Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 29/8: Thanh tra Chính phủ yêu cầu rà soát lại siêu dự án KĐT Đại Phước
Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 28/8: “Tối hậu thư” cho dự án sân golf 1.800 tỷ đồng ở Huế Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 27/8: Hà Nội sắp ban hành quy định mới về phân lô, tách thửa đất |
Thanh tra Chính phủ yêu cầu rà soát lại siêu dự án KĐT Đại Phước
Ngày 27/8/2024, Thanh tra Chính phủ đã công bố Thông báo kết luận thanh tra số 1764/TB-KLTT, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp).
Khu đô thị Đại Phước của DIC Corp |
Theo thông báo, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra từ ngày 28/2/2023 đến 4/5/2023 tại Bộ Xây dựng và DIC Corp theo Quyết định số 49/QĐ-TTCP. Kết quả thanh tra cho thấy, việc cổ phần hóa và thoái vốn tại DIC Corp đã đạt được nhiều thành tựu tích cực như tăng vốn điều lệ từ 370 tỷ đồng lên hơn 2.381 tỷ đồng, và tổng tài sản từ 2.381 tỷ đồng lên 6.133 tỷ đồng trước khi thoái toàn bộ vốn Nhà nước. Sau quá trình thoái vốn, đã thu nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp số tiền 2.274 tỷ đồng, trong đó thặng dư vốn đạt 1.092 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thanh tra cũng chỉ ra nhiều hạn chế, vi phạm trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, bao gồm vấn đề căn cứ pháp lý, thủ tục cổ phần hóa, xác định giá trị tài sản, và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Trên cơ sở kết luận này, Tổng Thanh tra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan và khắc phục các vi phạm tài chính, xác định nguyên nhân các khoản lỗ tại các công ty thành viên của DIC Corp.
Ngoài ra, việc xác định giá trị tài sản tại dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước cũng cần được rà soát lại. Nếu giá trị quyền sử dụng đất tại dự án này được xác định lại cao hơn tổng chi phí đầu tư, phần chênh lệch sẽ phải thu nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước.
Tổng Thanh tra cũng yêu cầu làm rõ các chỉ đạo về giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2009 và việc không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của ba vị trí trong quá trình thẩm định giá cổ phần để thoái vốn Nhà nước tại DIC Corp.
Công ty Bất động sản Mỹ Hào muốn làm dự án 7.000 tỷ đồng
Công ty CP Phát triển Bất động sản Mỹ Hào là nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị mới Sen Hồ 7.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này mới đăng ký thành lập vào tháng 7/2024.
Ngày 27/8/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị mới Sen Hồ cho thấy, Công ty CP Phát triển Bất động sản Mỹ Hào là nhà đầu tư đăng ký thực hiện.
Dự án có tổng mức đầu tư 6.956 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 62,6 ha tại phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, quy mô dân số khoảng 12.000 người.
Quy mô đầu tư bao gồm: xây thô, hoàn thiện mặt ngoài đối với nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự; xây dựng hoàn thiện đối với công trình chung cư hỗn hợp, nhà ở xã hội và thực hiện kinh doanh theo quy định (trong đó, nhà ở liền kề khoảng 1.173 căn, biệt thự khoảng 254 căn, chung cư hỗn hợp với 3 tòa nhà chung cư kết hợp thương mại dịch vụ khoảng 1.175 căn, nhà ở xã hội khoảng 952 căn); công trình thương mại, dịch vụ…
Đáng chú ý, Công ty CP Phát triển Bất động sản Mỹ Hào là doanh nghiệp mới được thành lập tháng 7/2024, địa chỉ đăng ký kinh doanh tại TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản. Người đại diện theo pháp luật là bà Vũ Thị Nga (sinh năm 1986 - Thái Bình).
Như vậy, khi đăng ký thực hiện dự án trên, Công ty CP Phát triển Bất động sản Mỹ Hào mới chỉ được hơn "1 tháng tuổi".
Bắc Giang phê duyệt quy hoạch đô thị 4.378ha giáp 3 tỉnh
UBND tỉnh Bắc Giang đã chính thức phê duyệt đồ án quy hoạch Phân khu 8 thuộc đô thị Bắc Giang với tỷ lệ 1/2.000. Khu vực này nằm tại cửa ngõ kết nối với ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh, bao gồm thị trấn Nham Biền và các xã Yên Lư, Cảnh Thụy, Tiến Dũng. Phân khu có diện tích khoảng 4.378 ha, với quy hoạch dân số dự kiến đạt 90.000 người vào năm 2045.
Ảnh minh họa |
Quy hoạch Phân khu 8 được chia thành ba khu chính:
Khu A - Trung tâm giáo dục và nghiên cứu: Tổng diện tích 1.179 ha, với dân số khoảng 12.700 người. Khu A sẽ là trung tâm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao.
