Điểm tin xây dựng - Bất động sản ngày 9/10: Thị trường Hà Nội sôi động với loạt dự án mới
Điểm tin xây dựng - Bất động sản ngày 8/10: Khoảng 150 căn hộ chung cư The Golden An Khánh bị dừng cấp sổ Điểm tin xây dựng - Bất động sản ngày 7/10: Giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh |
Thị trường bất động sản Hà Nội sôi động với loạt dự án mới
Theo đánh giá từ Savills, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ chứng kiến sự bùng nổ nguồn cung với 3 dự án dự kiến cung cấp tổng cộng 2.975 căn hộ trong quý tới. Trong đó, dự án Him Lam Vĩnh Tuy sẽ ra mắt khoảng 147 căn mới, trong khi Solasta Mansion cũng sẽ mở bán thêm nguồn cung. Đặc biệt, dự án Vinhomes Global Gate đã bắt đầu nhận đặt cọc từ tháng 9/2024 và dự kiến sẽ cung cấp khoảng 2.599 căn khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng vào tháng 10/2024.
Bất động sản Hà Nội sôi động với loạt dự án mới/Ảnh minh họa |
Huyện Đông Anh sẽ là khu vực chiếm phần lớn nguồn cung tương lai với 19%, theo sau là huyện Mê Linh với 16% và quận Hà Đông với 15%. Các dự án hiện hữu như Vinhomes Global Gate tại Đông Anh, Solasta Mansion tại khu đô thị Dương Nội, và KITA Capital tại Hồ Tây đang thu hút sự quan tâm của người mua.
KITA Group cho biết, ngay cả trong tháng Ngâu, dự án KITA Capital đã ghi nhận thanh khoản tăng đột biến. Nhiều khách hàng không chỉ quan tâm đến các sản phẩm đang giao dịch mà còn chờ đợi sự ra mắt của giai đoạn tiếp theo là khu BT02 - Grand Master. Dự án KITA Capital, nằm trong khu vực Ciputra, là một trong số ít dự án thấp tầng hiếm hoi tại đây, với lợi thế gần quần thể công viên rộng 65ha.
TS Trần Xuân Lượng, chuyên gia bất động sản từ Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định rằng thị trường Hà Nội hiện đang thiếu nguồn cung, dẫn đến việc giá các phân khúc như biệt thự, liền kề và căn hộ chung cư có nhu cầu ở thực sẽ tăng. Ông Lượng cũng chỉ ra rằng giao dịch sôi động trong phân khúc biệt thự, liền kề cho thấy dòng tiền đang hướng về bất động sản. Đặc biệt, Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8/2024 sẽ làm tăng chi phí sử dụng đất cho các dự án mới, đẩy giá trị phân khúc này lên cao trong dài hạn, thu hút nhiều nhà đầu tư rót tiền vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo số 7292/VPCP-CN vào ngày 7/10/2024, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, đặc biệt là hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và phản hồi về đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận. Đề nghị này bao gồm việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu tham mưu Thủ tướng về các kiến nghị, đặc biệt liên quan đến việc khai thác tài sản dùng chung do Bộ Quốc phòng quản lý.
Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, với diện tích 543 ha, được quy hoạch kết hợp quân sự và dân dụng, tọa lạc tại xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết. Bộ Quốc phòng có thẩm quyền quản lý hạng mục quân sự, trong khi hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận phụ trách.
Quân chủng Phòng không Không quân đã hoàn thành một số hạng mục như đường cất hạ cánh và sân đỗ máy bay, trong khi Công ty CP Rạng Đông, chủ đầu tư hạng mục hàng không dân dụng, cũng đã thi công một số phần của dự án.
Để đảm bảo sự phát triển lâu dài và khai thác hiệu quả các đường bay quốc tế, UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Quốc phòng đã đề xuất nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2030.
Sân bay Phan Thiết được quy hoạch là cảng hàng không quốc nội cấp 4E, với đường cất hạ cánh dài 3.050m và nhà ga hành khách có công suất thiết kế đạt 2 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, do các điều chỉnh về quy mô đầu tư và tổng mức đầu tư, cần xem xét lại việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định hiện hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu hoàn thành báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 15/10/2024.
Kiến nghị thu hồi 20ha đất của công ty Vạn Thành Công
Ngày 8/10, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết đã có Công văn gửi UBND tỉnh này đề xuất xem xét, ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty cổ phần đầu tư Vạn Thành Công do công ty đã vi phạm về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Khu đất của công ty Vạn Thành Công |
Theo đó, năm 2009 UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định cho Công ty TNHH MTV Vạn Bình An (nay là Công ty Cổ phần đầu tư Vạn Thành Công) thuê đất trả tiền hàng năm với diện tích 117.369 m², thời hạn thuê 50 năm. Đến năm 2011, Công ty này tiếp tục được UBND tỉnh Tiền Giang cho thuê đất trả tiền hàng năm với diện tích 96.042 m², thời hạn thuê 50 năm.
