 tỷ đồng và ngâm khoảng 17 tỷ đồng tiền bảo trì tòa nhà suốt 5 năm qua. Tòa nhà The Summit gồm 21 tầng và 1 tầng hầm với 356 căn hộ, diện tích xây dựng 2.280m2 và chiều cao 74,3m.
Công ty Đất Kinh tuyến Số Một nợ thuế, chậm bàn giao phí bảo trì chung cư/Ảnh minh họa |
Dù Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có văn bản nghiệm thu từ tháng 6/2019, nhưng từ tháng 3/2019, chủ đầu tư đã bắt đầu thu kinh phí bảo trì từ khách hàng, tổng cộng hơn 15,68 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng vào tháng 12/2022, chủ đầu tư không mở tài khoản riêng cho kinh phí bảo trì và không bàn giao đầy đủ số tiền này cho Ban quản trị tòa nhà.
Ngày 20/10/2020, Ban quản trị yêu cầu chủ đầu tư chuyển kinh phí bảo trì, nhưng đến tháng 12/2021, chủ đầu tư mới chỉ chuyển 400 triệu đồng. Đến nay, số tiền gốc và lãi chưa bàn giao khoảng hơn 17 tỷ đồng. Ban quản trị đã gửi công văn đề nghị UBND TP. Đà Nẵng cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng đã chuyển kiến nghị đến UBND quận Sơn Trà để kiểm tra và xử lý theo quy định. Ban quản trị và cư dân tòa nhà The Summit đang chờ đợi kết quả giải quyết từ chính quyền địa phương.
Chính thức siết phân lô, bán nền tại 104 thành phố, thị xã trên toàn quốc
Từ ngày 1/8/2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sẽ chính thức có hiệu lực, với quy định mới về việc phân lô, bán nền. Theo Điều 31 của Luật này, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cá nhân tự xây dựng nhà ở, phân lô bán nền sẽ bị cấm tại các khu vực thuộc phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III, cũng như các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.
UBND cấp tỉnh sẽ xác định các khu vực chủ đầu tư được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở tại các khu vực còn lại. Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 907 đô thị, trong đó có 104 đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III, nơi sẽ áp dụng quy định mới.
Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cho rằng quy định mới sẽ hạn chế đầu cơ, giúp Nhà nước thu được nguồn thuế lớn hơn và sàng lọc năng lực chủ đầu tư.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án tại DKRA Group, nhận định quy định này sẽ khiến nguồn cung đất nền giảm mạnh sau năm 2025, dẫn đến tăng giá do nhu cầu vẫn cao.
Khi cung ít - cầu nhiều, giá đất nền sẽ đi lên. Theo đó, nhiều nhà đầu tư muốn nắm bắt xu hướng này và bắt đầu tìm kiếm đất nền trước khi luật mới chính thức có hiệu lực.
Bắc Giang: Hơn 780 nhà đất công bị bỏ không, sử dụng sai mục đích
Theo HĐND tỉnh Bắc Giang , tổng số nhà đất công tính đến 31/12/2023 trên địa bàn tỉnh có 6.145 cơ sở (đã trừ tài sản công không thuộc đối tượng giám sát gồm công an, quân đội, doanh nghiệp nhà nước trung ương và doanh nghiệp vốn nhà nước dưới 50%).
Ảnh minh họa |
Trong số này, số lượng cơ sở nhà đất không sử dụng , sử dụng không đúng mục đích, ít sử dụng còn khá nhiều, tối thiểu là 782 tài sản /6.145 tài sản, chiếm 12,72%. Trong đó đáng chú ý, một số cơ sở nhà đất (cả của cơ quan trung ương, cơ quan tỉnh và các địa phương quản lý) bỏ không sử dụng kéo dài từ 10 đến 30 năm, nhưng chậm được xử lý gây lãng phí, bức xúc.
Ngoài ra, nhiều cơ sở đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được thanh lý hoặc tu sửa, một số còn có biểu hiện giữ chỗ để chờ hưởng chế độ khi nhà nước xử lý tài sản.
Nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống pháp luật về quản lý tài sản công chưa hoàn thiện, nhiều nội dung thiếu quy định cụ thể, hoặc chồng chéo, mâu thuẫn. Hơn nữa, sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang chưa kịp thời và nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, không làm hết trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương, cho biết tỉnh sẽ sớm ban hành kế hoạch thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát và giải quyết dứt điểm những tồn tại, đồng thời chấn chỉnh nghiêm túc việc quản lý tài sản công, xử lý nghiêm những cơ quan, địa phương để xảy ra vi phạm.
Nguồn: Điểm tin Xây dựng - bất động sản ngày 15/7: Nguồn cung bất động sản tăng trở lại