Khu B - Trung tâm thị trấn Nham Biền: Có diện tích 1.719 ha, dân số dự kiến khoảng 55.000 người. Khu này sẽ phát triển các chức năng thương mại, dịch vụ, và nhà ở chất lượng cao.
Khu C - Khu công nghiệp Yên Lư: Với diện tích 1.408 ha và dân số khoảng 22.300 người. Khu công nghiệp này sẽ tập trung vào công nghệ cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mỗi khu trong phân khu 8 sẽ được chia thành 7 đơn vị ở, mỗi đơn vị đều có đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, trường mầm non, công viên, trường học các cấp, trụ sở cấp phường và công an.
Theo Nghị quyết về chương trình phát triển đô thị Bắc Giang đến năm 2045, toàn bộ đô thị Bắc Giang sẽ được chia thành 9 phân khu. Các dự án ưu tiên bao gồm khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở và khu công nghiệp, với tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến lên tới 149.216,19 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2045.
Ninh Bình sẽ có khu du lịch nghỉ dưỡng gần 500 ha
UBND tỉnh Ninh Bình vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan. Nhiệm vụ quy hoạch phân khu là bước quan trọng, xác định chức năng từng khu đất, nguyên tắc tổ chức không gian, chỉ tiêu dân số, sử dụng đất, làm cơ sở xác định dự án đầu tư và lập quy hoạch chi tiết.
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có quy mô gần 500 ha, một mặt giáp Quốc lộ 12B, còn lại là khu dân cư hiện hữu. Dân số dự kiến khoảng 20.000 người.
Dự án được định hướng là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, khu vui chơi giải trí... đáp ứng nhu cầu ở, nghỉ dưỡng của người dân và du khách. Các hạng mục dự kiến gồm khu du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng; quảng trường văn hóa; khu tiện ích và nghỉ dưỡng trên núi, thác nước; dịch vụ trải nghiệm ngoài trời, cắm trại, farmstay...
Dự án còn được quy hoạch khu ở biệt thự kết hợp vườn nông nghiệp công nghệ cao, khu công cộng, dịch vụ khu dân cư, hồ cảnh quan, bến thuyền... Thời gian lập quy hoạch không quá 9 tháng từ khi nhiệm vụ này được duyệt.
Nằm cách thủ đô Hà Nội 90 km về phía Nam, Ninh Bình là địa phương sở hữu nhiều lợi thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa với điểm nhấn là quần thể danh thắng Tràng An. Hiện tại tỉnh có hơn 800 cơ sở lưu trú và gần 20 khu du lịch. Theo quy hoạch đến 2035, Ninh Bình sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm lớn về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực.
Quảng Ninh quy hoạch khu du lịch rộng hơn 1.000ha với sân golf 27 hố
UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch đảo Núi Cuống tại xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, với tổng diện tích lên tới 1.076,8 ha. Khu vực quy hoạch bao gồm toàn bộ đảo Núi Cuống và các khu vực xung quanh, với ranh giới cụ thể: phía Bắc giáp đảo núi Bìm Bìm, phía Tây và Nam tiếp giáp khu vực vịnh Bắc đảo Cái Bầu, và phía Đông tiếp giáp vịnh Bái Tử Long.
Ảnh minh họa |
Khu du lịch đảo Núi Cuống được chia thành bốn phân khu chính. Phân khu 1, với diện tích khoảng 190,42 ha, sẽ là khu tổng hợp đa chức năng với dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, và bến du thuyền, bến thủy phi cơ. Phân khu 2, diện tích 120,38 ha, tập trung vào phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ thương mại tại phía Tây đảo. Phân khu 3, rộng 167 ha, sẽ có một sân golf 27 hố cùng các dịch vụ tiện ích phục vụ du khách chơi golf trong không gian xanh. Phân khu 4, nằm phía Nam đảo, sẽ phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái và dịch vụ thương mại trên các hòn đảo bao quanh.
Dự kiến, khu du lịch này sẽ có quy mô dân số khoảng 7.800 người vào năm 2030 và đạt 20.000 người vào năm 2045, chủ yếu từ khách du lịch và lao động. Mục tiêu của dự án là phát triển khu du lịch và dịch vụ hỗn hợp, kết hợp với bảo vệ môi trường rừng và biển hiện có, đồng thời nghiên cứu phát triển nuôi trồng thủy sản và tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, thân thiện với môi trường biển đảo.
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu UBND huyện Đầm Hà chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, đảm bảo tính chính xác của thông tin và tài liệu. Đồng thời, quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai, và đầu tư xây dựng, cũng như bảo vệ không gian sinh thái khu vực.