Diễn biến mới về gỡ vướng dự án bất động sản và cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM
TP.HCM: Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Công ty Nam Việt Homes vì rao bán dự án “ma” TP.HCM bảo vệ môi trường tại các KCN - KCX: Đề xuất, triển khai nhiều giải pháp |
Giao quyền cho quận, huyện cải tạo chung cư cũ
Mới đây, nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại hàng trăm chung cư xuống cấp trên địa bàn, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định uỷ quyền, phân công cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức quyền tự quyết việc cải tạo các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975.
Theo đó, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức được ủy quyền để thực hiện các thủ tục về ban hành kết quả kiểm định nhà chung cư; quyết định cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp, cưỡng chế di dời trong trường hợp chung cư cần phải xử lý vì không đảm bảo an toàn.
|
Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng được ủy quyền để thực hiện quyết định phá dỡ công trình, quyết định cưỡng chế phá dỡ hoặc cưỡng chế di chuyển để bàn giao nhà trong trường hợp chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không thực hiện trách nhiệm trong việc phá dỡ công trình; phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải xây dựng và ban hành các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư; công khai tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm chủ đầu tư để các chủ sở hữu nhà chung cư biết và thực hiện lựa chọn chủ đầu tư.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức được uỷ quyền để phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo cũng như chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư cho người dân bị ảnh hưởng; trong đó nội dung xác định rõ tên doanh nghiệp bất động sản được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án.
UBND TP.HCM yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức không được uỷ quyền các công việc nói trên cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện. Thời gian uỷ quyền từ ngày 17/8/2022 đến ngày 31/12/2025.
|
Theo số liệu thống kê tính đến năm 2021, trên địa bàn TP.HCM có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm); 116 chung cư cấp C; 332 chung cư cấp B; 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích.
Về tháo gỡ, đã có 4/14 chung cư bị hư hỏng nặng được tháo dỡ hoàn toàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tháo dỡ 6 chung cư xuống cấp nhưng không thuộc loại bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, có 199 chung cư xây dựng trước năm 1975 được cải tạo, sửa chữa với tổng mức đầu tư gần 276 tỷ đồng.
Tuy vậy, việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ tại TP.HCM đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng 246 chung cư cũ. Nhưng đến tháng 2/2022, các sở, ngành vẫn chưa thống nhất việc bố trí nguồn vốn để thực hiện. Điều này dẫn đến mục tiêu cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cũ khó triển khai đúng tiến độ.
Gỡ vướng cho 116 dự án bất động sản
Liên quan đến công tác xây dựng trên địa bàn, Sở Xây dựng TP.HCM cũng vừa có báo cáo về tiến độ giải quyết những vướng mắc về pháp lý của 116 dự án bất động sản, nhà ở thương mại trên địa bàn.
Theo Sở Xây dựng, trong 116 dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị có số lượng dự án cần giải quyết nhiều nhất, với 71 dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư (28 dự án), Sở Quy hoạch – Kiến trúc (22 dự án), Sở Xây dựng (18 dự án), Cục thuế Thành phố (18 dự án)…
|
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đơn vị được UBND TP giao chủ trì, tổng hợp ý kiến và báo cáo tiến độ kết quả giải quyết của các dự án nhà ở trên địa bàn.
Tuy nhiên, chỉ có 4/11 đơn vị báo cáo tiến độ giải quyết. Một số đơn vị có số lượng hồ sơ tồn đọng lớn như Sở Tài nguyên Môi trường (71 dự án), Sở Kế hoạch và Đầu tư (28 dự án) hay Sở Quy hoạch – Kiến trúc (22 dự án) vẫn chưa có báo cáo.
Đại diện Sở Xây dựng cho rằng thực tế các vướng mắc đều phát sinh ở tất cả các sở, ngành và quận, huyện. Phổ biến là những vướng mắc về đất đai, tình hình sử dụng đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và hầu hết thuộc thẩm quyền tham mưu, giải quyết của Sở Tài nguyên Môi trường.
Quá trình tổng hợp, Sở Xây dựng không kịp thời nhận được thông tin giải quyết của các đơn vị về tiến độ thực hiện. Với những nội dung cần tổng hợp ý kiến thì các sở, ngành đều gửi ý kiến chậm hơn thời gian yêu cầu của UBND TP. Điều này dẫn đến việc Sở Xây dựng hoặc Sở Tư pháp khi rà soát để báo cáo thì không có ý kiến của các đơn vị chuyên ngành liên quan, đặc biệt là ý kiến của Sở Tài nguyên Môi trường và Ban Chỉ đạo 167 (Ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà, đất công).
Đồng thời, khi Văn phòng UBND TP nhận được ý kiến của các sở, ngành (sau khi Sở Xây dựng đã trình) lại tiếp tục chuyển về Sở Xây dựng để tổng hợp. Việc này làm kéo dài thời gian giải quyết.
Để tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành trong việc phối hợp thực hiện, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP có văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ. Trường hợp các đơn vị chậm báo cáo hoặc chậm có ý kiến sẽ chịu trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND TP.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có báo cáo bổ sung kiến nghị của 29 doanh nghiệp về gỡ vướng cho 38 dự án bất động sản nhà ở thương mại, xã hội và tái định cư.
Theo HoREA, các vướng mắc tại 38 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM tập trung vào những lĩnh vực giải phóng mặt bằng, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, miễn tiền sử dụng đất, dự án vướng sai phạm trong đầu tư xây dựng nên chưa hoàn tất thủ tục giao đất, các sở ngành chậm xác định giá bán nhà ở xã hội nên chưa cấp được sổ cho người mua nhà, dự án chưa được phê duyệt tiền sử dụng đất…
Trước đó, HoREA đã có văn bản gửi UBND TP và Sở Xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp về gỡ vướng cho 64 dự án bất động sản nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.
Sau đó, Văn phòng UBND TP đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Phan Văn Mãi giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạc Đầu tư, Sở Tài chính…các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp, kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định.
UBND TP yêu cầu các sở ngành báo cáo kết quả thực hiện trong vòng 30 ngày làm việc.
Nguồn: Diễn biến mới về gỡ vướng dự án bất động sản và cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM