Đồng bộ các giải pháp tạo đà cho kinh tế phục hồi và phát triển
Chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh song trong quý I, sản xuất công nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng khá
Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, ngay những ngày đầu bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Vĩnh Phúc phải đối mặt với tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, số ca mắc mới tăng liên tục trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và cộng đồng. Cùng với đó là những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu; doanh nghiệp thiếu hụt lao động do số công nhân mắc Covid-19 tăng; giá cả đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, sớm lường trước những khó khăn này, trên cơ sở cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 01 với các kịch bản tăng trưởng phù hợp cho từng tháng, từng quý và cả năm 2022; giao 8 nhóm nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ cụ thể cho 16 sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Trong đó, trọng tâm là yêu cầu các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ…
Với hướng đi đúng cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, kết thúc quý I/2022, nền kinh tế của Vĩnh Phúc đã có nhiều khởi sắc, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 7,89% so cùng kỳ, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,52%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,1%; khu vực dịch vụ tăng 1,17%; thuế sản phẩm tăng 1,64%... Kết quả này đã và đang tạo niềm tin trong nhân dân, cộng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,
Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8 - 9% trong năm 2022, tiến tới mức tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo, vẫn còn rất nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ. Bên cạnh những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết dứt điểm trong nhiều lĩnh vực, quý II/2022, dự báo nền kinh tế của tỉnh vẫn chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, giá cả các mặt hàng xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, ảnh hưởng đến các hoạt động xây dựng, đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Để tạo đà cho kinh tế tăng trưởng ổn định, trong quý II/2022, cùng với linh hoạt chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19, Vĩnh Phúc sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, cầu Vĩnh Phú, các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giúp doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi và phát triển.
Nguồn: Đồng bộ các giải pháp tạo đà cho kinh tế phục hồi và phát triển