Doanh nghiệp Việt vẫn “đứng ngoài” chuỗi giá trị toàn cầu
Doanh nghiệp Việt đồng loạt chuyển đổi xanh thế nào? TGĐ Samsung Việt Nam: Muốn giúp doanh nghiệp Việt trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung |
Ngày 5/12, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng Viện Konrad - Adenauer -Stiftung (KAS) tổ chức Toạ đàm "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu".
Trình bày Báo cáo "Liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu", TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR khẳng định sau 35 năm thu hút FDI, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Toạ đàm "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu" ngày 5/12 tại Hà Nội. |
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh từ con số 428,5 triệu USD năm 1991 lên mức 22,4 tỷ USD năm 2022. Số dự án FDI cũng tăng từ 152 dự án FDI đăng ký mới trong năm 1991 lên 2.036 dự án được cấp phép năm 2022. Luỹ kế nguồn vốn FDI Việt Nam thu hút được cũng lên tới gần 438,7 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân ở Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo với 15.960 dự án còn hiệu lực, chiếm 43,91% tổng số dự án được cấp phép, tương đương 261,4 tỷ USD chiếm 59,34% tổng vốn FDI đăng ký. Tiếp đó là lĩnh vực bất động sản, sản xuất và phân phối điện, xây dựng, nông nghiệp, khai khoáng...
Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI đang góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Con số này vào năm 1997 là 30% và tăng lên 65% giai đoạn 2011-2015. Đến giai đoạn 2016-2020, các doanh nghiệp FDI đóng góp 71% tổng kim ngạch xuất khẩu và trong năm 2022, đạt tới 73,7%.
Kết quả thu hút FDI trong giai đoạn 2019 - 2022 |
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, TS. Trần Thị Mai Thành (Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn các kết quả từ báo cáo cho thấy sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam vẫn rất yếu, đặc biệt là khả năng cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp đa quốc gia.
Đến cuối năm 2021, Việt Nam mới chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp thuần Việt là nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Trong khi 90% doanh nghiệp FDI tại các nước như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì ở Việt Nam con số này chỉ khoảng 60%.
Đáng lưu ý, Việt Nam vẫn chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp. Lý do được nhiều nhà phân tích đưa ra là phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI nên khó khăn trong việc tham gia liên kết. Do đó, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình.
Báo cáo của VEPR cũng cho thấy dù nhà nước đã có nhiều chính sách cố gắng thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết các chính sách này chưa thực sự hiệu quả. Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản khi muốn tiếp cận, nhận hỗ trợ từ các chính sách.
TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng vấn đề cần chú ý nhất là bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ và năng suất lao động cho các doanh nghiệp trong nước cùng với đó là việc thiết lập liên kết vùng. Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, tạo ra sự kết nối giữa các vùng là một biện pháp tối quan trọng để thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp từ đó tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong năm 2023, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng khi chính thức nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho sự phát triển của nền kinh tế nhưng để hiện thực hoá điều đó, chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần nhiều nỗ lực để nâng cao năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn phù hợp yêu cầu từ với đối tác.
TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng thế giới đang rất quan tâm, đặt ra các yêu cầu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nên Việt Nam cũng cần phải theo những tiêu chuẩn đó. Điều này yêu cầu sự thay đổi cách tiếp cận từ cấp cao. Theo TS. Lê Đăng Doanh, các con số như thông qua đầu tư nước ngoài đạt kết quả công nghiệp hoá, giá trị gia tăng… được bao nhiêu trong nhiệm kỳ chỉ là những kết quả ngắn hạn. Việc nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản là các cơ hội lớn nhưng cần phải biến thành những hành động cụ thể, cải cách rõ rệt trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công khai minh bạch, kinh tế số.
Nguồn:Doanh nghiệp Việt vẫn “đứng ngoài” chuỗi giá trị toàn cầu