Năm 2020, Công ty Cổ phần đầu tư Vạn Thành Công xin chuyển từ thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả 1 lần cho cả thời gian thuê và được UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý cho công ty này thuê đất trả 1 lần cho cả thời gian thuê đối với diện tích hơn 20ha đất nói trên.
Mới đây, theo thông báo của Cục Thuế tỉnh Tiền Giang , tổng số tiền thuê đất Công ty cổ phần Vạn Thành Công phải nộp cho cả thời gian thuê là hơn 79,6 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đang còn nợ tiền thuê đất và tiền chậm nộp trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đất với số tiền là hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuê mặt đất thu 1 lần cho cả thời gian cho thuê là hơn 79,6 tỷ đồng; tiền chậm nộp là hơn 20,6 tỷ đồng.
Ngoài việc nợ tiền thuê đất , công ty còn sử dụng đất được thuê để phát triển du lịch cho mục đích khác.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, qua khảo sát, Công ty cổ phần đầu tư Vạn Thành Công đã đào làm nhiều vuông để nuôi thuỷ sản và còn đang đào mở rộng thêm các vuông khác để tiếp tục nuôi thuỷ sản.
Hà Nội phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc gần 700ha
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 5104/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc (HL3), tỷ lệ 1/2000.
Theo Quyết định, Quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc (HL3), tỷ lệ 1/2000 thuộc các xã: Yên Bình, Tiến Xuân, Thạch Hòa, huyện Thạch Thất.
Phía Bắc giáp khu vực đất quốc phòng - an ninh và khu sân bay Hòa Lạc; phía Đông Bắc giáp Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; phía Tây Bắc giáp đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (tỉnh lộ 84 hiện có); phía Tây và Nam giáp đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2); phía Đông giáp Phân khu đô thị Hòa Lạc (HL4).
Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 1.003,75 ha. Quy mô dân số khoảng 48.200 người; được chia thành 6 ô quy hoạch, được giới hạn bởi các tuyến đường giao thông để kiểm soát phát triển.
Quy hoạch HL6, tỷ lệ 1/2000, được xác định với quy mô dân số khoảng 77.000 người, được chia thành 6 ô quy hoạch chính, bao gồm:
HL6-1: 105,84ha, dân số 10.910 người, định hướng khu vực đô thị cải tạo; HL6-2: 140,71ha, dân số 7.910 người, phát triển mới theo hướng thấp tầng; HL6-3: 81,74ha, dân số 9.180 người, cải tạo làng xóm kết hợp đô thị mới; HL6-4: 97,20ha, dân số 19.960 người, phát triển mới theo mô hình nén; HL6-5: 113,19ha, dân số 20.000 người, khu vực dịch vụ mới; HL6-6: 122,78ha, dân số 9.040 người, phát triển theo mô hình thấp tầng.
Ngoài ra, quy hoạch còn bao gồm các tuyến giao thông đối ngoại như Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 21, tổng diện tích khoảng 38,04ha.
UBND Thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận hồ sơ bản vẽ quy hoạch và tổ chức công bố nội dung quy hoạch cho các cơ quan và nhân dân. Các UBND huyện và xã liên quan sẽ chịu trách nhiệm giám sát và quản lý xây dựng theo đúng quy hoạch, đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Hoà Bình chuyển mục đích sử dụng hơn 18ha đất rừng làm khu công nghiệp gần 2.000 tỷ đồng
Mới đây, tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Nghị quyết về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Bình Phú.
Ảnh minh họa |
Theo đó, tổng diện tích quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác 18,25 ha tại xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình. Toàn bộ diện tích trên có nguồn gốc quy hoạch rừng sản xuất đã được điều chỉnh ra ngoài quy hoạch ba loại rừng.
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Bình Phú được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại quyết định số 883 ngày 22/07/2022; và được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 1/11/2022.
Theo quy hoạch, Khu công nghiệp Bình Phú có tổng diện tích 235,86 ha, trong đó diện tích đầu tư 214,29 ha; có vị trí thuận lợi, giao thông kết nối cao. Khu công nghiệp hướng đến các nhà đầu tư FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, HongKong, Malaisia, Đài Loan…
Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ, đơn vị thực hiện dự án đầu tư là Công ty TNHH Bình Phú Invest. Dự án nhằm tạo nguồn đất sạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cho Khu công nghiệp, có tổng mức vốn đầu tư 1.889,5 tỷ đồng.
Hồi tháng 8, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Hòa Bình vừa phối hợp Công ty TNHH Bình Phú Invest tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tín dụng Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Bình Phú. Vốn vay Ngân hàng VietinBank chi nhánh Hòa Bình 1.321 tỷ đồng (tương đương 70% tổng mức đầu tư).
Nguồn: Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 9/10: Thị trường Hà Nội sôi động với loạt dự án mới