Doanh nhân Việt Nam ngày càng ý thức và quan tâm xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, với nhìn nhận doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước. Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Cùng với tăng nhanh về quy mô số lượng, năng lực quản trị, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh doanh và chuyên môn của doanh nhân Việt Nam ngày càng nâng cao, năng lực và khả năng hội nhập quốc tế cũng có bước tiến rõ nét. Đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển. Tiêu biểu có: Tập đoàn THACO, Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, BIDV, BRG, Tập đoàn TH, Geleximco, Tập đoàn Phú Thái, PNJ, Doji, Vinamilk… Các sản phẩm phong phú, chất lượng cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Các công trình hạ tầng quy mô, các khu đô thị văn minh, hiện đại, các toà nhà biểu tượng, các sản phẩm công nghệ cao đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam và đưa đất nước vững vàng phát triển, từng bước hiện thực hoá chủ trương, mục tiêu của Đảng về xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Bên cạnh thực hiện phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày càng ý thức và quan tâm xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội. Đạo đức doanh nhân là yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hoá kinh doanh và văn hoá kinh doanh là yếu tố nền tảng để phát triển doanh nghiệp bền vững. Không chỉ chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động, mà trong các thời điểm khó khăn khi đất nước đối mặt với thiên tai, dịch bệnh các doanh nhân luôn hết mình ủng hộ, đóng góp tài lực, trí tuệ cho xã hội, điển hình như trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Trên hành trình xây dựng văn hoá kinh doanh của Việt Nam, tháng 5/2022 VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, (2) Tuân thủ pháp luật, (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính, (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển, (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Năm 2022 và 2023, do ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19 cùng các tác động tiêu cực của các biến động địa chính trị, xung đột vũ trang trên thế giới, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng của kinh tế đất nước cũng bị ảnh hưởng. Thị trường quốc tế suy giảm, thị trường tín dụng, thị trường bất động sản trong nước rơi vào trạng rất khó khăn càng gây thêm khó cho cả cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước đã kịp thời thông qua nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trân trọng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và chính quyền các cấp, đặc biệt là Thủ tướng, các phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành đã rất quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, các nút thắt lớn cho doanh nghiệp.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, có thể gọi đội ngũ doanh nhân hiện nay là các doanh nhân thời kỳ đổi mới. Quá trình hình thành đội ngũ doanh nhân thời kỳ đổi mới đến nay có thể chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn hình thành sau đổi mới, kéo dài 20 năm từ khi đổi mới đến năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO. Tiếp theo là giai đoạn hội nhập quốc tế, kéo dài từ năm 2007 đến nay là gần 20 năm, với những bước tiến mạnh mẽ về trình độ, năng lực từng bước tiệm cận khu vực và thế giới. Hiện nay giới doanh nhân đang bước vào giai đoạn 3, hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, tức cũng kéo dài khoảng 20 năm.
Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng đất nước, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn và khẳng định sẽ nỗ lực vươn lên, đoàn kết, hợp tác dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn hiện nay cũng như trong tương lai để cũng nhân dân cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
“Sự phát triển mạnh mẽ và những thành tựu, kết quả đạt được của giới doanh nhân Việt Nam trong thời gian qua, ngoài sự nỗ lực hết mình của các doanh nhân, còn có yếu tố quyết định là sự lãnh đạo cùng sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Nguồn:Doanh nhân Việt Nam ngày càng ý thức và quan tâm xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh