Đổi tên, chuyển sàn, tăng vốn khủng: Sacombank (SBS) có lột xác thành công?
Kế hoạch làm mới toàn diện từ đổi tên, chuyển trụ sở đến tăng vốn khủng
Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 lần 3 của SBS đã diễn ra với số cổ đông có mặt hợp lệ đại diện cho gần 10,85 triệu cổ phần chiếm 8,56% vốn cổ phần công ty.
Đại hội đã thông qua tờ trình về việc đổi tên, chuyển địa chỉ trụ sở chính của công ty và thay đổi nhận diện. Tuy nhiên các thông tin chi tiết về tên mới, địa chỉ mới và nhận diện thương hiệu mới vẫn còn là "bí ẩn". Nghị quyết cũng thông qua việc uỷ quyền cho Hội đồng quản trị, Ban điều hành công ty quyết định thời điểm thích hợp cho công tác thay đổi tên, địa chỉ công ty…
Cũng tại Đại hội cổ đông lần này Sacombank SBS thông qua tờ trình về phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tăng vốn điều lệ. Sacombank SBS dự kiến chào bán 150 triệu cổ phần cho dưới 100 nhà đầu tư, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động 1.500 tỷ đồng. Vốn điều lệ doanh nghiệp dự kiến gấp 2,1 lần từ 1.267 tỷ đồng lên 2.767 tỷ đồng.
Công ty cho biết sẽ phân bổ sử dụng nguồn vốn này cho các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ chứng khoán, đầu tư tự doanh chứng khoán.
Đáng chú ý, từ 2011 đến nay Sacombank SBS chưa thực hiện tăng vốn. Với việc tăng vốn “khủng” lần này, Sacombank SBS đang hướng tới điều kiện để thực hiện nghiệp vụ khác. Tờ trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 cũng xác nhận công ty muốn đăng ký bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán; nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phát sinh và các nghiệp vụ khác.
Ngoài ra, sau khi phát hành riêng lẻ thành công, SBS dự kiến chuyển niêm yết mã cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Thời gian dự kiến thực hiện việc chuyển sàn trong giai đoạn 2023-2024 ngay sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định chuyển sàn của UBCK, HoSE và các quy định pháp luật có liên quan.
Thế khó của SBS trước khi đổi chủ
Chứng khoán SBS được thành lập từ 2006, từng nằm trong top 5 thị phần môi giới tại HoSE, là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường trong năm 2007. Công ty cũng là đơn vị đi đầu trong việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài khi lập công ty con tại Lào, Campuchia, Singapore.
Tại thời điểm hoàng kim, SBS từng đạt mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc vay nợ, đầu tư tài chính thiếu thận trọng, tự doanh quá lớn đã đẩy doanh nghiệp đến những khoản lỗ đậm trong giai đoạn 2011-2012.
Cụ thể, Sacombank – SBS báo lỗ lên đến 1.652 tỷ đồng năm 2011 và lỗ 138 tỷ đồng năm 2012 do lỗ lớn hoạt động kinh doanh chứng khoán, trả lãi trái phiếu phát hành và dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán. Tại thời điểm cuối năm 2012, doanh nghiệp lỗ lũy kế 1.767 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng.
Năm 2013, nhờ hoàn trả một phần giá trị trái phiếu chuyển đổi cùng khoản tiền lãi mà SBS có lợi nhuận khác lớn giúp lợi nhuận sau thuế đạt 443 tỷ đồng giảm lỗ lũy kế. Tuy nhiên, các năm sau đó, bối cảnh kinh doanh không thuận lợi khiến đơn vị chỉ lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Doanh thu hoạt động năm 2021 của công ty đạt hơn 221 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với doanh thu hơn 90 tỷ đồng đạt được năm 2020 – đều là doanh thu từ môi giới chứng khoán. Tính đến cuối năm 2021, công ty chứng khoán vẫn còn lỗ lũy kế 1.301 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế lớn vượt vốn điều lệ cũng làm hạn chế hoạt động kinh doanh. SBS không thực hiện được các dịch vụ phái sinh cũng như các dịch vụ khác do yêu cầu tư quy định pháp luật cho khách hàng, ảnh hưởng đến việc cạnh tranh khách hàng giao dịch.
Mới đây, SBS bị UBCKNN xử phạt 150 triệu đồng do vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng. Trong giai đoạn từ ngày 09/11/2020 đến ngày 11/6/2021, tại một số thời điểm, công ty cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không có đủ 100% tiền.
Trước đó, cuối tháng 11/2021, Cục thuế TP HCM xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín do khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp.
Theo đó, SBS bị phạt vi phạm hành chính hơn 111 triệu đồng và số tiền bị truy thu 557 triệu đồng (trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp là 393 triệu và thuế thu nhập cá nhân 164 triệu đồng). Ngoài ra, SBS còn bị phạt tiền chậm nộp 81 triệu đồng. Số tiền chậm nộp thuế này được tính đến hết ngày 18/11/2021. Như vậy, tổng số tiền SBS phải nộp hơn 750 triệu đồng.
Hé lộ cổ đông mới chi phối SBS
Trước Đại hội, cơ cấu cổ đông của SBS ghi nhận thay đổi đáng kể. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, bà Hà Thị Thu Hồng, cổ đông lớn lâu năm liên tục bán ra cổ phiếu SBS, giảm dần tỷ lệ sở hữu từ 19,49% về 0%. Ngày 21/2 vừa qua, bà chính thức không còn là cổ đông lớn của công ty sau khi bán xong hơn 10,4 triệu cổ phiếu SBS còn lại.
Một cổ đông lâu năm khác, bà Lưu Thị Lợi bán toàn bộ 21 triệu cổ phiếu SBS, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 16,5% vốn trong tháng 11/2021. Theo thông báo giao dịch gần nhất, bà Lợi bán ra 6 triệu cổ phiếu giảm sở hữu về 3 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 2,37% vốn và không còn cổ đông lớn kể từ 10/11.
Cuối cùng, Sacombank (HoSE: STB) có chủ trương thoái toàn bộ vốn tại Chứng khoán SBS để cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả và gia tăng nguồn thu. Sacombank từng là ngân hàng mẹ nắm giữ 65% vốn SBS nhưng thoái dần vốn và giảm sở hữu xuống 20,2 triệu đơn vị, tỷ lệ 15,96% vốn SBS.
Trong bối cảnh cổ đông lớn lần lượt rời đi, ông Phan Quốc Huỳnh - Chủ tịch HĐQT hé lộ tại Đại hội công ty sẽ có cổ đông lớn mới nắm quyền chi phối mới tham gia thay cho Sacombank. Do yêu cầu bảo mật trong biên bản ghi nhớ giữa hai bên nên công ty chưa thể để lộ tên cổ đông mới, có thể trong vòng 3 tháng nữa có thể công bố thông tin về cổ đông này.
"Đó là một công ty lâu đời trên sàn chứng khoán, có lượng cổ đông đông đảo. Cả 2 bên sẽ tận dụng thế mạnh của nhau để cùng phát triển. Việc tham gia hệ sinh thái của đối tác mới có thể nâng cao tiềm lực của công ty, cổ đông chiến lược trong đợt phát hành riêng lẻ phải giữ cổ phiếu trong 1 năm nên không ảnh hưởng tới giao dịch cổ phiếu trên sàn", lãnh đạo SBS hé lộ về chủ sở hữu mới của công ty chứng khoán này.
Nguồn: Đổi tên, chuyển sàn, tăng vốn khủng: Sacombank (SBS) có lột xác thành công?