Doanh nhân Ngô Đức Phương: "Thuốc nam là kho báu của người Việt"
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ĐH Quốc gia Hà Nội Nữ doanh nhân Việt tỏa sáng tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2023 |
Doanh nhân Ngô Đức Phương, Giám đốc chuyên môn Công ty cổ phần Chân Dược. |
Đam mê, gắn bó với dược liệu
TS. Ngô Đức Phương sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y ở Nghệ An. Bố là lương y, bác sĩ và mẹ là y tá, nên từ nhỏ, Ngô Đức Phương đã đam mê cây thuốc và sau đó theo ngành sinh học. Tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Viện Dược liệu.
Chia sẻ với chúng tôi về hành trình gắn bó với thuốc nam, TS. Phương kể, để thỏa đam mê tìm kiếm thông tin về cây thuốc ở các vùng miền, các dân tộc khác nhau, anh đã đến hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều chuyến đi kéo dài tới cả tháng, chỉ để biết được loài đó sinh trưởng ra sao, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nào.
“Chỉ cần nghe đến thông tin của thuốc, là tôi lập tức lên đường, kể cả có thể phải ăn rừng, ngủ bụi. Thuốc nam như một kho báu, luôn mở ra cho tôi những điều kỳ diệu”, TS. Phương nói.
Trong quá trình tìm hiểu về dược liệu, ngoài tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, anh đã được trải nghiệm, được đi khắp đó đây, tiếp xúc với nhiều người, từ đó hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống của người dân. Không chỉ biết thêm về trữ lượng, sự phân bố và hiện trạng các cây thuốc ở từng địa phương, anh còn học hỏi được nhiều kiến thức của người dân, thầy lang về công dụng của các cây thuốc, bài thuốc.
Năm 2010, niềm đam mê với dược liệu của anh phải tạm gác vì điều kiện kinh tế gia đình. Anh rẽ ngang, đảm nhận vị trí Giám đốc tại một công ty chuyên về dịch vụ xét nghiệm di truyền. Mặc dù công việc bộn bề, nhưng hễ đồng nghiệp cũ gọi điện thông báo có cây thuốc lạ, là anh lập tức đi tới tận nơi để tìm hiểu, sau đó lại tất tả trở về với công việc.
“Tôi hạnh phúc bởi những cống hiến của mình” Người trong ngành gọi anh là “tiến sĩ mê rừng”, vậy anh dành thời gian cho gia đình như thế nào? Tôi có rất ít thời gian cho gia đình, vì công việc nghiên cứu và kinh doanh đã chiếm hết thời gian. Tôi luôn cảm thấy có lỗi với vợ con, nhưng cũng không còn cách nào khác. Dường như anh không có thời gian rảnh để thực hiện các đam mê khác? Tôi hầu như không có sở thích nào khác ngoài tìm hiểu về thuốc nam. Như vậy, cuộc sống của anh mất cân bằng? Tôi tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong thuốc nam và hạnh phúc bởi những cống hiến của mình. |
Năm 2014, anh quyết định nghỉ công việc thu nhập cao để trở lại với lĩnh vực dược liệu đầy gian nan. Nhớ lại giai đoạn này, TS. Phương kể: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là nghỉ việc để quay lại với niềm đam mê của mình. Từ đó đến nay, tôi ngày càng yêu công việc, vì dược liệu và thuốc nam đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Nhiều khi, tôi thấy, việc lựa chọn gắn bó với thuốc Nam là một duyên phận”.
Chứng kiến niềm đam mê, gắn bó với dược liệu, cây thuốc của anh Phương trong nhiều năm qua, những người trong nghề gọi anh là “Phương dược liệu”.
Theo TS. Phương, cộng đồng các dân tộc Việt Nam có nhiều kinh nghiệm quý trong việc dùng các loại cỏ cây có sẵn làm thuốc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Nguồn tài nguyên đó bao gồm một số lượng lớn các loài được phân bổ rộng khắp cả nước, mỗi năm cung cấp cả tấn dược liệu phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao.
Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vùng phân bố tự nhiên của nhiều loài cây thuốc bị tác động và đang suy giảm trầm trọng. Không ít cây thuốc trước đây có thể thu hái tự nhiên với khối lượng lớn, thì nay rất hạn chế. Nhiều nơi đã phải trồng để bảo tồn các giống quý và chủ động nguồn cung.
Đây cũng là một phần lý do thôi thúc anh gây dựng vườn thuốc nam trên nền bãi đất hoang ở Ba Vì (Hà Nội) vào năm 2018. Đến nay, vườn thuốc nam này đã có hơn 600 loài, trong đó có rất nhiều cây thuốc quý được anh mang về từ khắp mọi miền đất nước. Nguồn dược liệu khổng lồ mà TS. Phương có được là kết quả của cả một hành trình dài đầy gian nan, vất vả.
Không chỉ đam mê sưu tầm các loại cây thuốc quý, bằng kinh nghiệm của mình, TS. Ngô Đức Phương đã hỗ trợ người dân ở nhiều địa phương, nhất là những vùng dân tộc thiểu số, khai thác cây thuốc bền vững, thu hái và chế biến theo tiêu chuẩn để bán được với giá cao...
Trăn trở với dược liệu sạch
Trong suốt 20 năm qua, từ những bước chân lên rừng hay xuống biển để khai phá kho tàng dược liệu của Việt Nam, tìm kiếm các loài thảo dược mới để làm thuốc, bảo tồn nguồn gen của các loài thảo dược quý trong nhiên, TS. Ngô Đức Phương nhận ra một sự thật rằng, kho báu thảo dược tự nhiên của Việt Nam đang đứng trên bờ vực tận diệt.
“Từng giữ vị trí số 2 thế giới về đa dạng sinh học với hơn 12.000 loài thực vật, trong đó có hơn 5.000 loài có thể làm thuốc, đặc biệt là nhiều loại cây đặc hữu cực quý hiếm chỉ có ở Việt Nam như sâm Ngọc Linh, chay Bắc bộ…, nhưng chúng ta lại phải đối mặt với nghịch lý: 90% dược liệu nhập khẩu từ nước ngoài, mà hầu hết đã được kiểm chứng là ‘rác dược liệu’ cạn hoạt chất”, TS. Phương trăn trở.
Anh đau xót vì những cây thuốc quý là sản vật quốc gia bị săn tìm, khai thác tận diệt, đào tận gốc, trốc tận rễ để bán rẻ ra nước ngoài. Không những vậy, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sự cả tin của người bệnh để trục lợi, bóp méo thông tin khoa học, bán các sản phẩm gắn mác “bảo vệ sức khỏe” nhưng thành phần pha trộn không rõ ràng, không có kiểm chứng chất lượng, không có hiệu quả sử dụng, thậm chí gây hại cho sức khỏe.
Trăn trở về con đường bảo tồn cây thuốc nam và khát khao phát triển ngành dược liệu, dược phẩm trong nước, năm 2020, TS. Ngô Đức Phương cùng các nhà dược học đã thành lập Công ty cổ phần Chân Dược, thực hiện sứ mệnh phát triển bền vững ngành dược liệu Việt Nam theo con đường chủ động và khoa học, hỗ trợ người bệnh bằng kiến thức và thông tin chính xác, cùng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chất lượng cao từ nguồn dược liệu chuẩn sạch.
TS. Phương chia sẻ, Công ty được đặt tên là “Chân Dược” với tôn chỉ: thảo dược thật cho sức khỏe người Việt. Đó cũng chính là cam kết mạnh mẽ của Chân Dược trong quá trình hoạt động. Từ khi thành lập tới nay, Chân Dược cùng với Viện Cây thuốc Nam đã cung cấp nguồn dược liệu tiêu chuẩn cao cho tiêu dùng; nghiên cứu, kiểm nghiệm, sản xuất dược phẩm, cung cấp mẫu chuẩn dược liệu; đào tạo về thực vật, thảo dược, tư vấn chuyên môn, phát triển vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn dược liệu sạch GACP.
Nói về những khó khăn của một nhà khoa học đảm nhiệm vai trò của một doanh nhân, TS. Phương cho biết, thử thách lớn nhất với anh là công tác bán hàng. “Sản phẩm dù tốt, nhưng nếu không đến được với người tiêu dùng, thì cũng là thất bại. Do vậy, giai đoạn hiện nay, Chân Dược đang tập trung vào khâu bán hàng và phân phối sản phẩm”, TS. Phương nói.
Để kiểm soát chất lượng đầu vào, anh yêu cầu rất cao về vùng trồng nguyên liệu. Đến thời điểm hiện, tại ngoài Ba Vì, Chân Dược đã xây dựng được các vùng trồng nguyên liệu ở Lạng Sơn và Sơn La, với nhiều loại dược liệu quý. Đây vừa là vùng nguyên liệu sản xuất của Chân Dược, vừa là địa điểm để anh giới thiệu cho đồng nghiệp, đối tác và những người đam mê nghiên cứu dược liệu đến tìm hiểu và nghiên cứu.
Với quy trình làm việc khắt khe, nghiêm túc, quan điểm của TS. Ngô Đức Phương là không chạy theo số lượng, mà đi sâu vào nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm thực sự chất lượng.
Hiện tại, sản phẩm chủ lực của Chân Dược bao gồm các sản phẩm giải độc gan và hỗ trợ mọc tóc, giúp giảm rụng róc, ăn ngon, ngủ tốt. Bên cạnh đó, Chân Dược đang nghiên cứu một số công thức để bào chế các bài thuốc an thần, điều trị các bệnh lý về gút, xướng khớp… Ngoài ra, Chân Dược còn có 18 loại trà thảo mộc dùng uống hàng ngày để tăng sức đề kháng cho người già, người mắc bệnh mạn tính.
Đặc biệt, TS. Ngô Đức Phương đang cùng Chân Dược và người dân ở các vùng, miền ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào xây dựng vùng trồng dược liệu chuẩn hóa để phát triển và bảo tồn các loài thảo dược quý trong nước, phục vụ tiêu dùng và sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng.
Hành trình của Chân Dược sẽ còn nối dài, vì mỗi bước đi của Chân Dược đều mang giá trị chân - thiện - mỹ. TS. Ngô Đức Phương tin rằng, chỉ có những giá trị thực mới có thể tồn tại và phát triển vững bền, chỉ thảo dược thật mới có thể giúp người bệnh vượt qua khó khăn và bệnh tật.
“Chân Dược là đơn vị hiếm hoi ở Việt Nam có một vườn bảo tồn thuốc nam giữa lòng Hà Nội với gần 600 loài cây thuốc được thu thập khắp trong Nam ngoài Bắc; đồng thời có khả năng phân tích, giám định tất cả các loài thực vật Việt Nam”, TS. Ngô Đức Phương tự hào nói.
Nguồn: Doanh nhân Ngô Đức Phương: "Thuốc nam là kho báu của người Việt"